Tạo động lực cho các tài năng nghệ thuật

Khoảng trống pháp lý trong đào tạo ngành nghệ thuật đã gây ách tắc tuyển sinh và đào tạo tài năng trẻ trong nhiều năm qua. Việc một cơ chế mang tính đặc thù cho lĩnh vực này đang được xem xét cẩn trọng là động thái linh hoạt, kịp thời - một bước đi cần thiết để không gián đoạn sứ mệnh “gieo trồng” tài năng và gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc giữa dòng chảy hiện đại hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. (Ảnh Duy Linh)
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. (Ảnh Duy Linh)

Tại đợt 2 của phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm là dự thảo Nghị quyết về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ qua chủ trì thẩm tra vá các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, thống nhất hình thức ban hành. Sự cẩn trọng này là hết sức cần thiết bởi đào tạo ngành nghề chuyên môn sâu trong lĩnh vực nghệ thuật vốn là một lĩnh vực nhiều đặc thù, song đang bị "bó cứng" bởi các quy định đào tạo hiện hành.

Nghệ thuật - từ múa, âm nhạc đến tuồng, chèo, nhạc cụ dân tộc – đều đòi hỏi người học phải bắt đầu rất sớm. Đây là những ngành nghề mà “giai đoạn vàng” để cảm thụ, hình thành kỹ năng và nuôi dưỡng năng khiếu thường rơi vào độ tuổi từ 9 đến 14. Tuy vậy, pháp luật hiện hành chỉ cho phép đào tạo trình độ trung cấp kéo dài từ 1 đến 2 năm, khiến cho nhiều cơ sở đào tạo lúng túng, thậm chí không thể tổ chức tuyển sinh đúng lứa tuổi cần thiết.

Bài toán không mới, nhưng suốt thời gian dài vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Việc sửa đổi các luật liên quan như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp… đã được đưa vào chương trình năm 2025. Thế nhưng, trong khi luật còn chưa sửa, năm học 2025-2026 lại đã cận kề. Nguy cơ đứt gãy hoạt động đào tạo, gián đoạn phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ trong các bộ môn nghệ thuật đang hiện hữu rõ ràng. Vì thế, dù được ban hành ở hình thức nào - Nghị quyết của Quốc hội hay Nghị định của Chính phủ, một chính sách mới mang tính đặc thù trong lĩnh vực này sẽ góp phần vào điều chỉnh những khoảng trống chưa được luật hóa hoặc còn bất cập, không phù hợp với đặc thù thực tiễn ngành nghệ thuật.

Điều này không chỉ đơn thuần là gỡ nút thắt kỹ thuật hay hành lang pháp lý. Xa hơn, nó là cách để bảo vệ dòng chảy tài năng - nguồn lực quý giá của quốc gia trong lĩnh vực văn hóa. Khi không có hành lang phù hợp để phát hiện, đào tạo và nuôi dưỡng từ sớm, những hạt giống tinh hoa sẽ dễ bị mai một hoặc chảy trôi ra ngoài hệ thống.

Những chính sách phát triển các tài năng nghệ thuật luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Mới đây là Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục “xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, và triển khai Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29/6/2024 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung về đào tạo tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật, đã yêu cầu: “Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù”... Theo đó, việc ban hành một cơ chế đặc thù là hết sức cấp bách song phải được nghiên cứu cẩn trọng, sâu sắc và có sự đồng bộ, tương thích với tinh thần đổi mới đang được đặt ra đối với các quy định liên quan.

Đi đôi với đó, còn cần thêm những nghiên cứu về các vấn đề liên quan cơ chế đặc thù trong tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo, cấp văn bằng, công nhận trình độ, chính sách cho người học; xác định đối tượng áp dụng cụ thể hơn về cơ sở giáo dục, ngành nghề đặc thù thụ hưởng chính sách.

Đã đến lúc cần nhìn nhận nghệ thuật không chỉ như một ngành học đặc thù mà còn là trụ cột của bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, nghệ thuật không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống mà còn tiếp thu tinh hoa nhân loại. Việc kịp thời ban hành một Nghị quyết hợp lý, chặt chẽ, đúng thời điểm, là thể hiện quyết tâm chính trị trong việc đầu tư đúng mức cho văn hóa – một lĩnh vực có vai trò dẫn dắt tinh thần và nâng tầm quốc gia.