Vương vấn ô môi

Tháng 3, tháng 4 về như nhắc nhớ mùa ô môi trổ bông, cho trái với những tháng năm tuổi thơ đong đầy... Vậy là ký ức trong tôi lại ùa về.
0:00 / 0:00
0:00
Bông ô môi khoe sắc một góc trời vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp.
Bông ô môi khoe sắc một góc trời vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp.

Sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới tỉnh Đồng Tháp, tuổi thơ chúng tôi gắn liền với cây me nước (cây keo), me tây (cây còng)… đặc biệt là cây ô môi. Ngày trước, ô mtôi được trồng nhiều ở hai bên đường, cạnh bờ sông, bờ ao, trường học. Chúng tôi, những đứa trẻ lên chín, lên mười ở vùng quê nghèo có cuộc sống cơ cực, nhưng những tháng ngày ấy lại là ký ức đẹp mà có lẽ thế hệ chúng tôi không bao giờ quên.

Nhà nghèo, nên mỗi khi đi học, chúng tôi thường mang theo những chùm me nước, hạt ô môi mềm vì đã được ngâm nước nóng trước đó và cho vào cặp sách hoặc túi quần. Giờ ra chơi, cả bọn tụm lại ngồi ăn. Trái ô môi khi ăn có vị ngọt, hơi đắng chát. Tan trường, tôi cùng mấy đứa bạn trong xóm không vội trở về nhà mà đi quanh sân trường, đi dọc đường tìm lượm những trái ô môi chín rụng, mang về nhà cất giấu dưới đáy tủ, trong nhà bếp để dành ăn dần. Thuở ấy, nghe người lớn bảo nhau rằng, lá ô môi có thể trị ghẻ ngứa hoặc “nước ăn chân” vào mùa lũ. Mỗi khi tự trị bệnh, chúng tôi lấy một nắm đọt lá non ô môi đem giã hoặc nhai nát rồi cho ít muối và phèn chua vào xát trực tiếp lên chỗ bị lở ngứa, “nước ăn”.

Cây ô môi có thân cành lớn, vỏ thân nhẵn, gốc to, cao tầm 5m đến hơn 10m, chỉ từ bốn năm tuổi đã có thể trổ bông, kết trái. Được trồng nhiều ở Tây Nam Bộ, nhiều nhất làở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An, mỗi năm, ô môi chỉ ra bông và cho trái duy nhất một lần vào tháng 3 và tháng 4. Đây là thời điểm bông ô môi trổ dày đặc, mầu đỏ hồng. Trái ô môi khi còn non có mầu xanh, già có mầu nâu đen, hình dáng cong, dài chừng nửa mét hoặc hơn. Mỗi trái có 50 đến 60 ô nhỏ, mỗi ô chứa một hạt dẹt cứng mầu vàng, có thể dùng đểăn hoặc ngâm rượu trị nhức mỏi.

Vùng quê ngày ấy, chúng tôi còn có những giấc ngủ trưa ngon lành trên chiếc võng được mắc vào cột gỗ cạnh cây ô môi, cùng những lời ru của bà, của mẹ. Để rồi khi thức giấc, những bông ô môi đỏ hồng theo làn gió rơi trên võng, trên người và cả trên tóc. Lớn lên, chúng tôi đi học đại học, làm xa nhà nhưng những cây ô môi trổ bông đỏ hồng, từng chùm dày đặc, làm sáng cả một miền quê vẫn không thể nào phôi phai trong ký ức.

Những ngày này, chúng tôi trở về quê, đi dọc miền biên giới để tìm cây ô môi. Tại sân trường, dọc những bờ kênh, bờ sông, cây ô môi không còn nhiều như trước. Tại ba huyện, thành phố biên giới của tỉnh Đồng Tháp gồm: huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và thành phố Hồng Ngự, không khó bắt gặp những cây ô môi sừng sững khoe những chùm bông đỏ hồng, dày đặc. Bất chợt, hình ảnh của bà, của mẹ, của những đứa bạn quây quần bên nhau hái, lượm trái ô môi, ngồi róc ăn... Tất cả tuổi thơ với những mùa ô môi chín như vẫn còn lưu giữ thật thân thương, gần gũi. Cũng những chuyến đi như thế, chúng tôi không ít lần bắt gặp du khách phương xa dừng xe, say sưa ngắm và tạo dáng chụp ảnh bên cây ô môi. Với chúng tôi, mùa ô môi trổ bông, cho trái là mùa của nhung nhớ, mùa của những tháng ngày tuổi thơ cơ cực mà tươi đẹp.