“Đột phá của đột phá”

Có một câu hỏi vang lên trong những ngày kỷ niệm nửa thế kỷ thống nhất nước vừa qua: Muốn đất nước vươn mình, giàu mạnh, thịnh vượng, chúng ta phải làm gì? Câu hỏi rất thực tiễn lại mang tính lý luận sâu sắc, vừa đặt ra yêu cầu, mục tiêu cấp bách trước mắt, vừa cho lâu dài.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là nền tảng cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân, phát triển đất nước.
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là nền tảng cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân, phát triển đất nước.

Thật ra câu trả lời đã có, ngay trong những việc Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân đã và đang triển khai rất khẩn trương, tích cực trong thời gian qua. Vấn đề là, cần tiếp tục suy nghĩ, bổ sung thêm những chủ trương, nhiệm vụ mới sát với tình hình mới.

Câu trả lời xoay quanh những trụ cột chính, đó là, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị sao cho tinh gọn, hiệu quả; đó là, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đó là, có chiến lược rõ ràng, khả thi cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân, phù hợp trình độ phát triển hiện nay của nền kinh tế; đó là, công tác xây dựng và thi hành pháp luật được coi là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước.

Nhấn mạnh yêu cầu cấp bách này, mới đây trong bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, phải phấn đấu, “đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số”.

Trong khi nghiên cứu, trao đổi về những quan điểm của Đảng và của đồng chí Tổng Bí thư, đã có những ý kiến tâm huyết, xác đáng. Rằng, trong các văn bản nghị quyết, từ “đột phá” lâu nay đã khá quen thuộc. Nó có nghĩa là, một bước tiến vượt bậc, mạnh mẽ, khác biệt, phá vỡ rào cản cũ để mở ra một hướng đi mới, hiệu quả hơn. Nó được dùng trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, công nghệ, giáo dục đến chính trị, để chỉ sự cải tổ sâu sắc, không theo lối mòn, và tạo ra thay đổi có tính chất bước ngoặt. Nào là, doanh nghiệp cần có một chiến lược đột phá để cạnh tranh quốc tế. Nào là, cải cách giáo dục cần một tư duy đột phá chứ không chỉ là vá víu. Báo cáo Chính trị tại đại hội Đảng từ cơ sở trở lên không đâu không nhắc đến “đột phá”.

Nhưng bí quyết quan trọng nhất để đột phá thành công là gì?

Theo chúng tôi, trước hết là tư duy dám nghĩ khác, dám làm khác, bớt tính hàn lâm, tăng tính hành động. Đột phá không thể đến từ sự “an toàn”, hay lặp lại cái cũ. Người tạo ra đột phá nhìn thấy vấn đề từ góc độ mới, không ngại sai, chấp nhận rủi ro, kể cả thất bại ban đầu, có tầm nhìn xa và năng lực thực thi.

Riêng đột phá về thể chế, đó là một trong những mô hình đột phá khó nhất nhưng cũng quan trọng nhất, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển như nước ta. Thể chế không chỉ là luật lệ hay cơ cấu bộ máy, mà là cách xã hội vận hành, bao gồm quy tắc, quyền lực, trách nhiệm và cơ chế kiểm soát. Cốt lõi của đột phá thể chế là thay đổi căn bản cách ra quyết định và phân quyền, phân bổ quyền lực, để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Phải dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Phải xây dựng một hệ thống pháp luật “mang tính ổn định, đơn giản, dễ thực hiện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”. Mọi quyết định và hành động của cơ quan công quyền phải được giám sát hiệu quả, coi việc được/bị chất vấn, phản biện là cơ hội để điều chỉnh. Nếu bằng lòng, nếu đâu đó cảm thấy tất cả đã tuyệt đối đúng thì đó là bắt đầu của sự kết thúc.

Nói ngắn gọn, đột phá thể chế là làm cho quyền lực minh bạch hơn, có trách nhiệm hơn, chuyển từ thụ động sang chủ động và phục vụ người dân tốt nhất. Điều này đồng chí Tổng Bí thư không những nêu ra các nội dung cụ thể mà còn xác định rõ mốc thời gian để thực hiện. Cụ thể, năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền ba cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước.

Có câu nói mang tính vạch đường: Cứ làm đi rồi thực tiễn sẽ cho ta câu trả lời. Cha ông ta dặn “chần chừ thì hư việc”. Chừng nào bạn còn viện cớ trì hoãn một việc gì đó, đồng nghĩa với việc bạn không muốn làm nó. Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói: Hãy làm ngay đi, chớ để lỡ nhịp. Thế giới văn minh đã tiến rất xa rồi! Công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đang phát triển thần tốc ngoài sức tưởng tượng của con người. Nhưng không một cỗ máy hay phần mềm nào dù thông minh đến bao nhiêu có thể thay thế cho trí tuệ, trái tim, tâm hồn. Chỉ con người mới có thể “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ”. Vâng, chính do sự đột phá của con người mà sáng tạo nên trí tuệ nhân tạo.