Chuyên đề "Bút sắc, lòng son" gồm ba nội dung: "Trong chốn lao tù", "Bút sắc, lòng son", và "Gắn kết yêu thương".
Ở nội dung đầu tiên, Ban tổ chức giới thiệu hình ảnh một số nhà tù mà kẻ thù từng sử dụng để giam giữ các chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam như Nhà tù Hỏa Lò, Nhà tù Côn Đảo, Khám Lớn ở Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), Trại giam Chín Hầm...
Ở nội dung thứ hai – "Bút sắc, lòng son", Ban Tổ chức giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp 10 chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã dùng ngòi bút để phản ánh hiện thực cuộc sống, sự tàn khốc của chế độ nhà tù và lòng yêu nước thiết tha. Nổi bật trong đó là cuộc đời, sự nghiệp của: Nhà văn hóa, nhà báo Nguyễn An Ninh (1900-1943) với những vần thơ đầy tinh thần đấu tranh tại Khám Lớn Sài Gòn và Nhà tù Côn Đảo; câu chuyện của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932), người ngay trước khi hy sinh vẫn viết những lời thơ yêu nước; hay câu chuyện về những vần thơ của đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909-1944) động viên các đồng chí trong tù ngục...
Nội dung thứ ba "Gắn kết yêu thương" kể về câu chuyện trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, những dòng thư, câu thơ không chỉ là nguồn sức mạnh tinh thần giúp người chiến sĩ vượt qua khó khăn, gian khổ, mà còn là minh chứng cho tinh thần lạc quan và ý chí kiên cường.
Ngày nay, dù trong thời đại công nghệ phát triển, những chiến sĩ đang công tác nơi biên cương, hải đảo luôn trân trọng từng lá thư, bài thơ từ hậu phương gửi tới. Những dòng chữ ấy không chỉ là lời nhắn nhủ của người thân, bạn bè, mà còn là nhịp cầu gắn kết những trái tim, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh nơi đầu sóng ngọn gió.
Tại lễ khai mạc, bên cạnh nội dung trưng bày là hoạt cảnh tái hiện câu chuyện về đồng chí Phạm Hướng, cán bộ Đoàn chuyên trách phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội bị bắt, giam tại Hỏa Lò năm 1949–1950, khán giả xúc động trước khoảnh khắc hội ngộ đầy nước mắt giữa đồng chí Phạm Hướng và bạn tù, và phút giây nghẹn ngào gặp người thân trong lần thăm nuôi ngắn ngủi trước khi bị đày ra Côn Đảo.
Trưng bày diễn ra đến hết ngày 31/8/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.