Năm 2004, toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu 1,1 tỷ USD, tăng 88% so với năm 2003. Năm 2006, đạt 1,93 tỷ USD, gấp bốn lần năm 2003, trở thành một trong hai nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất khu vực Ðông-Nam Á. Sáu tháng đầu năm 2007, ngành thực hiện kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD bằng cả năm 2004.
Mở rộng thị trường
Theo các tổng giám đốc doanh nghiệp Lê Thị Minh Trang (SAVIMEX), Trần Quốc Mạnh (SADACO) Nguyễn Ngọc Khoa (Khải Vi), Trường Thành... kim ngạch đồ gỗ xuất khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây, là do mở rộng thị trường và đa dạng hóa mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu.
Những năm trước đây, doanh nghiệp ngành gỗ chủ yếu phát triển theo chiều rộng nay dồn vốn đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo chữ tín với khách hàng và chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh Trần Quốc Mạnh: "Khả năng quản lý tài chính, quản trị của doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, nhiều doanh nghiệp đã chú ý đến việc nghiên cứu sáng tạo mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, cũng như kết hợp nhiều nguyên phụ liệu khác nhau (nhôm, i-nốc, mây, tre, lá, vải...) trên một sản phẩm gỗ để nâng cao giá trị gia tăng". Trước đây doanh nghiệp ngành gỗ thường chờ khách hàng, nay đã năng động tìm đến các nhà phân phối trong và ngoài nước mời gọi sử dụng đồ gỗ. Nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô lên hàng nghìn lao động đáp ứng các đơn hàng lớn. Công ty Khải Vi sử dụng gần 5.000 công nhân mỗi tháng xuất khẩu 500 container và đang mua thêm một nhà máy trị giá 25 triệu USD. Công ty gỗ Trường Thành, một trong ba nhà sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất Việt Nam (100% vốn Việt Nam) phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 60 triệu USD trong năm 2007 với doanh thu tiêu thụ trong nước 200 tỷ đồng.
Cùng với các doanh nghiệp trong nước, 300 doanh nghiệp FDI có năng lực tài chính, chủ động cả đầu vào nguyên liệu, đầu ra sản phẩm, đóng góp hơn 50% kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Công ty gỗ KAIZER (100% vốn Ðài Loan) không chỉ đầu tư mở rộng còn tăng vốn hoạt động, xuất khẩu 1.000 container/tháng, với kim ngạch xuất khẩu 2007 là 60 triệu USD.
Ðến nay, cả nước có 2.000 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ sử dụng 170 nghìn công nhân với năng lực sản xuất tăng gấp bốn lần năm 2003, xuất khẩu sang 120 thị trường. Sản phẩm đồ gỗ Việt Nam không chỉ cạnh tranh, giành thị phần đồ gỗ ngoài trời mà còn cạnh tranh cả thị phần sản phẩm đồ gỗ trong nhà như đồ gỗ phòng ngủ, văn phòng ở cả ba dạng giá cả bình dân, trung lưu và cao cấp.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ qua các năm tiếp tục tăng 50-80%, nhưng tốc độ tăng xuất khẩu năm 2007 đã chậm lại (tăng 25%) là năm thứ hai giảm tốc độ xuất khẩu. Nguyên nhân do ngành gỗ Việt Nam phải nhập khẩu hơn 80% nguyên liệu gỗ, trong khi giá gỗ nguyên liệu thế giới tăng mạnh (năm 2006 đến nay tăng 40-100%/năm) tùy từng loại. Trong khi đó đầu mối nhập khẩu nguyên liệu đã giảm bớt, nhưng vẫn còn phân tán. Việt Nam cũng chưa có các cảng gỗ, chợ gỗ, các nhà máy chuyên xẻ gỗ, cung cấp cho các nhà máy chế biến, chưa có trung tâm nguyên phụ liệu cung ứng các sản phẩm gỗ để các nhà sản xuất yên tâm làm ăn.
Do quy mô sản xuất tăng đột biến ngành chế biến gỗ xuất khẩu thu hút 170 nghìn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo.
Nhiều doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp lớn vẫn năng chạy theo gia công, chưa chú ý đến việc đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, thiếu các nhà thiết kế các sản phẩm gỗ mang bản sắc Việt Nam nhưng có tính công nghiệp cao.
Cho đến nay, tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ nhất nước, nhưng chưa có một trường đào tạo công nhân chế biến gỗ. Ngành đang thiếu hụt nghiêm trọng công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý, tiếp thị, thị trường. Cả nước có năm trường dạy nghề, song chỉ có một trường dạy chế biến đồ gỗ mỹ nghệ còn lại là dạy khai thác rừng.
Ở một số địa phương thủ tục hải quan còn chậm và kéo dài từ khai báo, kiểm hóa đến chứng nhận thực xuất, hoàn thuế giá trị gia tăng, vừa làm tăng chi phí, thậm chí làm đổ vỡ kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, thâm hụt vốn kinh doanh. Thủ tục đóng dấu búa vào gỗ nhập khẩu cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Theo đồng chí Võ Trường Thành chủ tịch HÐQT Công ty gỗ Trường Thành "Nhà nước mới tập trung đầu tư trồng rừng ở các tỉnh phía bắc, nơi chưa có nhà máy chế biến gỗ công nghiệp, trong khi phía nam chưa được quan tâm lại là nơi tập trung các nhà máy chế biến gỗ lớn". Ðồng chí Nguyễn Ngọc Khoa, Phó chủ tịch HÐQT Công ty Khải Vi cũng đề nghị: "Doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư trồng rừng do vốn đầu tư lớn, vòng quay kéo dài, mức rủi ro cao do lâm tặc thao túng, cháy rừng, bão lũ khiến cho nhiều khu rừng tốn công trồng rừng như không hiệu quả, kỹ thuật trồng rừng và công nghệ cho các khu rừng trồng chưa cao, chưa mang tính đồng bộ".
Ðại diện các tập đoàn phân phối CANFORD (Canada), WALLMART, COSCO, HOMEDEPOR (Hoa Kỳ) đang có mặt tại TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: "Ðã và đang thâm nhập vào thị trường đồ gỗ Việt Nam. Chúng tôi sẽ mua với hợp đồng lớn vì vậy mong các doanh nghiệp phải thực hiện đúng thời gian chất lượng có bảo hành sản phẩm và chịu trách nhiệm với người sử dụng". Theo đại diện tập đoàn CAREFOR (Pháp): "Hàng gỗ nội thất và ngoài trời được người dân EU rất ưa chuộng. Tuy nhiên người tiêu dùng mong muốn đó phải là sản phẩm bảo vệ môi trường và khi đã ký thì doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện hợp đồng, không nên vì một lý do nào đó mà xin gia hạn".
Ngoài ra tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc thực hiện hợp đồng xuất khẩu chưa cao. Việc quảng bá, xúc tiến thương mại tham gia các hội chợ chuyên ngành mới tập trung ở các doanh nghiệp lớn, trong khi hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ vẫn còn kiểu "mạnh ai nấy chạy". Thấy hợp đồng nào "đắt khách" thì ào ào thực hiện theo kiểu kéo giá xuống, nhằm giải quyết công ăn việc làm của doanh nghiệp mình.
Ði tìm giải pháp
Các doanh nghiệp chuyên làm mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu ở Ðồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh nơi tập trung 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước cho biết, tăng trưởng xuất khẩu thì mừng, song lại lo vì thiếu nguyên liệu và nhân công lao động trầm trọng. Theo Vụ Châu Âu, Bộ Thương mại, mỗi năm EU tiêu thụ 96 tỷ USD hàng gỗ nội thất, đồ gỗ Việt Nam chủ yếu là gỗ nội thất và gỗ dùng ngoài trời mới chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong khi đồ gỗ Việt Nam đang hưởng lợi thế thuế GSP 0% sang EU, cá biệt có vài mã hàng chịu thuế suất 2,1%. Ðồ gỗ Việt Nam sang Nhật Bản mới chiếm 7,3% thị phần nước này và xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ chiếm 6,9%.
Nhằm phát triển bền vững ngành đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam, cung ứng kịp thời cho thị trường ngoài nước những hợp đồng lớn, bảo đảm an toàn môi trường cũng như tránh các hàng rào kỹ thuật chống phá giá, các doanh nghiệp cần liên kết trong việc tìm nguồn hàng, trực tiếp tổ chức nhập khẩu, nhằm giảm chi phí, trung gian.
Quan trọng hơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh có đất trồng rừng cần thực hiện việc quy hoạch và cấp đất cho doanh nghiệp trồng rừng. Làm rõ trách nhiệm của chủ rừng trong đó quy định cụ thể quyền lợi của người nhận, người trồng và bảo vệ rừng với lợi ích thỏa đáng với công sức, vốn bỏ ra. Nhà nước cần quy hoạch rừng thành KCN, giao cho doanh nghiệp, đăng ký diện tích rừng như các KCN chế biến gỗ. Ðể doanh nghiệp thật sự gắn bó với rừng cần miễn thuế sử dụng đất trồng rừng, miễn thuế tài nguyên hoàn toàn hoặc một phần, cho chủ rừng khai thác lâm sản phụ từ rừng tự nhiên được giao. Miễn thuế nhập khẩu công nghệ thiết bị, máy móc chế biến gỗ rừng đồng thời miễn thuế lợi tức cho các tổ chức kinh doanh trồng rừng.
Cần khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư trồng rừng trong vùng có nhà máy chế biến. Có biện pháp thích hợp ngăn chặn việc khai thác cây non vì cây lớn có giá trị cao, lại tận dụng được cành ngọn cho công nghiệp giấy. Tập trung trồng rừng theo phương thức thâm canh, tự túc nguồn nguyên liệu gỗ cho ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm gỗ vào năm 2020; đồng thời, đẩy mạnh công nghệ chế biến ván nhân tạo từ gỗ rừng trồng.
Hình thành ngay các trung tâm phân phối nguyên liệu gỗ hiện đại ở những vùng sản xuất sản phẩm gỗ tập trung như Ðồng Nai, Bình Dương, Bình Ðịnh, Bắc Ninh.
Tập trung nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh xây dựng các trung tâm, đào tạo nghề. Trước mắt là, đào tạo công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý cấp cơ sở, từng bước đào tạo nguồn nhân lực cao cấp đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy, thiết bị, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Chú ý đầu tư máy, công nghệ tự động hóa vào những khâu sử dụng nhiều lao động phổ thông như khâu đánh bóng, phun sơn vừa làm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm.
Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu đồ gỗ Việt Nam. Cho doanh nghiệp được quyền lựa chọn một trong hai phương thức hỗ trợ xúc tiến thương mại, bằng việc hỗ trợ 0,01% kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp để tự tham gia hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định chung.