Với gần 5.000 di tích các loại đã được kiểm kê, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 265 di tích cấp quốc gia, 784 di tích cấp tỉnh; có 743 lễ hội truyền thống, trong đó có 33 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đặc biệt có 1 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đáng chú ý, “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ” được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với tiềm năng và thế mạnh nêu trên, hiện tại Ninh Bình là điểm đến có thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực.
Trên cơ sở nhận thức vị trí, vai trò quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội, cũng như xác định đúng tiềm năng, lợi thế địa phương, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và đã đạt được những kết quả nhất định.
Thương hiệu du lịch Ninh Bình ngày càng được khẳng định trên bản đồ du lịch quốc tế, luôn có mặt trong các bảng xếp hạng, bình chọn về điểm du lịch hấp dẫn do nhiều tổ chức quốc tế, hãng truyền thông, trang web uy tín trên thế giới bình chọn.
Năm 2023 là Điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới. Năm 2024, Ninh Bình đứng vị trí thứ 4 trong "Top 10 kỳ quan thế giới mới dành cho những người không thích đám đông”, Quần thể danh thắng Tràng An vinh dự được đề cử cho hạng mục “điểm đến tạo ảnh hưởng” của giải thưởng Kotler Award… Cùng với đó, Ninh Bình cũng có nhiều Di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng, nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ.
Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch của tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu của khách du lịch. Tính đến hết tháng 5/2025, toàn tỉnh Ninh Bình mới có hơn 1.500 cơ sở lưu trú du lịch với gần 20.000 phòng nghỉ; 75 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; hàng chục nghìn lao động đang trực tiếp và gián tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.
Năm 2024, Ninh Bình đón hơn 15 triệu lượt khách du lịch; trong đó, khách quốc tế đạt 1.651.380 lượt, khách nội địa 13.644.620 lượt; doanh thu du lịch năm 2024 đạt 13.392 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2025, Ninh Bình đã đón hơn 7,2 triệu lượt khách, đạt gần 80% so với kế hoạch cả năm. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt hơn 1 triệu lượt, lượng khách lưu trú đã đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ với gần 1,4 triệu lượt, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2024.
Với kết quả đạt được, ngành du lịch Ninh Bình đang tiến rất gần mục tiêu đề ra của năm 2025, tổng lượng khách đến 3 tỉnh ước đạt gần 20 triệu lượt, trong đó có hơn 2 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu đạt hơn 15.500 tỷ đồng. Mục tiêu giai đoạn 2025-2030, Ninh Bình phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam và khu vực. Với tiềm năng, lợi thế và tốc độ phát triển như hiện nay, Ninh Bình sẽ trở thành một động lực, cực tăng trưởng du lịch mới của cả nước trong tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh thời cơ, ngành du lịch tỉnh mới đang phải đối diện với nhiều thách thức: Sự khác biệt về sản phẩm du lịch và định hướng phát triển giữa ba địa phương cũ; hạ tầng giao thông liên kết còn chưa đồng bộ; việc xây dựng thương hiệu du lịch chung gặp khó khăn do bản sắc mỗi nơi có sự khác nhau; vấn đề bảo tồn di sản, môi trường trong khi lượng khách tăng nhanh; cơ chế tổ chức, vận hành sau sáp nhập còn cần thời gian hoàn thiện… và nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để có thể kích hoạt tiềm năng, tạo sự bứt phá.
Nhận thức rõ điều này, ngành du lịch Ninh Bình đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, đánh giá tiềm năng, hiện trạng của các điểm đến du lịch trong toàn tỉnh nhằm định hình các trục phát triển du lịch, xác định nhóm sản phẩm ưu tiên và gợi mở ra nhiều cơ hội liên kết vùng. Tổ chức Tọa đàm về định hướng, giải pháp phát triển du lịch trong không gian mới để tranh thủ sự tham gia đóng góp các ý tưởng của các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và đại diện các địa phương.
Thông qua đó, nhiều giải pháp cụ thể được đề xuất, trong đó nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc quy hoạch, tổ chức lại không gian phát triển du lịch mới, bảo đảm tính đồng bộ và kết nối tạo nên tam giác phát triển du lịch bổ trợ cho nhau; xây dựng thương hiệu du lịch chung mang tầm quốc gia và khu vực; nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ nhận diện đầy đủ tiềm năng du lịch của tỉnh Ninh Bình để từ đó có thể đầu tư xây dựng các chương trình tour, tuyến, sản phẩm du lịch chất lượng, có tính thống nhất, liên thông, kết nối, cộng hưởng sức mạnh của tỉnh để thu hút du khách.
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Về mục tiêu cụ thể, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tập trung phát triển 4 trục giá trị “cốt lõi”, gồm trục di sản văn hóa tôn giáo lịch sử; trục di sản thiên nhiên sinh thái bảo tồn; trục du lịch nông thôn cộng đồng ven biển; trục du lịch sáng tạo văn hóa đương đại công nghệ cao. Duy trì và nâng cao thương hiệu du lịch Ninh Bình gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Phấn đấu có từ 15-20 khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao; đến năm 2030 đón 25 triệu lượt khách, đạt doanh thu 25.700 tỷ đồng.