Du lịch Halal có thể hiểu là du lịch Hồi giáo hay du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Do sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo nên nhóm khách du lịch này có nhiều khác biệt về lối sống, sinh hoạt và ẩm thực. Người Hồi giáo kiêng nhiều loại thịt, nhất là thịt lợn hay các loài động vật ăn thịt, một số loại động vật lưỡng cư, đồ uống có cồn…
Những năm gần đây, do giao lưu văn hóa ngày một mạnh mẽ, khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng ngày một nhiều hơn. Dòng khách theo đạo Hồi chủ yếu đến từ Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và một số quốc gia Trung Đông. Một đoàn khách Iran gồm 200 người vừa thuê nguyên một chuyến bay tới Hà Nội. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của du lịch Halal.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội: Du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu. Với hơn 1,9 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới, du lịch Halal dự kiến sẽ đóng góp gần 350 tỷ USD cho ngành du lịch thế giới vào năm 2030. Đây là một thị trường đầy tiềm năng mà chúng ta cần chủ động tiếp cận.
Khái niệm Halal không đơn thuần là phục vụ những suất ăn không có thịt lợn hay rượu, mà bao gồm cả nơi lưu trú, giờ giấc sinh hoạt, dịch vụ cầu nguyện, phong cách phục vụ, thậm chí cả thái độ tôn trọng tín ngưỡng… Tuy nhiên, số lượng cơ sở lưu trú và nhà hàng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng Hồi giáo trên địa bàn Hà Nội chưa nhiều. Các doanh nghiệp lữ hành đều gặp khó khăn trong việc phục vụ khách du lịch Halal. Trong khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia như Thái Lan, Singapore…, dù không phải quốc gia có nhiều người theo đạo Hồi nhưng đã xây dựng “hệ sinh thái” dành cho khách du lịch Halal với hệ thống nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí phù hợp.
Thành phố Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch, có rất nhiều lợi thế để đón đầu dòng khách Halal, biến thị trường này trở thành "cú huých" cho du lịch Thủ đô. Việc xây dựng “hệ sinh thái” đón dòng khách Halal là một yêu cầu tất yếu. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang nhận định, việc khai thác thị trường Halal không chỉ là đón đầu xu thế toàn cầu, mà còn là một chiến lược tăng trưởng bền vững, giúp Hà Nội mở rộng cánh cửa ra thế giới Hồi giáo.
Để đón dòng khách này, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT), ông Ramlan Bin Osman cho rằng: Các khách sạn, nhà hàng cần có khu ẩm thực, cà-phê dành cho khách Halal; khu giải trí cần có không gian riêng biệt cho nam và nữ. Các điểm đến cần đáp ứng yêu cầu thân thiện, phù hợp với văn hóa đạo Hồi. Do người Hồi giáo cầu nguyện hằng ngày vào những giờ nhất định, cho nên tại các sân bay, khách sạn cũng cần có khu vực riêng để cầu nguyện…
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, bà Đặng Hương Giang cho biết: Sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về đặc điểm dòng khách Hồi giáo. Sở Du lịch sẽ làm việc với các sân bay, cơ sở lưu trú để chuẩn bị khu vực riêng đón khách Halal, chuẩn bị các dịch vụ ẩm thực phù hợp. Thành phố sẽ phối hợp các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế để tăng cường giao lưu văn hóa với các quốc gia Hồi giáo, phối hợp đào tạo nhân lực cho thị trường khách du lịch Hồi giáo. Thành phố phấn đấu đến năm 2030, xây dựng một hệ sinh thái du lịch Halal toàn diện, trong đó ưu tiên hình thành các khu vực thân thiện với người Hồi giáo tại trung tâm thành phố.
Một số doanh nghiệp lữ hành cũng đang đẩy mạnh chiến lược hút khách du lịch Halal. Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết: Câu lạc bộ đã ký kết hợp tác với Trung tâm Đào tạo Halal để nâng cao nhận thức, nhân lực phục vụ thị trường này. Đồng thời, nỗ lực xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đạt chuẩn Halal, xây dựng “hệ sinh thái du lịch Halal toàn diện”, từ dịch vụ mặt đất, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan đến truyền thông và marketing.