Tỏa sáng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Giữa bầu không khí hân hoan trước ngày đại lễ, Đội tuyển thể dục nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã trình diễn trong đêm khai mạc chương trình Sắc màu Thành phố Bác, thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Dưới nền nhạc của tác phẩm cùng tên, bài diễn "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" là sự giao thoa giữa múa, ba-lê, các động tác nhào lộn mạnh mẽ hay uốn dẻo đầy uyển chuyển.
Với chị Phùng Lê Thy, Phụ trách bộ môn thể dục nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đây là cơ hội quý giá giúp đội tuyển trình diễn kỹ thuật và những nét hấp dẫn đặc biệt của bộ môn tới đông đảo khán giả. Tất cả những ý tưởng sẽ góp phần khắc họa tình yêu nước của lứa thế hệ thời bình, mà vẫn thể hiện rõ sự tôn vinh quá khứ hào hùng, cũng như hướng tới một tương lai mới tươi sáng hơn.
Không chỉ được biểu diễn trong những sự kiện văn hóa lớn của thành phố, đội tuyển thể dục nghệ thuật còn nhận nhiệm vụ tham gia khối diễu hành ngày 30/4. Ngay sau đêm diễn ngày 19/4, các buổi hợp luyện diễn ra liên tục vào buổi tối các ngày 22, 25, 27 nhằm chuẩn bị cho buổi lễ chính thức.
"Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đồng thời cũng là niềm vinh hạnh lớn lao đối với bộ môn, các vận động viên và huấn luyện viên. Cả đội đã dồn toàn tâm toàn sức để chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này", chị Thy chia sẻ.
"Con muốn đi và con phải đi!"
Thực tế, 12 vận động viên được lựa chọn tham gia khối diễu hành đều đang trong độ tuổi đi học, với người nhỏ nhất chỉ 10 tuổi. Trong khi đó, lịch luyện tập kéo dài liên tục, lại trùng với giai đoạn thi học kỳ. Việc phải vừa bảo đảm vấn đề sức khỏe, vừa nỗ lực tham dự buổi hợp luyện đúng giờ, cũng như hoàn thành bài vở trên lớp không hề đơn giản.
Các huấn luyện viên phải nhấn mạnh rằng "đây là sự kiện rất lớn của đất nước, 50 năm mới có một lần. Các em ở đây chưa chắc sẽ có cơ hội tham dự lần thứ 2. Đó là niềm vinh hạnh với mỗi cá nhân và ai ai cũng mong muốn được góp sức". Song song với đó, họ cũng chia sẻ lịch sử cuộc chiến giải phóng đất nước như thế nào, giáo dục thêm về tinh thần và giá trị của ngày kỷ niệm này.
Thời gian đầu, các bạn nhỏ chưa hiểu hết được ý nghĩa. Nhưng khi đến buổi hợp luyện, thấy được tinh thần tập thể của những người xung quanh, các em đã rất quyết tâm. Ngoài ra, những buổi hợp luyện đòi hỏi phải tập trung sớm. Một số bạn vừa thi xong đã cắp cặp sách đi ngay.
Huấn luyện viên đã lên phương án phòng trường hợp các con có thể vắng mặt một số buổi. Hay như trường hợp, di chuyển trong giờ tan tầm cực kỳ vất vả, nhận được tin báo từ phụ huynh, huấn luyện viên cũng có thể bố trí bạn khác vào đội hình, bởi đội lúc nào cũng có lực lượng dự bị. Thế nhưng, các vận động viên nhí không đồng ý.
"Con muốn đi và con phải đi! Con sẽ tìm cách nhanh nhất để tới tập trung nên cô có thể chờ con được không?" Nghe được câu nói ấy từ các bạn, thấy được tinh thần quyết tâm, các huấn luyện viên rất vui.
“Các bạn luôn cảm thấy rất tự hào, khi đi cùng cô dù có mệt nhưng không hề than. Mình cũng vui lây khi thấy các vận động viên nỗ lực như vậy”, chị Thy không giấu được ánh mắt đầy tự hào.
Thúc đẩy phong trào luyện tập
Không chỉ là bộ môn Olympic đòi hỏi kỹ thuật cao, một bài thi thể dục nghệ thuật còn phải kết hợp sức mạnh, độ dẻo, cảm âm nhạc, biểu cảm, và đặc trưng của từng dụng cụ. Vẻ ngoài mảnh khảnh, gương mặt sáng, trang phục đẹp cũng là những yếu tố quan trọng, khiến bộ môn này rất kén người học. Chưa kể, xót con khi thấy các em đau lúc tập uốn dẻo, cộng thêm lịch đưa đón dày đặc cũng là rào cản lớn với nhiều gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Do đó, được biểu diễn và tham gia buổi diễu hành không chỉ là dịp để thể dục nghệ thuật tỏa sáng mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển sâu rộng của phong trào. Thể dục nghệ thuật chưa phổ biến rộng rãi, nên cơ hội được tham gia vào những sự kiện lớn của đất nước, sẽ giúp bộ môn được công chúng quan tâm hơn. Và đó cũng là điều giúp tiếp thêm động lực để các gia đình đồng hành cùng con tham gia tập luyện.
Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương là các địa phương phát triển phong trào mạnh mẽ nhất. Với riêng thành phố mang tên Bác, phong trào thể dục nghệ thuật tại các quận, huyện ở đây đã được khôi phục từ năm 2019. Đến nay có khoảng 10-12 quận tham gia, với kế hoạch mở rộng tại trường học trên địa bàn. Các giải đấu cấp quận sẽ là nơi phát hiện nhân tài cho thành phố, sau đó hệ thống giải cấp quốc gia sẽ tuyển chọn những vận động viên nòng cốt thi đấu ở các giải quốc tế lớn hơn.
Dù thành tích Đội tuyển quốc gia ở các kỳ SEA Games còn khiêm tốn - tấm huy chương bạc năm 2017 và huy chương đồng toàn năng năm 2022, song vẫn là động lực để bộ môn tiếp tục phát triển. Với sự quyết tâm theo đuổi đam mê, đội ngũ các huấn luyện viên và vận động viên cũng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm, cũng như đầu tư hơn nữa để thể dục nghệ thuật nước nhà có thể vươn xa.