Lại một lần nữa... “ngẩng cao đầu”
Việc bị loại ở vòng bảng với Đội tuyển U17 Việt Nam được xem như thất bại tiếp theo của bóng đá nước nhà trên con đường giành vé tham dự World Cup. Ba kết quả hòa trước những đối thủ mạnh (Nhật Bản, Australia và UAE) khiến chúng ta xếp cuối bảng D. Đặc biệt, bàn thua đáng tiếc trước U17 UAE khiến biết bao hy vọng tan vỡ. Từ ngôi vị dẫn đầu khi giành chiến thắng, đội bóng ngay lập tức rơi xuống vị trí cuối bảng.
Bị loại sớm là kết quả đáng buồn, đặc biệt khi chúng ta là một trong bốn đội hiếm hoi bất bại ở vòng bảng (cùng Uzbekistan, Indonesia và Triều Tiên). Điều này cho thấy sự khắc nghiệt của đấu trường bóng đá châu lục. Song, các cầu thủ trẻ cũng đã thể hiện nỗ lực đáng khen ngợi.
Huấn luyện viên Roland đã nhận định: Bóng đá luôn có những khoảnh khắc bất ngờ. Chúng tôi chuẩn bị kỹ, các cầu thủ đã cống hiến hết mình. Dù không đi tiếp, tôi vẫn hài lòng với màn trình diễn của đội. Từ những ngày đầu tập huấn cho đến khi vào giải và tới trận đấu cuối cùng, toàn đội đã không ngừng phát triển. Các cầu thủ không chỉ trưởng thành về chuyên môn mà còn nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn cho sự nghiệp. Họ chính là tương lai của bóng đá Việt Nam.
Điểm sáng từ chân sút trẻ
Nếu phân tích kỹ các trận đấu của lứa U17 Việt Nam trước đội bóng lớn, chúng ta thường bị đối thủ dẫn trước, để rồi thi đấu kiên cường và tìm kiếm bàn gỡ hòa. Đó không chỉ là sự vùng lên nhất thời, mà còn thể hiện khả năng tuân thủ đấu pháp một cách nhất quán. Khi lối chơi phòng ngự phản công được định hình rõ, các cầu thủ đã thể hiện khả năng giữ vững cự ly đội hình, cũng như tính kỷ luật trong cách di chuyển trên sân. Toàn đội không hề nao núng trước áp lực hay bị vỡ trận như những mùa giải trước.
Trong số những điểm sáng, Hoàng Trọng Duy Khang nổi lên như một trong những tài năng trẻ triển vọng. Cầu thủ thuộc lò PVF-CAND, trở thành tâm điểm chú ý khi ghi tới hai trong tổng số ba bàn thắng cho lứa U17 Việt Nam. Với chân trái khéo léo và khả năng đi bóng tốc độ, Duy Khang trở thành “cơn lốc” nơi hành lang cánh, mang đến sự đột phá cho những phương án tấn công.
Như chia sẻ của huấn luyện viên Mai Tiến Thành - người thầy đã gắn bó với Khang từ lứa U12 đến U15 PVF-CAND, Duy Khang rất tự tin và thuần thục trong các nhịp xử lý. Điểm mạnh nhất của cầu thủ này chính là khả năng đi bóng thuần thục bằng cả hai chân. Nếu kiên trì nỗ lực, Duy Khang hoàn toàn có thể tiến xa hơn nữa.
Bên cạnh Duy Khang, các đồng đội như thủ môn Hoa Xuân Tín, trung vệ Lê Huy Việt Anh, tiền vệ Đậu Hồng Phong và tiền đạo Trần Gia Bảo... cũng đóng góp dấu ấn rõ nét vào lối chơi chung. Điều này cho thấy bóng đá trẻ Việt Nam không thiếu tài năng. Thế nhưng, làm thế nào để mài giũa những “viên ngọc thô” này đúng cách, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để họ phát triển mới là bài toán cần chú trọng.
Bài học từ nước láng giềng
Theo nhận định của các chuyên gia, bài toán đào tạo và phát triển lứa tài năng trẻ ở Việt Nam không phải câu chuyện mới. Chúng ta đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào giáo án huấn luyện, đội ngũ chuyên gia nước ngoài, dinh dưỡng, khoa học cũng như áp dụng công nghệ hỗ trợ. Thế nhưng, điểm yếu cốt lõi nằm ở việc tạo điều kiện cho các cầu thủ thi đấu và cọ xát liên tục... lại chưa được giải quyết triệt để.
Ở Việt Nam, các tài năng như Duy Khang chỉ có hai sân chơi chính, gồm Giải U17 và U19 vô địch quốc gia. Dù đội bóng lọt vào chung kết cả hai giải, họ cũng chỉ chơi tối đa từ 20 đến 25 trận mỗi năm - con số quá ít so với yêu cầu của bóng đá hiện đại. Thiếu đi những cuộc thực chiến khiến các tài năng trẻ không thể tích lũy kinh nghiệm để phát triển toàn diện. Bàn thua phút cuối trước U17 UAE phần nào phản ánh sự non kém tâm lý và thiếu bản lĩnh ở những thời khắc quyết định. Và tất cả chỉ có thể được cải thiện nếu được thi đấu nhiều hơn.
Nhìn rộng sang nước láng giềng Indonesia, họ là một trong bốn đội bóng bất bại vòng bảng giống như Việt Nam. Thế nhưng, tập thể này đường hoàng bước tiếp vào vòng knock-out nhờ trận thắng ngoạn mục trước U17 Hàn Quốc, với pha ghi bàn kết liễu đối thủ trong những phút bù giờ cuối cùng. Đây là diễn biến hoàn toàn trái ngược với trận đấu của chúng ta trước UAE.
Thành công của lứa U17 Indonesia là kết quả của quá trình xây đắp nền tảng vững chắc. Họ có hệ thống các giải trẻ được tổ chức bài bản, như Giải U17 quốc gia, Soeratin Cup (cho lứa U13 đến U17), và Elite Pro Academy (EPA) - giải đấu chuyên nghiệp áp dụng cả VAR. Do đó, các cầu thủ trẻ ở đất nước Vạn đảo có cơ hội thi đấu từ 35 đến 45 trận mỗi năm - con số tiệm cận mức trung bình của các cường quốc bóng đá trên thế giới. Chính bệ đỡ quan trọng này đã giúp các tài năng trẻ tích lũy kinh nghiệm, rèn bản lĩnh và duy trì cảm giác bóng.
Bắt đầu từ năm nay, World Cup U17, gồm 48 đội, sẽ được tổ chức liên tục trong 5 năm. Châu Á sẽ có từ tám đến chín suất tham dự. Hướng đến mục tiêu này, bóng đá nước nhà cần một cuộc cách mạng đích thực, bắt đầu từ việc cải tổ hệ thống các giải trẻ nhằm bảo đảm cơ hội cọ xát cho lứa măng non.
Và như huấn luyện viên Roland chia sẻ, hành trình mới bắt đầu, nhưng cần được định hướng lại một cách quyết liệt hơn nữa.