Môi trường kinh doanh - Chìa khóa tăng trưởng

Mục tiêu có mặt trong số các nước có thứ hạng cao trong xếp hạng về môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam một lần nữa được nhắc đến. Nhưng lần này, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra yêu cầu cao hơn, đó là vào Top 3 ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH NTI Vina (Khu công nghiệp VSIP II)
Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH NTI Vina (Khu công nghiệp VSIP II)

Trong cuộc làm việc mới đây với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và các bộ, ngành, chuyên gia về tăng trưởng kinh tế, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, để kinh tế - xã hội phát triển, điều quan trọng nhất là làm sao huy động được mọi người dân tham gia lao động, tạo ra của cải vật chất. Để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, Tổng Bí thư yêu cầu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết...

Công cuộc cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam đã bắt đầu khá sớm, ngay sau Đổi mới, với sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân vào năm 1990; được đẩy mạnh từ năm 2000, sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 với tinh thần doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm được ban hành. Đây cũng là thời điểm xuất hiện thuật ngữ về điều kiện kinh doanh và cuộc chiến với giấy phép con đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, đến giờ, mặc dù nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hằng năm đã bước sang năm thứ 11, tính từ năm 2014 - với Nghị quyết số 19/2014/NQ-CP, quy định hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhưng đến nay, mục tiêu Top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh được đặt ra vào thời điểm đó vẫn là thách thức.

Thực tế cho thấy, những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh cần được nhìn nhận theo tư duy mới. Như Tổng Bí thư đã gợi mở, cần mạnh dạn áp dụng khung pháp lý riêng biệt.

Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam còn nhiều điểm chưa theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Nếu không triển khai đề xuất khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho các ngành công nghệ mới; xây dựng cơ chế pháp lý riêng cho đặc khu kinh tế - công nghệ cùng với các chính sách thuế ưu đãi và cơ chế đặc thù trong giải quyết các tranh chấp thương mại thì khó tạo ra đột phá trong môi trường đầu tư - kinh doanh.

Hơn thế, trong bối cảnh hiện nay, với hàng loạt thách thức từ kinh tế thế giới, những biến động về địa chính trị, thì cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, càng cần đến sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, cũng như củng cố thêm niềm tin kinh doanh.

Tháo gỡ về thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp là vô cùng có ý nghĩa để đạt được mục tiêu đưa tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số như nhiều năm trước… Song, các nhiệm vụ rà soát, đánh giá và tháo bỏ điểm nghẽn trong các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải thực hiện theo tư duy mới, theo hướng bãi bỏ, thu hẹp đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chuyển nhanh, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” (bằng các thủ tục hành chính, cấp phép...) sang “hậu kiểm” theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, mức độ rủi ro và lịch sử tuân thủ của đối tượng quản lý, qua đó, mở rộng quyền tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển.

Với yêu cầu cao hơn về thứ hạng môi trường kinh doanh mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra, công cuộc cải cách đứng trước cơ hội được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Nền kinh tế tăng trưởng cao và dài hạn phải được vun bồi từ môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao.