Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo nghiên cứu đề án miễn viện phí toàn dân giai đoạn 2030-2035, với lộ trình giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân. Để thực hiện chủ trương này, Bộ Y tế đang xây dựng một bản đề án với hai mục tiêu: Khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho người dân ít nhất mỗi năm một lần; và miễn viện phí toàn dân theo lộ trình hai giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035.
Theo tính toán, với 100 triệu dân và chi phí trung bình 250.000 đồng/lần khám, ngân sách cần thiết để bảo đảm mỗi người được khám ít nhất một lần mỗi năm là 25.000 tỷ đồng. Tổng chi cho y tế năm 2020 là 272.240 tỷ đồng, trong đó Bảo hiểm y tế khoảng 100.000 tỷ đồng. Đặt con số ước tính này trong tương quan cân đối ngân sách, đủ thấy độ thử thách đặt ra cho quyết sách ấy lớn đến thế nào!?
Song, bài toán “Lấy đâu ra trăm nghìn tỷ đồng?” thực chất không phải là không có lời giải, nếu chúng ta tư duy lại toàn bộ cấu trúc tài chính y tế theo hướng hợp lý hóa chi - đa dạng hóa thu.
Thứ nhất, vẫn phải trông cậy vào nền tảng tài chính vững chắc - Bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 94%, nhưng “phủ” chưa đồng nghĩa với “đủ”. Gói quyền lợi chưa tương xứng với chi phí thực tế của điều trị hiện đại. Danh mục thuốc, kỹ thuật mới, thiết bị tiên tiến vẫn chưa được cập nhật thường xuyên. Việc sửa Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 là bước đầu, nhưng vẫn cần tiếp tục tái cấu trúc quỹ này, cũng như điều chỉnh mức đóng theo thu nhập thay vì mức lương cơ sở, tăng hiệu quả đầu tư quỹ, đồng thời mở rộng quyền lợi một cách có kiểm soát.
Thứ hai, cần thiết lập cơ chế thu thuế có mục tiêu từ các mặt hàng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe (như thuốc lá, rượu bia, nước ngọt có đường...) để bổ sung vào ngân sách y tế. Nhiều quốc gia đã thành công với cách làm này. Thái Lan trích 2% thuế rượu và thuốc lá để lập quỹ y tế cộng đồng. Philippines dùng đến 85% thuế thuốc lá cho chăm sóc sức khỏe. Việt Nam hoàn toàn có thể tiến tới một “quỹ y tế vì cộng đồng khỏe mạnh” trên nền tảng đó.
Thứ ba, cần huy động nguồn lực xã hội hóa một cách bài bản, minh bạch. Không ít doanh nghiệp sẵn sàng tham gia đầu tư vào hệ thống bệnh viện, quỹ an sinh... nếu có hành lang pháp lý rõ ràng và việc đầu tư được bảo đảm hiệu quả - cả về kinh tế lẫn xã hội. Hàng loạt mô hình bệnh viện phi lợi nhuận tại các nước phát triển cho thấy xã hội hóa không đồng nghĩa với thương mại hóa, mà là cách chia sẻ trách nhiệm phát triển hệ thống y tế với toàn xã hội.
Thứ tư, phải ưu tiên đúng đối tượng, theo đúng tinh thần nhân văn của chính sách. Trước khi tiến đến miễn viện phí toàn dân, hoàn toàn có thể thực hiện theo lộ trình ưu tiên: người nghèo, người có công với cách mạng, cán bộ lão thành, người cao tuổi, người cư ngụ ở vùng sâu vùng xa... Đây không chỉ là giải pháp hợp lý về tài chính, mà còn khẳng định bản chất nhân đạo, ưu tiên người yếu thế của chính sách ưu việt mà Đảng và Nhà nước quyết tâm theo đuổi.
Cuối cùng, cần tái cấu trúc quản trị hệ thống y tế, tránh lãng phí, thất thoát, đầu tư dàn trải. Một đồng chi đúng lúc, đúng chỗ, cho đúng người còn quý hơn trăm đồng chi sai. Cơ chế tự chủ bệnh viện cũng cần được điều chỉnh theo hướng minh bạch, gắn trách nhiệm với chất lượng phục vụ và hiệu quả tài chính.
Miễn viện phí đòi hỏi một cuộc cải cách toàn diện, cả về tài chính, pháp lý, quản trị, và cách nhìn của toàn xã hội về quyền được chăm sóc sức khỏe. Nếu coi sức khỏe của nhân dân là vốn quý - khoản đầu tư “trăm nghìn tỷ” ấy là hoàn toàn xứng đáng.