Đẩy mạnh trồng rừng kinh tế ở Phú Yên

NDO -

NDĐT - Mấy năm gần đây, tỉnh Phú Yên phát triển nhanh diện tích rừng trồng và khai thác gỗ. Để bảo đảm đủ lượng cây giống phục vụ mùa trồng rừng năm 2016, hiện các vườn ươm trong tỉnh đã sản xuất được bảy triệu cây giống và đang tiếp tục ươm thêm năm triệu cây, góp phần nâng cao độ che phủ rừng và đời sống nhân dân.

Cây giống của Công ty TNHH lâm nghiệp Hồng Sum chuẩn bị xuất vườn phục vụ mùa trồng rừng năm 2016.
Cây giống của Công ty TNHH lâm nghiệp Hồng Sum chuẩn bị xuất vườn phục vụ mùa trồng rừng năm 2016.

Lượng cây giống trên đủ trồng 6.000 ha rừng tập trung (tăng 2.000 ha so với năm 2015); trong đó có 4.200 ha rừng sản xuất, 1.400 ha rừng phòng hộ, 600 ha rừng trồng thay thế phần diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp phục vụ các dự án trước đây, nhằm nâng độ che phủ rừng từ 39 % năm 2015 lên 40 % diện tích tự nhiên vào cuối năm 2016.

Nhằm tạo điều kiện cho các chủ dự án có nghĩa vụ trồng rừng thay thế, UBND tỉnh Phú Yên cũng vừa ban hành định mức chi phí trồng rừng thay thế từ gần 54 triệu đồng/ha đến 55 triệu đồng/ha nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, tỉnh hiện có 15 vườn ươm cây giống trồng rừng của các tổ chức, hộ gia đình với sản lượng mỗi vườn hằng năm từ 500.000 đến hơn hai triệu cây, chủ yếu là keo tai tượng, phi lao, xà cừ, dầu rái, sao đen, gõ đỏ… giá một cây từ 500 đồng trở lên. Trung bình mỗi ha rừng ở Phú Yên đạt năng suất 70 tấn. Nếu đầu tư chăm sóc tốt, năng suất có thể đạt từ 90 đến 100 tấn/ha. Vì vậy, qua bảy tháng đầu năm 2016, tổng sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của tỉnh lên đến 21.000 m3 và dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ khai thác được hơn 50.000 m3, tăng khoảng 10.000 m3 so với năm 2015.

Là người tiên phong mở vườn ươm cây giống trồng rừng từ năm 2014 tại xã Sơn Long, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên với 700.000 cây ban đầu. Đến nay, ông Nguyễn Văn Hồng đã thành lập Công ty TNHH lâm nghiệp Hồng Sum, sản xuất được hai triệu cây giống cung cấp cho các doanh nghiệp và người dân trồng rừng trong tỉnh với giá từ 500 đến 600 đồng một cây keo.

Trong chiến lược phát triển kinh tế, các địa phương miền núi của tỉnh Phú Yên đều đặc biệt chú trọng đến phát triển kinh tế rừng. Mấy năm gần đây, giá gỗ rừng trồng tăng, người dân tập trung chuyển đổi cây trồng trên đất bạc màu sang trồng rừng kinh tế cho thu nhập ít nhất từ 50 triệu đồng/ha trở lên sau khi trừ chi phí. “Xã chúng tôi có hơn 500 hộ dân, nhưng có đến hơn 300 hộ trồng rừng kinh tế với 320 ha cây keo và hơn 450 ha cao su. Năm nay, dự kiến người dân sẽ thu hoạch khoảng 30 ha rừng keo, sau đó tiếp tục trồng lại. Kết hợp trồng rừng và sắn, mía, đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên, bộ mặt nông thôn cũng nhờ đó mà khởi sắc”, ông Đào Trọng Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Định, huyện miền núi Sơn Hòa cho biết.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, đến nay tỉnh có gần 30.000 ha rừng trồng và hơn 8,4 triệu cây phân tán, chủ yếu là các loài cây có giá trị kinh tế cao, độ che phủ lớn như keo tai tượng, xà cừ, phi lao, dầu rái, sao đen, gõ đỏ, muồng đen, giáng hương. Từ năm 2016 đến 2020, mỗi năm tỉnh phấn đấu trồng mới ít nhất 4.000 ha rừng. Để đạt mục tiêu này, ngoài việc vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tỉnh Phú Yên đang quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa với mục tiêu đến năm 2020 cung cấp 80 % giống từ nguồn giống được công nhận; 100 % nguồn giống và cơ sở sản xuất kinh doanh giống được kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp theo thủ tục giám sát chuỗi hành trình giống đối với toàn bộ các loài cây trồng chính.