Định hình không gian địa lý Trung tâm Tài chính quốc tế

Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương hoàn thiện các phương án xác định vị trí, địa giới hành chính, diện tích của Trung tâm Tài chính quốc tế để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua trong tháng 5. Đây là cơ sở để thành phố tổ chức đấu giá các lô “đất vàng”, kêu gọi thu hút đầu tư với mục tiêu đến năm 2030, đặt nền móng cơ bản cho việc vận hành Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực trung tâm Quận 1 nằm trong ranh giới vị trí Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THÀNH ĐẠT)
Khu vực trung tâm Quận 1 nằm trong ranh giới vị trí Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THÀNH ĐẠT)

HAI PHƯƠNG ÁN RANH GIỚI VỊ TRÍ, ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

Để kịp tiến độ, Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực cùng các bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ để được thông qua hai nội dung chính; trong đó, có việc hoàn thiện ranh giới địa lý hành chính Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Thành phố đang ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính quốc tế năng động và cạnh tranh trong khu vực. Việc xác định ranh giới rõ ràng sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố triển khai các bước tiếp theo, thu hút các nhà đầu tư chiến lược và xây dựng một hệ sinh thái tài chính hiện đại, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Tận dụng thời cơ phát triển, quá trình xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện tập trung từ Trung ương tới địa phương. Hiện, Ủy ban Kinh tế Tài chính Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo, Ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội cũng thẩm tra phiên toàn thể do Chính phủ trình. Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội diễn ra trong tháng 5 sẽ thông qua việc thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất hai phương án ranh giới Trung tâm Tài chính quốc tế. Phương án 1 là khu vực khu đô thị mới Thủ Thiêm (564 ha) và một phần Quận 1 (123 ha) với tổng diện tích lên đến 687 ha. Trong đó, khu chức năng đặc biệt với 11 lô đất thuộc khu đô thị Thủ Thiêm với diện tích 9,2 ha. Phần đất này đã có quy hoạch phân khu, quy hoạch 1/2.000 với đầy đủ các chỉ tiêu về thương mại-dịch vụ, văn phòng, khu dân cư, nhà ở, trung tâm tài chính. Riêng khu lõi bao gồm 478.060 m2 sàn xây dựng thương mại-dịch vụ sẽ thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia xây dựng, phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế trong giai đoạn đầu.

Ở phương án 2, diện tích Trung tâm Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh là 340 ha, gồm: 123 ha ở Quận 1 và 217 ha trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo đánh giá của Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, ưu điểm của phương án này là phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, thống nhất với phương án đề xuất tại đề án đã báo cáo và được Bộ Chính trị chủ trương thông qua. Bên cạnh đó, diện tích 340 ha thể hiện quy mô tương đồng khi so sánh với các trung tâm tài chính trên thế giới, có thể huy động nguồn lực đầu tư xây dựng ngay. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án là quy mô nhỏ làm hạn chế dư địa phát triển.

Ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việc xác định ranh giới địa lý chính xác cho Trung tâm Tài chính quốc tế gặp không ít khó khăn. Qua quá trình tham vấn, phương án 1 với diện tích 687 ha được đánh giá cao hơn do có thể tận dụng kinh nghiệm quốc tế và có dư địa lớn cho phát triển và thu hút đầu tư dài hạn”. Theo đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm có lợi thế về “đất sạch”, nhiều dư địa phát triển mới, có thể quy hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cứng và mềm cho trung tâm tài chính quốc tế; các tiêu chí sử dụng đất đáp ứng điều kiện để xây dựng một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế có bao gồm các dịch vụ phụ trợ đi kèm. Trong khi đó, Quận 1 là trung tâm tài chính hiện hữu của thành phố khi tập trung nhiều định chế tài chính, ngân hàng và các tòa nhà văn phòng cao cấp. Do đó, việc kết hợp cả hai khu vực sẽ bảo đảm hoạt động tài chính diễn ra bình thường trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính mới.

THAM VỌNG 10 NĂM CHO TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ

Theo ý kiến các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả hoạt động, việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế cần tính toán đến bài toán kết nối giao thông giữa vùng lõi với các điểm đến, nhất là các sân bay. Đồng thời, cần bảo đảm hài hòa giữa việc xây dựng hạ tầng, tòa nhà tài chính, khu dân cư với tính chất văn hóa, xã hội mang đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh, đây cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế Trần Hoàng Ngân chia sẻ: Việt Nam có lợi thế đi sau cho nên có thể tiếp thu những tinh hoa của thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh đang có những yếu tố phù hợp và đất nước đang ở thời cơ cần có Trung tâm Tài chính quốc tế để hiện thực hóa giấc mơ trở thành đất nước phát triển. Đáng chú ý, sau khi sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có ba trụ cột gồm công nghiệp, cụm khu công nghiệp với trọng tâm là Bình Dương; trụ cột về cảng biển, du lịch, logistics có khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu kết hợp Cần Giờ, kết hợp với cảng Cái Mép sẽ có cảng trung chuyển quốc tế lớn và từ đó thúc đẩy thương mại, tài chính, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có khu thương mại tự do, phi thuế quan; thứ ba, trụ cột cốt lõi của thành phố là trung tâm thương mại, tài chính ngân hàng, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế, giáo dục chất lượng cao…

Có nhiều thứ phải đầu tư để đưa trung tâm tài chính đi vào hoạt động như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, công nghệ, dữ liệu,… trong đó, việc giới hạn không gian phát triển của Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh là rất quan trọng, từ đó có cơ chế thu hút và khuyến khích các tập đoàn tài chính lớn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh: “Thành phố đặt ra lộ trình tham vọng trong 10 năm tới có thể đặt nền móng toàn diện cho hoạt động Trung tâm Tài chính quốc tế, chia ra làm hai giai đoạn: Trước mắt, đến năm 2030, thành phố đặt nền móng cơ bản cho việc vận hành Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh; đến năm 2035, thành phố hoàn chỉnh công việc này. Việc thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế được xác định là việc mới và khó, nhưng không phải vì thế mà không làm được. Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục rà soát vị trí không gian, quy hoạch cũng như kết nối giao thông cho Trung tâm Tài chính quốc tế vận hành hiệu quả, bền vững.