Đánh thức tiềm năng du lịch từ các di tích

Tiền Giang sở hữu hệ thống di tích lịch sử-văn hóa khá phong phú, tạo nên bản sắc riêng của địa phương. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, đa dạng để khai thác, phát triển du lịch, góp phần lưu giữ giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, tạo nguồn thu cho địa phương...
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch lữ hành tại Tiền Giang.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch lữ hành tại Tiền Giang.

Tỉnh Tiền Giang hiện sở hữu 185 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng, gồm ba di tích cấp quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia và 165 di tích cấp tỉnh; hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là: Nghệ thuật đờn ca tài tử và Lễ hội Trương Định; bốn di sản văn hóa cấp tỉnh bao gồm: Lễ hội Văn hóa-Du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp, Lễ hội Kỳ Yên Đình Long Trung, Lễ hội Kỳ Yên Đình Vĩnh Bình và Lễ hội Tứ Kiệt.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Uyên Trang cho biết: Nhiều di tích tiêu biểu tại Tiền Giang đã thu hút đông đảo du khách như: Di tích lịch sử Rạch Gầm-Xoài Mút, Di tích chiến thắng Ấp Bắc, các địa điểm khởi nghĩa Trương Định, Đền thờ Thủ Khoa Huân, Di tích khảo cổ Óc Eo-Gò Thành... Đặc biệt, làng cổ Đông Hòa Hiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2017.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp là điểm sáng trong khai thác di tích gắn với phát triển du lịch. Hằng năm, nơi đây là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ước tính trung bình mỗi năm, làng cổ đón hơn 100.000 lượt du khách đến tham quan, trong đó hơn 80% là khách quốc tế.

Tiền Giang cũng là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương và là quê hương của những làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Tủ thờ Gò Công, nón bàng buông, dệt chiếu Long Định… Trong quý I/2025, tổng lượt khách du lịch tại Tiền Giang là 522.000 lượt, đạt 24,9% kế hoạch năm, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó, có 182.000 lượt khách quốc tế, đạt 26% kế hoạch, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2024; doanh thu trực tiếp từ khách du lịch là 380 tỷ đồng, đạt 25,2% kế hoạch, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh liên kết với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành liên kết khai thác các tour du lịch như: Tour tham quan Nhà đốc Phủ Hải, chùa Vĩnh Tràng; tuyến tham quan di tích lịch sử- văn hóa và sinh thái biển Gò Công, tour Mỹ Tho City, tour tham quan Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười-Thiền viện Trúc lâm Chánh giác- Cánh đồng khóm Tân Phước... Hằng năm, du khách đến tham quan tại di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Đông Hòa Hiệp, Chùa Vĩnh Tràng, Nhà đốc Phủ Hải, Lăng Hoàng Gia chiếm khoảng 70% trong tổng số du khách; trong đó, khách quốc tế đến các địa điểm của Chùa Vĩnh Tràng chiếm khoảng 59% trong tổng số du khách quốc tế đến Tiền Giang.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Tỉnh Tiền Giang đã xác định lấy di sản văn hóa làm nền tảng thúc đẩy du lịch phát triển và ngược lại lấy du lịch để giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Tiền Giang đến bạn bè, du khách. Tuy vậy, địa phương chưa có sản phẩm du lịch di sản đặc trưng, khác biệt, đa phần ở mức tham quan, thưởng thức, chưa có chiều sâu trải nghiệm. Tỉnh cần mở rộng không gian kinh tế, văn hóa của du lịch di sản, ứng dụng công nghệ số, phát triển công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh liên kết vùng và tăng cường xúc tiến quảng bá.

Đồng chí Nguyễn Thị Uyên Trang cho biết: Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại tỉnh Tiền Giang được các cấp, các ngành ở địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều di tích được đầu tư, tôn tạo; trong đó, tập trung đối với các di tích đang có nguy cơ xuống cấp, Di tích cấp quốc gia và Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện tiếp cận các khu di tích, các điểm du lịch trong tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng chương trình du lịch; kết nối tour, tuyến du lịch sinh thái sông nước với các di tích lịch sử, văn hóa…nhằm quảng bá giá trị di sản văn hóa Tiền Giang với khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.

Việc phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa trong phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc khai thác và bảo tồn phải có chiến lược phát triển bền vững, điều chỉnh hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ di tích và khai thác, phát huy giá trị di tích.