Quyết liệt triển khai dự án đường sắt trọng điểm quốc gia

Thành phố Hải Phòng đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường sắt trọng điểm quốc gia Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực vận tải, “chia lửa” cho các tuyến đường bộ.

Đoàn tàu chở hàng liên vận quốc tế chạy qua ga Cao Xá (thành phố Hải Phòng).
Đoàn tàu chở hàng liên vận quốc tế chạy qua ga Cao Xá (thành phố Hải Phòng).

Dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 187/2025/QH15 ngày 19/2/2025. Dự án có tổng chiều dài khoảng 403,1 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 203.231 tỷ đồng (8,369 tỷ USD).

Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hải Phòng cho biết: Trong bối cảnh chuyển đổi theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, ngay sau khi nghị quyết được Quốc hội phê duyệt, các cấp, các ngành và địa phương ở tỉnh Hải Dương (cũ) và thành phố Hải Phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm hoàn thành mục tiêu bàn giao mặt bằng thi công dự án trong tháng 8/2025, khởi công dự án vào 19/12/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Hải Dương (trước khi sáp nhập) có tuyến đường sắt đi qua dài khoảng 40,96 km, trên tuyến bố trí 3 ga. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban để quyết liệt chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị tổ chức triển khai giải phóng mặt bằng và các công việc liên quan đến thực hiện dự án.

Đến ngày 21/5, trên địa bàn tỉnh Hải Dương (cũ) đã xác định khối lượng giải phóng mặt bằng, tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng 188 ha, với 3.296 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 407 hộ cần bố trí tái định cư. Tổng kinh phí dự kiến cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 3.893 tỷ đồng. Tỉnh đã và đang triển khai 8 dự án tái định cư, với tổng diện tích 28,86 ha, ước kinh phí đầu tư khoảng 465 tỷ đồng.

Sau khi rà soát nhu cầu thực tế của nhân dân, đầu tháng 6/2025, theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh Hải Dương (cũ) đề xuất xây dựng 11 dự án khu tái định cư và 5 dự án mở rộng nghĩa trang nhân dân và di chuyển bãi rác. Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng các khu tái định cư và chi phí mở rộng các nghĩa trang nhân dân phục vụ di dời mồ mả hơn 509 tỷ đồng. Các khu tái định cư được quy hoạch ở vị trí thuận lợi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Tỉnh Hải Dương (cũ) cũng đã sớm bàn giao 441 mốc giới tại thực địa dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng cho đại diện ủy ban nhân dân các xã; đồng thời xác định xong người có quyền sử dụng đất (218,2 ha). Ranh giới giải phóng mặt bằng đi qua tổng số 4.583 thửa gồm: 4.047 thửa đất canh tác; 536 thửa đất dân cư.

Tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng (thời điểm chưa sáp nhập) có tuyến chính dài 48,92 km và 2 tuyến nhánh dài khoảng 20 km; tuyến có 6 ga, gồm ga Nam Hải Phòng, Nam Đồ Sơn, Đình Vũ, Lạch Huyện và 2 trạm tác nghiệp kỹ thuật là Quốc Tuấn, Nam Đình Vũ.

Tổng diện tích đất phải thu hồi là 405 ha; trong đó đất ở 19,3 ha, đất nông nghiệp 173,3 ha, đất giao thông, thủy lợi 33,4 ha, đất khác 189 ha. Số hộ dân có đất bị thu hồi khoảng 2.800 hộ. Tổng số nhu cầu tái định cư là 1.342 lô, cần đầu tư xây dựng 9 khu tái định cư với tổng diện tích 31 ha tại các địa phương, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 770 tỷ đồng.

Các địa phương ở Hải Phòng đã hoàn thành cắm mốc giới và xác định người có quyền sử dụng đất; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân chấp hành quy định, không xây dựng mới các công trình, trồng cây nhằm trục lợi.

Việc bàn giao mốc giới trong giải phóng mặt bằng và làm rõ chủ sử dụng đất nhằm xác định, đánh dấu và bàn giao ranh giới khu đất cần thu hồi, công nhận quyền sở hữu hợp pháp của người dân đối với đất đai, tài sản trên đất và các quyền liên quan khác. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo của quá trình giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng người dân xây dựng, trồng cây cối hoa màu trong khu vực dự kiến giải phóng mặt bằng.

Tuyến đường sắt trọng điểm quốc gia qua thành phố Hải Phòng sau sáp nhập hiện nay có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 89,88 km đi qua 24 xã, phường, đặc khu, gồm: Cẩm Giàng, Kẻ Sặt, Mao Điền, Bình Giang, Yết Kiêu, Gia Lộc, Gia Phúc, Tân Kỳ, Tứ Kỳ, Đại Sơn, Chí Minh, Hà Đông, An Quang, Quyết Thắng, An Khánh, An Hưng, Kiến Thụy, Kiến Minh, Dương Kinh, Hải An, Đông Hải, Nam Đồ Sơn, Kiến Hải, đặc khu Cát Hải.

Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 624,13 ha, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 6.096 hộ, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 9.753 tỷ đồng.

Hiện nay, một số công việc liên quan đến dự án triển khai còn chậm; vẫn còn tình trạng người dân xây dựng trái phép trên đất thuộc phạm vi dự án.

Trong buổi kiểm tra thực địa tại một số địa phương ở phía tây thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Anh Quân nhấn mạnh: Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa chiến lược trong kết nối hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế đất nước...

Vì vậy, chính quyền các xã, ngành chức năng tập trung cao độ, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quyết liệt thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ và hiệu quả triển khai dự án.

Các địa phương cần tăng cường kỷ cương, siết chặt công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ những hành vi vi phạm sẽ không được hưởng các chính sách bồi thường, hỗ trợ. Kiên quyết dừng các hoạt động xây dựng sai phạm, không để tái diễn tình trạng lấn chiếm đất dự án.

Đến năm 2030, theo quy hoạch, thành phố Hải Phòng có 46 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 12.000 ha, nhu cầu vận chuyển hàng hóa gia tăng nhanh. Để bảo đảm mục tiêu khởi công dự án vào tháng 12/2025, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, rút ngắn quy trình, đầu tư khu tái định cư… với phương châm cán bộ chỉ bàn làm, không bàn lùi, không để việc sau chờ việc trước.

Có thể bạn quan tâm

back to top