Bài 1:
Tìm kiếm cơ hội trong gian khó
Chuyển đổi sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, hạn chế phát thải là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp tàu thủy, từng bước đáp ứng yêu cầu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 theo cam kết COP26. Bên cạnh đó, các sản phẩm đóng tàu cũng ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn xanh hóa, đòi hỏi các nhà máy đóng tàu phải nâng cấp, đầu tư nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe này.
Khẳng định năng lực vượt trội
Đầu tháng 4 vừa qua, Công ty Đóng tàu Hạ Long (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy-SBIC) đã hạ thủy thành công tàu dịch vụ điện gió (CSOV) số 3 mang tên Windcat Haarlem, nằm trong series 14 tàu CSOV do công ty ký với Tập đoàn Damen (Hà Lan). Tàu có chiều dài hơn 88m, rộng gần 20m, tổng dung tích khoảng 6.700GT (1GT tương đương 1,5 tấn), trang bị các công nghệ hiện đại nhất, chú trọng giảm thiểu phát thải carbon trong lĩnh vực vận tải biển, góp phần vào công nghiệp xanh, bảo vệ môi trường.
![]() |
Hạ thủy thành công tàu dịch vụ điện gió CSOV số 3. |
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc công ty, đây là loại tàu chuyên dụng hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió xa bờ, ứng dụng tiêu chuẩn, công nghệ “xanh” hiện đại nhất hiện nay, chạy động cơ hydrogen, giúp giảm phát thải carbon, góp phần bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tàu có hệ thống định vị động hiện đại, trang bị thang để đưa người từ tàu lên các giàn điện gió lớn, có phòng phục vụ công nhân sinh hoạt trong thời gian dài ở ngoài khơi.
“Series 14 tàu dịch vụ điện gió ngoài khơi CSOV là chương trình hợp tác giữa Công ty Đóng tàu Hạ Long với Tập đoàn Damen (Hà Lan). Tập đoàn Damen đã phải mất khoảng 3 năm dày công nghiên cứu, nỗ lực để thiết kế chủng loại tàu CSOV theo yêu cầu của chủ tàu CMB.Tech, đòi hỏi tàu phải có yếu tố "xanh", bảo vệ môi trường. Công ty Đóng tàu Hạ Long đã nghiêm túc tuân thủ các biện pháp thi công theo thiết kế để đạt tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng và tiến độ theo đúng cam kết, đồng thời không ngừng học hỏi, tối ưu hóa năng suất, cải tiến quy trình thi công và kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn công nghệ đóng tàu quốc tế”, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
![]() |
Tàu dịch vụ điện gió hiện đại CSOV đóng tại Công ty Đóng tàu Hạ Long. |
Ông Willem, Giám đốc điều hành Công ty Windcat, thuộc Tập đoàn CMB.Tech (chủ tàu) đã dành trọn một ngày đi kiểm tra kỹ càng cả 3 con tàu CSOV và đánh giá rất cao tay nghề thợ tàu Hạ Long: “So với một số tàu CSOV từng đóng tại các nhà máy châu Âu, tôi có thể khẳng định, chất lượng tàu đóng tại Hạ Long không hề thua kém. Từ kết cấu thép đến phần sơn và các trang thiết bị đều thể hiện đẳng cấp rất cao. Tàu CSOV ban đầu được thiết kế cho dự án điện gió ngoài khơi, nhưng trên thực tế có thể ứng dụng cho tất cả các dự án năng lượng ngoài khơi nói chung, mở ra thị trường đầy tiềm năng đối với chủng loại tàu này”.

Hạ thủy tàu dịch vụ điện gió hiện đại, tổng dung tích 6.700GT
Ông Joost van der Weiden, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Damen cũng bày tỏ sự khâm phục đối với Hạ Long và các đơn vị trong ngành công nghiệp tàu thủy: “Vài tháng trước, tôi đã đến Việt Nam và chứng kiến những tác động tàn khốc của cơn bão Yagi. Hôm nay, tôi đã thấy một “phép màu” ở đây khi thấy các bạn đã phục hồi sản xuất gần như hoàn toàn chỉ trong một thời gian rất ngắn. Đối với tôi, đây là bằng chứng tuyệt đối về khả năng phục hồi mạnh mẽ, lòng dũng cảm và sự kiên trì, vốn là đặc điểm rất riêng của người Việt Nam và tôi rất kính trọng điều đó”.
Theo ông Weiden, những giá trị đó thể hiện rõ nét ở dự án đóng tàu CSOV, “siêu bão” Yagi đã làm gián đoạn sản xuất, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Công ty Đóng tàu Hạ Long bị hư hỏng, không thể vận hành sản xuất được. Tuy nhiên, công ty đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất và hạ thủy tàu CSOV đầu tiên đúng tiến độ kế hoạch sau quá trình nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3 chính là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của tập thể công ty, quyết hoàn thành dự án đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Đồng thời, thể hiện cam kết đúng hẹn của Công ty Đóng tàu Hạ Long, khẳng định mạnh mẽ vị thế của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
![]() |
Việc thi công đúng hẹn các hợp đồng đóng tàu khẳng định mạnh mẽ vị thế của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam trên thị trường quốc tế. |
Thời gian gần đây, thị trường đóng tàu trong nước và thế giới tiếp tục “ấm lên” với nhiều tín hiệu tích cực, nhu cầu đóng tàu tăng cao, đơn hàng cho các nhà máy dồi dào hơn. Tại Công ty Đóng tàu Hạ Long, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, với các hợp đồng đã ký và đang triển khai, công ty có đủ việc làm cho người lao động đến hết năm 2027, thậm chí đành phải “lắc đầu” từ chối nhiều đơn hàng mới mặc dù các chủ tàu thiết tha đề nghị. Với năng lực hiện tại của đơn vị, Hạ Long tập trung hướng tới các sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho giai đoạn 2027-2030.
Đầu tư “chuyển đổi xanh”
Trong giai đoạn thị trường trầm lắng vừa qua, Công ty Đóng tàu Phà Rừng vẫn bảo đảm việc làm và thu nhập khá ổn định cho người lao động nhờ “đi bằng 2 chân”, cả sửa chữa và đóng mới. Phó Tổng Giám đốc công ty Trần Văn Rung cho biết, về sửa chữa, dự kiến năm nay công ty sẽ hoàn thành sửa chữa khoảng 80 tàu, năng lực đà, đốc tàu hiện tại không đủ chỗ để tiếp nhận thêm tàu vào sửa chữa.
![]() |
Công ty Đóng tàu Phà Rừng đang triển khai nhiều đơn hàng mới, tạo đủ việc làm cho người lao động đến hết năm 2027. |
Còn lĩnh vực đóng mới, công ty đang thực hiện đóng series 8 tàu chở dầu/hóa chất 13.000DWT xuất khẩu sang Hàn Quốc, hiện đã bàn giao 1 chiếc và tiếp tục đàm phán, ký tiếp hợp đồng 2 chiếc nữa, tạo đủ việc làm cho người lao động đến sau năm 2027. Nhiều chủ tàu đến thương thảo hợp đồng đóng tàu chở hàng rời nhưng công ty phải từ chối vì không đủ năng lực tiếp nhận.

Phà Rừng hạ thủy tàu chở dầu/hóa chất 13.000 DWT số 2, đóng mới tàu số 3
“Khó khăn lớn nhất của Phà Rừng hiện nay là máy móc, thiết bị được đầu tư từ lâu, đã lạc hậu, cũ kỹ. Chúng tôi xác định, muốn tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, yếu tố cốt lõi chính là thay đổi công nghệ. Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ mới là vấn đề hết sức nan giải do đơn vị đang triển khai tái cơ cấu, không có khả năng về vốn. Giải pháp tình thế trước mắt của Phà Rừng là phối hợp cùng đối tác thuê thiết bị, máy móc mới, không phải bỏ ra nguồn vốn lớn đầu tư mà vẫn áp dụng được những công nghệ tiên tiến trong sản xuất”, ông Trần Văn Rung cho hay.
Anh Nguyễn Văn Trình, Tổ trưởng Tổ sắt hàn 2 (Phòng vỏ 2 Phà Rừng) cho biết, đầu năm nay, công ty đã triển khai đào tạo một số công nhân vận hành máy cắt laser và thuê máy về ứng dụng vào sản xuất từ tháng 2/2025, cắt tôn thép vỏ tàu nhanh gấp 4 đến 5 lần máy cắt CNC cũ trước đây. Máy mới giảm thiểu được khói bụi, bảo vệ môi trường, có khả năng cắt tấm tôn với khổ rộng tới 20x3,5m, đường cắt gọn, dễ hàn. Sắp tới, công ty tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hàn laser, đường hàn đẹp, không bị mất nhiều thời gian, công sức cho công đoạn mài bavia.
![]() |
Một góc mặt bằng sản xuất của Công ty Đóng tàu Phà Rừng. |
Tại Công ty Đóng tàu Nam Triệu (NASICO), hình ảnh nhà xưởng lộn xộn, khói bụi mù mịt cách đây mấy năm đã biến mất, thay vào đó là các phân xưởng gọn gàng, ngăn nắp, có hệ thống thu gom rác, nhà vệ sinh khép kín, khu vực hút thuốc riêng biệt - những chi tiết tưởng nhỏ nhưng phản ánh một sự chuyển mình lớn.

Những người thợ hết lòng với nghiệp đóng tàu viễn dương
Anh Đoàn Văn Nhật, công nhân phân xưởng làm sạch-sơn tàu cho biết, gần đây NASICO đã đầu tư, đưa vào sử dụng dây chuyền phun sơn và làm sạch tổng đoạn, trị giá khoảng 4 tỷ đồng để thỏa mãn yêu cầu của chủ tàu. Dây chuyền làm sạch tổng đoạn gồm silo chứa các hạt bi sắt nhỏ, trọng lượng khoảng 120 tấn. Các tổng đoạn đưa vào sẽ được làm sạch bằng việc phun hạt bi sắt với áp lực cao. Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, môi trường làm việc của công ty có sự thay đổi rõ nét, thu nhập của công nhân cao hơn, trang bị an toàn đầy đủ.
![]() |
Các phân xưởng bố trí gọn gàng, ngăn nắp tại Công ty Đóng tàu Nam Triệu. |
Theo Phó Tổng Giám đốc NASICO Lê Đình Vinh, đối với yêu cầu chuyển đổi xanh, trước khi ký hợp đồng, chủ tàu quốc tế cử cả đội ngũ chuyên gia sang đánh giá toàn diện về hạ tầng, môi trường, đủ điều kiện mới tiến hành hợp tác. Mấy năm trước, công ty chỉ đạt được khoảng 40% yêu cầu chuyển đổi xanh, nhà máy quyết tâm đầu tư, chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu. Nhờ nỗ lực chuyển đổi xanh, NASICO đã ký được với Tập đoàn IHC (Hà Lan) đơn hàng đóng tàu hút bùn 2.300m3 và sắp tới là series 2 tàu rải cáp, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động với mức cao hơn hẳn trước đây.
Ông Phạm Quang Tuyến, Tổng giám đốc NASICO cho biết, để chuyển đổi xanh, Nam Triệu đang thực hiện một số biện pháp, áp dụng theo tiêu chuẩn về công nghệ xanh, an toàn đóng tàu. Đây là tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, môi trường trong ngành đóng tàu. Ngoài ra, đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị bảo hộ và nghiên cứu công nghệ làm sạch mới. Nhà máy đầu tư nhà làm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế, có hệ thống lọc hút tự động, không thải ra môi trường. Đối với công tác sửa chữa tàu biển, Nam Triệu đang thử nghiệm công nghệ làm sạch bằng công nghệ phun nước áp lực cao thay cho phun cát. Việc triển khai hệ thống robot sử dụng nước áp lực cao sẽ là đột phá của nhà máy trong thời gian tới.
![]() |
Công ty Đóng tàu Nam Triệu đang thực hiện một số biện pháp, áp dụng theo tiêu chuẩn "xanh", cao nhất về an toàn, môi trường trong ngành đóng tàu. |
Chị Phạm Thị Hương, thợ hàn, tổ đấu đà 4, phân xưởng vỏ, Công ty Đóng tàu Nam Triệu bày tỏ, nhà máy đang ngày càng tốt hơn về môi trường làm việc, vệ sinh. Ví dụ trước đây nhà vệ sinh ở xa, nay có khu vực nhà vệ sinh riêng trong nhà xưởng. Thiết bị bảo hộ lao động, điều kiện làm việc tốt hơn. Thu nhập tăng lên, bình quân 400 nghìn/ngày công, mỗi tháng 35-36 công. Khi môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, công nhân là người được hưởng lợi đầu tiên.
(còn nữa)