Tăng tốc cho thế hệ tương lai

Bóng bàn Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu tích cực từ lứa vận động viên trẻ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa giấc mơ vươn tầm châu lục, đặc biệt là mục tiêu chinh phục tấm Huy chương vàng SEA Games 33, chúng ta cần phải tiếp tục duy trì chiến lược đầu tư bài bản, tăng cường công tác tập huấn và thi đấu ở nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Bóng bàn Việt Nam đặt mục tiêu giành Huy chương vàng tại SEA Games 33.
Bóng bàn Việt Nam đặt mục tiêu giành Huy chương vàng tại SEA Games 33.

Tin vui từ lứa trẻ

Năm 2024 đánh dấu khoảng thời gian thi đấu bứt phá của các tay vợt trẻ Việt Nam tại Giải vô địch trẻ bóng bàn Đông Nam Á, khi mang về tới ba tấm huy chương vàng. Đỗ Mạnh Lương và Đinh Nhật Nam chiến thắng ở nội dung đôi nam U15. Với lứa U19, Trần Mạnh Cường, Nguyễn Hoàng Lâm (đánh đôi) và Nguyễn Duy Phong (đánh đơn) là những vận động viên bước lên ngôi vô địch.

Theo Tổng thư ký Liên đoàn bóng bàn Việt Nam Nguyễn Nam Hải, việc các tay vợt Việt Nam lọt vào tới sáu trận chung kết (trong các nội dung nam, nữ của hai nhóm tuổi U15 và U19) đã phản ánh thực lực bóng bàn trẻ Việt Nam không thua kém các đối thủ cùng trang lứa trong khu vực.

Những cái tên như Đỗ Mạnh Lương, Nguyễn Hoàng Lâm hay Nguyễn Duy Phong được giới chuyên môn đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, hai chị em Đỗ Lê Vân Chi và Đỗ Lê Vân Linh cũng xuất sắc giành một huy chương vàng và một huy chương bạc ở Giải Mỹ mở rộng (với gần 1.500 tay vợt đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ). Tất cả những tin vui ấy càng khẳng định sức mạnh và tiềm năng vươn xa của lứa vận động viên trẻ nước nhà.

Thế nhưng, nếu không được đầu tư liên tục và bài bản, các tay vợt trẻ Việt Nam dù có khởi đầu tốt, vẫn có thể sẽ tụt hậu nhanh chóng so các đối thủ trong khu vực (như Singapore, Malaysia và Thái Lan). Các quốc gia này nổi tiếng nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào lớp vận động viên trẻ thông qua số lượng lớn các chuyến du đấu và tập huấn nước ngoài. Vì thế, các tay vợt “láng giềng” không chỉ chinh phục đấu trường khu vực mà còn thường xuyên tiến xa ở sân chơi châu Á.

Những năm trước đây, bài toán kinh phí thi đấu và tập huấn luôn là thách thức lớn với bộ môn bóng bàn. Việc tăng cường xuất ngoại luôn đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn. Tuy nhiên, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam (VTTF) đã nỗ lực đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chất lượng chuyên môn. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí từ ngân sách cấp cho bộ môn sẽ được dồn cho việc tập huấn, thi đấu quốc tế của các đội tuyển.

Đẩy mạnh tập huấn và thi đấu quốc tế

Hướng tới SEA Games 33 diễn ra tại Thái Lan năm 2025, bóng bàn Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu giành tối thiểu một huy chương vàng. Mục tiêu tưởng chừng đơn giản này thực tế là bài toán đầy thách thức với ban huấn luyện và các vận động viên, bởi sự cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên gay gắt.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu ấy, VTTF mới ban hành Điều lệ Giải vô địch bóng bàn quốc gia lần thứ 43 năm 2025. Giải đấu diễn ra vào tháng 5 tại Đà Nẵng là cơ sở quan trọng để tuyển chọn vận động viên nòng cốt cho đội tuyển quốc gia, hướng tới chuẩn bị sẵn sàng cho các nhiệm vụ quốc tế, đặc biệt là SEA Games 33.

Trong năm 2025, bóng bàn Việt Nam cũng tham dự các giải đấu quốc tế, gồm Giải vô địch trẻ châu Á, Giải vô địch đồng đội châu Á và Giải vô địch thế giới. Việc được tạo điều kiện tranh tài ở các sự kiện này không chỉ giúp các tay vợt nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thi đấu, mà còn là cơ hội để bóng bàn nước nhà khẳng định vị thế trên đấu trường khu vực và châu lục.

Hiểu rõ tầm quan trọng của việc tăng cường cọ xát quốc tế, VTTF cũng ngày càng chú trọng đầu tư hơn cho lứa trẻ tài năng bằng cách cử đi tập huấn luân phiên dài hạn ở nước ngoài. Cụ thể, ba vận động viên nam và ba vận động viên nữ sẽ được đi tập huấn quốc tế, dự kiến diễn ra tại Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các tay vợt cũng sẽ được tạo điều kiện tham dự các giải đấu lớn trong khu vực Đông Nam Á, châu Á, thế giới và Protour ITTF.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, 16 tay vợt của Đội tuyển bóng bàn trẻ sẽ đi tập huấn trong tháng tư tới nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho Giải vô địch trẻ Đông Nam Á ở hai nhóm tuổi U15 và U19. Đây là một bước đệm trong cả đoạn đường dài nhằm đào tạo những gương mặt xuất sắc nhất để các em đủ sức gánh vác nhiệm vụ quốc gia.

Việc các vận động viên trẻ có thêm nhiều cơ hội thi đấu quốc tế sẽ giúp trình độ chuyên môn của mỗi người nhanh chóng được cải thiện so các đối thủ trong khu vực. Xu thế này đã chứng minh được sự hiệu quả khi nhiều tay vợt ở Đông Nam Á phát triển vượt bậc nhờ cọ xát nước ngoài.

Với những nỗ lực từ phía Liên đoàn, bộ môn và sự quyết tâm của các vận động viên, bóng bàn Việt Nam đang có những bước đi vững chắc trên con đường phát triển. Nếu tiếp tục bảo đảm và duy trì cách làm này trong thời gian dài, các tay vợt trẻ chắc chắn sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn trên đấu trường châu lục và thế giới.