Vượt khó trên sân nhà
Cuối tháng 3, cầu lông nước nhà đón tin vui khi cặp đôi Nguyễn Đình Hoàng và Trần Đình Mạnh đã giành chiến thắng đầy cảm xúc tại Giải cầu lông quốc tế Ciputra Hanoi - Yonex Sunrise Vietnam International Challenge 2025. Đánh bại hai tay vợt Nhật Bản xếp hạng 80 thế giới ngay trên sân nhà được xem như thành tích cao nhất trong lịch sử Việt Nam tại giải đấu này.
Tuy nhiên, khoảnh khắc vinh quang cũng hé lộ một phần sự thật khắc nghiệt với các vận động viên cầu lông nước nhà. Sự cạnh tranh tại các sân chơi châu Á khốc liệt tới nỗi các giải đấu nhỏ ở Việt Nam cũng có sự góp mặt của hàng trăm tay vợt tuyến dự bị từ các đội tuyển mạnh, những người có trình độ không hề thua kém các tay vợt hàng đầu nước ta. Với những tay vợt Nhật Bản, thi đấu vòng quanh các nước Đông Nam Á là phương án tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đồng thời giúp họ nhanh chóng cải thiện trình độ khi cọ xát cùng những đối thủ có đẳng cấp cao.
Cũng vì vậy, chiến thuật phổ biến được cầu lông Việt Nam sử dụng trong gần 10 năm nay lại là “tránh gần, đánh xa” - đi tới những giải đấu ngoài châu lục để tích lũy dần điểm số cũng như từng bước cải thiện thứ hạng. Đây là phương án khả thi nhất, thay vì sớm bị loại ở các giải đấu khu vực mỗi lần đụng độ những đối thủ mạnh.
Nhìn vào trường hợp của Trần Thị Phương Thúy, tay vợt nữ số 2 Việt Nam không thể tranh tài tại Giải Việt Nam Mở rộng 2024 do sở hữu thứ hạng quốc tế quá thấp - nằm ngoài top 500 thế giới. Nếu không thường xuyên thi đấu quốc tế để tích điểm, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc giành suất tham dự những sân chơi lớn hơn.
Vẫn mãi vấn đề “đầu tiên”
Dù được xem là phương án tối ưu, việc thi đấu xa nhà lại mang đến một “cơn đau đầu” khác - rào cản tài chính rất lớn. Điển hình như việc thi đấu ở châu Phi, châu Âu sẽ tiêu tốn ít nhất từ 50 triệu đồng. Giống như nhiều môn thể thao khác, cầu lông cũng cần sự đầu tư cực mạnh để một vận động viên phong trào có thể tiến bước lên sân chơi chuyên nghiệp.
Theo thống kê, trung bình mỗi vận động viên cầu lông trẻ có ý định theo đuổi con đường chuyên nghiệp cũng phải tiêu tốn không dưới 10-15 triệu đồng mỗi tháng. Chi phí dễ thấy nhất đến từ trang thiết bị (như vợt, cầu, giày chuyên dụng...). Do cường độ tập luyện rất cao, mỗi quả cầu thường chỉ trụ được khoảng hai ngày. Giày thi đấu sẽ hao mòn trong chưa đầy một tháng. Còn những cây vợt chất lượng có thể sử dụng trong nửa năm. Ngoài ra, việc thuê chuyên gia hay huấn luyện viên nước ngoài, chi phí tập luyện bổ trợ hay các nhu cầu về dinh dưỡng, hồi phục... cũng tiêu tốn khoản tiền đáng kể.
Hiện tại, các tuyển thủ quốc gia cũng nhận được sự hỗ trợ trang thiết bị từ nhà tài trợ của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam tại các giải quốc tế lớn. Thế nhưng, những tay vợt như Thùy Linh, Đức Phát hay Hải Đăng vẫn phải chi trả phần lớn kinh phí thi đấu quốc tế để theo đuổi đam mê. Bởi vậy, câu chuyện xã hội hóa thể thao vẫn là một trong những thách thức lớn nhất trên con đường phát triển của các tay vợt.
Giấc mơ SEA Games
Trở lại với đấu trường quan trọng nhất của cầu lông Việt Nam trong năm nay, chúng ta đặt mục tiêu giành một tấm huy chương ở sân chơi khu vực. Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản ấy lại ẩn chứa sự cạnh tranh khốc liệt không kém các giải đấu quốc tế ở bộ môn cầu lông.
Với Nguyễn Thùy Linh - tay vợt nữ số 1 Việt Nam đang đứng thứ 27 thế giới, tấm Huy chương vàng SEA Games vẫn là khát khao cháy bỏng trong sự nghiệp. Đẳng cấp và sự tiến bộ chóng mặt của các đối thủ trong khu vực, như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia, luôn khiến chúng ta phải bất ngờ. Dẫu vậy, việc Thùy Linh tham dự tới sáu kỳ Đại hội cho thấy sự coi trọng và quyết tâm chinh phục thử thách.
Thực tế, Nguyễn Thùy Linh từng thi đấu ngang ngửa Supanida Katethong của Thái Lan. Song, việc các vận động viên nước bạn được đầu tư cọ xát quốc tế liên tục đã khiến cô gái Việt Nam bị tụt hậu đáng kể. Ngoài Supanida (hạng 9), Đội tuyển Thái Lan còn có Pornpawee Chochuwong (hạng 6), Ratchanok Intanon (hạng 10) và Busanan Ongbamrungphan (hạng 11 thế giới). Đây đều là những đối thủ thường xuyên thi đấu áp đảo trước các tay vợt nước ta.
Rõ ràng, mục tiêu giành huy chương SEA Games không chỉ là khát vọng cá nhân của Thùy Linh mà còn là mục tiêu phấn đấu của cầu lông nước nhà. Thành tích này không chỉ cải thiện vị thế của Việt Nam mà còn tạo động lực cho các tay vợt trẻ nỗ lực hơn nữa trên con đường chinh phục đỉnh cao. Muốn vậy, bài toán đầu tư, tạo điều kiện cho vận động viên thi đấu quốc tế đều đặn vẫn là câu chuyện cốt lõi cần sớm tìm lời giải.