Theo báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm của Công ty đầu tư và kinh doanh dịch vụ bất động sản thương mại CBRE Việt Nam tại Hà Nội, tổng lượng giao dịch trên thị trường sơ cấp trong quý II/2025 đạt gần 5.180 căn hộ, nâng tổng số căn bán được trong nửa đầu năm lên khoảng 9.130 căn, tăng 31% so với quý I, nhưng giảm 27% so với cùng kỳ năm 2024.
Tỷ lệ hấp thụ trung bình trong quý đầu mở bán của các dự án mới đạt khoảng 60%, giảm so với mức 70% của năm 2024.
Năm 2025 được kỳ vọng là một năm bận rộn của các chủ đầu tư. Nhiều dự án đang trong quá trình chuẩn bị mở bán, nhất tại khu vực phía bắc và phía đông Hà Nội.
Việc triển khai các cây cầu mới bắc qua sông Hồng như cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi là động lực lớn thúc đẩy hoạt động mở bán tại các khu vực này.
Mới đây, tại kỳ họp thường kỳ giữa năm 2025 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trương Việt Dũng cho biết, thành phố sẽ triển khai 85 dự án giao thông với tổng số vốn đầu tư công lên đến 22,9 nghìn tỷ đồng, giải phóng mặt bằng cho 90% dự án trong năm 2025.
Trong các tháng còn lại của năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ đẩy nhanh các dự án giao thông. Cầu Trần Hưng Đạo sẽ được khởi công vào dịp 19/8.
Cầu Ngọc Hồi, cầu Vân Phúc sẽ được khởi công vào dịp 2/9.
Cầu Thượng Cát đã có kế hoạch khởi công vào dịp 10/10.
Bất động sản khu vực ven Vành đai 4 cũng hưởng lợi khi thành phố cam kết tăng cường giải ngân dự án lên 50% kế hoạch vào quý IV/2025.
Nhiều dự án tại khu vực Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên từng “đóng băng”, nay dần được gỡ vướng bởi các chính sách mới sẽ tái khởi động trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Danh mục khu đất thực hiện Dự án thí điểm vừa được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, bao gồm 150 khu. Đây là các dự án thực hiện theo Nghị quyết số 171/2024/QH15 quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất. Phần lớn trong số 150 dự án này là phát triển nhà ở.
Có thể thấy, nguồn cung nhà ở trong thời gian tới trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ khá dồi dào. Theo con số thống kê của CBRE Việt Nam, với các dự án hiện đang triển khai, tổng nguồn cung mở bán mới trong cả năm dự kiến đạt khoảng 31.000 căn hộ. Chỉ với số liệu này đã có thể vượt nguồn cung của năm 2024.
Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cen Group nhận định, thị trường bất động sản sắp trải qua một giai đoạn mới, với nguồn cung tăng vọt, dẫn đến trạng thái dư thừa sản phẩm.
Lý giải về nguồn cung tăng mạnh, ông Nguyễn Trung Vũ phân tích, nếu như trước đây, các dự án quy mô 1.000ha đã được coi là lớn, thì hiện nay, thị trường bắt đầu chứng kiến sự xuất hiện của các đại dự án có quy mô 1.700ha, 4.000ha, thậm chí lên đến 10.000ha.
Như vậy, vấn đề khan hiếm nguồn cung của thị trường bất động sản nói chung và thị trường trọng điểm như Hà Nội đang dần được hóa giải, nhưng vấn đề gây đau đầu cho những người dân có nhu cầu mua nhà để ở, đó là câu chuyện giá nhà vẫn rất cao.
Toàn bộ các dự án mở bán trong quý II/2025 tại Hà Nội này đều thuộc phân khúc cao cấp với giá chào bán sơ cấp trung bình trên 70 triệu đồng/m2 thông thủy (chưa bao gồm thuế VAT, kinh phí bảo trì và chiết khấu). Diễn biến này đẩy giá bán sơ cấp trung bình tại thời điểm cuối quý II lên khoảng 79 triệu đồng/m2 thông thủy, tăng 6% theo quý và tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Một số khu vực như Hà Đông, Hoàng Mai, trước đây có mức giá phổ biến 40-50 triệu đồng/m2 thông thủy, nay đã ghi nhận mức giá tại các dự án mới chào bán là trên 70 triệu đồng/m2.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao Chi nhánh CBRE Việt Nam tại Hà Nội cho rằng, khi thị trường có nhiều lựa chọn hơn về vị trí và tầm giá, người mua sẽ có xu hướng so sánh và cân nhắc kỹ lưỡng hơn, đồng thời đặt nhiều kỳ vọng hơn vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tiện ích.
Còn ông Nguyễn Trung Vũ nhận định, trước đây nguồn cung khan hiếm khiến giá nhà bị đẩy lên rất cao, bây giờ khi nguồn cung dư thừa, thị trường sẽ trở về giá trị thực.