Dẫu thành tích đạt được là rất đáng tự hào, hành trình bước lên ngôi vô địch của cả hai vận động viên cũng cho thấy nhiều vấn đề cần khắc phục. Trái ngược với sự tự tin và khả năng phối hợp ăn ý ở vòng bán kết, Đức Việt và Tuấn Anh đã bị đối thủ Malaysia vượt lên dẫn trước ở séc đầu. Nhờ huấn luyện viên Nguyễn Tiến Dũng cùng ban huấn luyện kịp thời điều chỉnh, Đức Việt và Tuấn Anh nhanh chóng ổn định tâm lý. Hai tay vợt trẻ dần thi đấu khởi sắc hơn, thắng liên tiếp ba séc sau, qua đó ấn định tỷ số 3-1.
Ở những cặp đấu còn lại, các vận động viên Việt Nam đã không thể vượt qua áp lực và đành phải dừng bước trước trận chung kết. Năm tấm Huy chương đồng còn lại có thể xem như thành tích tạm chấp nhận được. Nhưng chừng đó là không đủ để bóng bàn trẻ Việt Nam giành suất tham dự Giải vô địch bóng bàn trẻ châu Á 2025.
Rõ ràng, bên cạnh yếu tố kỹ thuật, các vận động viên trẻ cần cải thiện hơn về tâm lý cũng như bản lĩnh thi đấu. Việc thiếu kinh nghiệm trong những thời điểm quyết định là hạn chế hoàn toàn có thể được khắc phục nếu các vận động viên được cọ xát thi đấu quốc tế nhiều hơn.
Các tay vợt trẻ của một số quốc gia láng giềng, như Malaysia, Thái Lan, đều có lịch thi đấu nước ngoài dày đặc. Họ thường xuyên được rèn luyện trong bầu không khí căng thẳng ở các giải đấu lớn. Trong khi đó, hằng năm, các vận động viên Việt Nam chỉ được tham dự một vài giải quốc nội và khu vực ASEAN.
Theo nhận định của huấn luyện viên Nguyễn Tiến Dũng, các vận động viên trẻ đã nỗ lực vượt qua thách thức, nhưng hành trình phát triển của họ đòi hỏi sự kiên trì và hỗ trợ lớn hơn từ hệ thống. Chúng ta cần phải cải thiện từ điều kiện tập luyện cho tới việc tăng cường cọ xát quốc tế, nếu muốn các tay vợt phát triển toàn diện.
Với tấm Huy chương vàng của Đức Việt và Tuấn Anh, bóng bàn Việt Nam vẫn cho thấy tiềm năng và cơ hội cạnh tranh danh hiệu ở đấu trường khu vực. Song, chúng ta vẫn cần xây dựng những chiến lược đầu tư bài bản để lứa trẻ nhanh chóng vươn tầm, qua đó hướng tới những đấu trường lớn hơn trong tương lai.