Tuy nhiên, trước những biến động nhanh của thực tiễn nền kinh tế, một số quy định trong Luật thuế TNDN cần được điều chỉnh, nhất là về mức thuế suất; tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại; miễn thuế và về các khoản chi phí được trừ và không được trừ; cũng như cần bổ sung quy định về khống chế tỷ lệ vốn vay so với vốn chủ sở hữu (vốn mỏng) được tính vào chi phí; về điều kiện chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; về định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu... Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN (sau đây gọi là dự án Luật) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 5-2013.
Nhìn chung, Dự án luật đã bám sát mục tiêu tiếp tục tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế; đặc biệt là giảm mức thuế suất chung và cải cách ưu đãi thuế để tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích doanh nghiệp tăng tích lũy, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước tăng trưởng nguồn thu NSNN trong trung và dài hạn; bảo đảm đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý thuế...
Trước hết, cần nhấn mạnh và hoan nghênh tinh thần của Dự án luật đã mạnh dạn điều chỉnh thuế suất chung giảm từ mức 25% hiện hành xuống còn 23%; riêng doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (đáp ứng ứng hai điều kiện: sử dụng dưới 200 lao động; và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng mức thuế suất 20%.
Đồng thời, thực tế cũng cho thấy việc bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực là hoàn toàn thỏa đáng, như: doanh nghiệp thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với thu nhập từ hoạt động này, không quy định miễn, giảm thuế TNDN; Bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư mở rộng vào các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN; Bổ sung thu nhập từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật xuất bản; thu nhập từ hoạt động báo in của cơ quan báo chí vào diện được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10%; thu nhập của tổ chức tài chính vi mô vào diện áp dụng thuế suất 20%;... Bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp sau khi bù trừ lãi lỗ giữa thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản (nếu có) với nhau mà vẫn còn lỗ thì số lỗ đó doanh nghiệp được bù trừ với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá bốn lần vốn chủ sở hữu (đối với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng được áp dụng tỷ lệ cao hơn: không quá 10 lần vốn chủ sở hữu). Thực tế cho thấy, điều chỉnh này là cần thiết để kiểm soát sự an toàn tài chính vĩ mô và chống chuyển giá.
Tương tự, thực tế cũng cho thấy sự hợp lý của những điều chỉnh trong Dự thảo Luật theo hướng mở rộng phạm vi tài trợ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN đối với các khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước đối với các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bổ sung quy định về khoản chi đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ mang tính an sinh xã hội cho người lao động của doanh nghiệp; bổ sung quy định điều kiện được tính vào chi phí được trừ phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quản lý kiểm soát thu nhập của các tổ chức; bỏ quy định về định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu; quy định cụ thể một số khoản thu nhập không được ưu đãi thuế, theo đó các khoản thu nhập khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế không được liệt kê sẽ thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế,...
Tuy nhiên, đối với quy định trong Dự án Luật về loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế chi quảng cáo tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, đồng thời nâng lên mức 15% (là mức hiện hành chỉ áp dụng cho doanh nghiệp thành lập mới trong ba năm đầu), cần có sự cân nhắc thêm, vì các lẽ sau:
Trong giả định mức thuế thu nhập doanh nghiệp không đổi, thì doanh nghiệp càng nộp thuế nhiều khi có mức doanh thu chịu thuế càng lớn sau khi đã được tính giảm trừ các chi phí hợp lý của doanh nghiệp để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Theo thông lệ thế giới, chi phí quảng cáo thường được coi như là một chi phí hợp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh và được xem xét tính trừ khi xác định thu nhập tính thuế của doanh nghiệp. Ở Việt Nam, chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… có thể được tính giảm trừ không vượt quá 9,09% (tương đương 1/11) tổng số chi phí được trừ của doanh nghiệp khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, trong khi tính trừ chi phí quảng cáo để tính thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam, các chi phí quảng cáo được chia thành hai nhóm:
- Nhóm bị khống chế, gồm: các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí. Mức khống chế cụ thể là không quá 9,09% tổng chi phí được trừ của doanh nghiệp; riêng các doanh nghiệp mới thành lập trong ba năm đầu thì phần chi của nhóm I bị khống chế không quá 13,04% tổng chi phí được trừ của doanh nghiệp (do Thông tư 130 quy định nhóm I được tính trừ không quá 15% tổng số chi được trừ không bao gồm trị giá khoản chi của nhóm I với doanh nghiệp mới thành lập trong ba năm đầu).
- Nhóm không bị khống chế, gồm: Hoa hồng môi giới bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; Hoa hồng trả cho các đại lý bán hàng đúng giá; Các khoản chi phát sinh trong nước hoặc ngoài nước (nếu có) gồm: Chi phí nghiên cứu thị trường: Thăm dò, khảo sát, phỏng vấn, thu thập, phân tích và đánh giá thông tin; Chi phí phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường; Chi phí thuê tư vấn thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường; Chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại: Chi phí mở phòng hoặc gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; Chi phí thuê không gian để trưng bày, giới thiệu sản phẩm; Chi phí vật liệu, công cụ hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm; Chi phí vận chuyển sản phẩm trưng bày, giới thiệu.
Trong Dự án Luật, việc điều chỉnh tính giảm trừ chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp cần chú ý một số điểm nhấn sau:
Thứ nhất, cần đảm bảo tính công bằng và hiệu quả quản lý nhà nước theo từng mục tiêu và giai đoạn cụ thể.
Về nguyên tắc, không nên khống chế trần chi phí quảng cáo được tính trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng có thể xác lập nguyên tắc mềm, theo đó các doanh nghiệp chỉ được tính giảm trừ 50% tổng chi phí quảng cáo phát sinh, không căn cứ vào tổng số chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp được tính trừ; Hoặc có thể cho phép doanh nghiệp được tính giảm trừ 15-20% tổng doanh số bán hàng của năm đó. Phần chi phí thực chi vượt trội có thể được chuyển tính vào năm tiếp theo. Việc này cho phép các doanh nghiệp có thể quyết định được ngân sách chi cho quảng cáo của họ tùy thuộc vào mục tiêu kinh doanh.
Thứ hai, cần khuyến khích tính minh bạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhà nước cần dùng mức tính trừ chi phí quảng cáo để khuyến khích sự minh bạch kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, một mặt, những chi phí không công khai, không đúng mục đích quảng cáo sẽ không được coi là chi phí hợp lệ và không được tính trừ. Mặt khác, cho phép tăng mức khấu trừ một số khoản chi hợp lệ, như: các khoản chi marketing, triển lãm hay xúc tiến thương mại ra nước ngoài được phê duyệt; quà tặng các tổ chức công và nhà nước, các cơ sở, sự kiện và chương trình của tổ chức công; những đối tượng thụ hưởng được cấp phép và đối tượng chính sách khác…
Thứ ba, cần tính giảm trừ chi phí quảng cáo tránh cào bằng, mà theo tính chất từng nhóm ngành và tính thời gian của quảng cáo.
Theo tinh thần này, nên phân biệt mức giảm trừ tính quảng cáo trong thu nhập tính thuế theo tính chất ngành của doanh nghiệp. Cụ thể: nên phân biệt giảm trừ nhiều hơn chi phí quảng cáo cho sản phẩm những ngành dịch vụ, so với những ngành sản xuất; phân biệt giảm trừ chi phí quảng cáo nhiều hơn cho những sản phẩm có tính thời vụ, vòng đời ngắn hạn so với những sản phẩm ổn định và có vòng đời dài hạn hơn. Đồng thời, cần giảm trừ chi phí quảng cáo nhiều hơn cho các sản phẩm mới và công ty mới tham gia thị trường…
Thứ tư, cần tính giảm trừ chi phí quảng cáo theo mục tiêu sử dụng sản phẩm.
Việc tính giảm trừ chi phí quảng cáo cần tùy theo mục tiêu tiêu dùng xã hội, cụ thể cần tăng mức khấu trừ chi phí quảng cáo để khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa (nhất là các khoản chi phí quảng cáo hàng hóa cho thương hiệu Việt), hàng của các doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường; Bên cạnh đó, cần giảm mức chi phí quảng cáo được khấu trừ nhằm ngăn chặn tiêu dùng quá mức đối với những sản phẩm không khuyến khích. Đặc biệt, có thể khống chế chi phí quảng cáo được giảm trừ đối với một số sản phẩm không khuyến khích tiêu thụ, như thuốc lá và một số hàng xa xỉ… Định mức giới hạn giảm trừ này không nên vượt mức 5-7% trên tổng doanh thu của các doanh nghiệp loại này.
Cần nhấn mạnh rằng, quảng cáo là hoạt động thiết thân của doanh nghiệp và cần cho cả người tiêu dùng. Chi phí quảng cáo là chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, được đưa vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng chấp nhận mua hàng tức là đã chấp nhận khoản chi này. Vì vậy, nên để doanh nghiệp được chủ động quyết định chi quảng cáo khi thấy cần thiết. Nhà nước chỉ nên can thiệp vào hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp thông qua đưa ra các quy định và chế tài nghiêm khắc nhằm đề cao sự minh bạch kinh doanh và ngăn cản, trừng phạt những quảng cáo sai và quảng cáo quá mức, gây cạnh tranh không lành mạnh và thiệt hại cho người tiêu dùng…