Đâu là đột phá thật sự cho giáo dục Việt Nam?

Hơn một thập kỷ kể từ khi Nghị quyết số 29 NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được ban hành, thể hiện quyết tâm của Đảng và nhân dân đưa nền giáo dục về đúng bản chất “dạy thật, học thật, thi thật” vẫn còn nguyên tính thời sự.

Sau hơn 10 năm, khẩu hiệu “dạy thật, học thật, thi thật” vẫn là kim chỉ nam, nhưng sẽ chỉ là khẩu hiệu nếu thiếu một bản thiết kế hệ thống đồng bộ và minh bạch.
Sau hơn 10 năm, khẩu hiệu “dạy thật, học thật, thi thật” vẫn là kim chỉ nam, nhưng sẽ chỉ là khẩu hiệu nếu thiếu một bản thiết kế hệ thống đồng bộ và minh bạch.

Trong ba trụ cột nói trên, cải cách thi cử được xác định là khâu đột phá, bởi lẽ nó là điểm nút kết nối toàn bộ chuỗi giá trị giáo dục: từ chương trình - sách giáo khoa, dạy học, kiểm tra - đánh giá cho đến tuyển sinh và sử dụng nhân lực. Thế nhưng, sau hơn mười năm, thực tế cho thấy đổi mới thi cử vẫn ở trạng thái chắp vá, thiếu định hướng hệ thống và ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của xã hội. Việc gộp kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với tuyển sinh đại học, xét về chủ trương, là một bước đi đúng. Nó giúp giảm áp lực thi cử, tiết kiệm nguồn lực và hướng đến một hệ thống đánh giá toàn diện hơn.

Tuy nhiên, việc triển khai lại thiếu đồng bộ về kỹ thuật, con người và nguồn lực. Đề thi thiếu ổn định, dao động về cấu trúc, độ khó qua các năm, trong khi không có chuẩn hóa đề thi - điều vốn là thông lệ trong các kỳ thi quốc tế như SAT, A-Level hay tú tài Pháp. Khi không bảo đảm được tính ổn định, chuẩn hóa và công bằng, kỳ thi dần trở thành một nơi thử nghiệm may rủi của thí sinh.

Tệ hơn, các vụ gian lận điểm thi có tổ chức từng xảy ra ở một số địa phương không chỉ là “sự cố đơn lẻ” mà phản ánh lỗ hổng thể chế trong quản lý và giám sát. Nếu một kỳ thi quốc gia mà vẫn để lọt hành vi can thiệp điểm số có hệ thống ở vài địa phương, thì tính công bằng dễ trở thành khẩu hiệu. Điều này cho thấy, vấn đề không chỉ nằm ở kỹ thuật tổ chức, mà còn ở sự thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát độc lập và thiếu trách nhiệm giải trình trong toàn bộ hệ thống thi cử. Song hành với đó là sự bế tắc trong việc chuyển hóa kỳ thi thành động lực cải thiện chất lượng dạy học.

Thay vì giảm áp lực, kỳ thi chung lại khiến cho giáo viên và học sinh bị cuốn vào vòng xoáy “học để thi”, “học để có điểm”, thay vì học để hiểu và sáng tạo. Bệnh thành tích trở nên phổ biến dưới hình thức điểm học bạ “đẹp như mơ”, trong khi điểm thi thật lại phơi bày một khoảng cách đáng báo động. Dạy thêm, học thêm chưa hồi kết, học lệch theo tổ hợp xét tuyển ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực tương lai.

Đã đến lúc cần rà soát, đánh giá lại ưu điểm và hạn chế của việc thực thi các giải pháp đột phá trong thi cử. Đổi mới thi cử cần được đặt đúng vị trí: là một phần trong hệ thống đánh giá năng lực học sinh, gắn với mục tiêu học tập, chuẩn đầu ra và lộ trình nghề nghiệp sau phổ thông.

Để làm được điều đó, cần dựa vào ba trụ cột: Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xuyên suốt toàn bộ quy trình, không chỉ trong ra đề, chấm thi, giám sát, mà còn để kiểm soát tình trạng lạm phát điểm học bạ và chuẩn hóa dữ liệu đánh giá. Thứ hai, xã hội hóa công tác khảo thí, huy động nguồn lực để thành lập các trung tâm độc lập, có sự tham gia của các trường đại học, tổ chức nghề nghiệp và chuyên gia đánh giá, nhằm nâng cao tính minh bạch và khách quan. Thứ ba, tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ quản trị và ra đề thi, thông qua cơ chế tuyển chọn, đào tạo và đãi ngộ xứng đáng, bảo đảm cả năng lực chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp.

Sau hơn 10 năm, khẩu hiệu “dạy thật, học thật, thi thật” vẫn là kim chỉ nam, nhưng sẽ chỉ là khẩu hiệu nếu thiếu một bản thiết kế hệ thống đồng bộ và minh bạch. Muốn cải cách thi cử thành công, trước hết phải cải cách tư duy và cơ chế vận hành. Đó mới là đột phá thật sự mà giáo dục Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết!

back to top