Quản chặt việc dạy thêm, học thêm
Cháu Nguyễn Tùng L. là học sinh tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ngay từ năm lớp 3, cháu đã đạt danh hiệu Trạng nguyên Tiếng Anh do báo Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức. Thấy con có năng khiếu, nên lên đến lớp 5 cháu được mẹ cho đi học thêm các môn Toán, Anh ở Trung tâm luyện thi vào các trường chất lượng cao
cấp II. Mọi chuyện khó khăn mà cháu vấp phải khi đi học ở lớp chính khóa bắt đầu từ đó. “Con tôi kể lại, các bạn trên lớp học thêm của cô chủ nhiệm, bài kiểm tra luôn được làm trước nên điểm rất cao. Con tôi ẩu, có lúc sai tính toán, điểm thường thấp hơn. Cứ tiết học Toán nào, cô cũng đưa con ra làm thí dụ về học chưa tốt khiến con bị áp lực, chán nản khi đến trường!”, mẹ cháu L. chia sẻ.
Trường hợp của cháu L. không còn là cá biệt! Thông tư 29 về quy định dạy thêm, học thêm có hiệu lực thi hành được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng này. Theo đó, đối với bậc tiểu học, không dạy thêm văn hóa, trừ dạy kỹ năng sống, thể thao, nghệ thuật. Đối với bậc THCS, THPT: Trong nhà trường chỉ dạy học sinh yếu, học sinh luyện thi học sinh giỏi, học sinh lớp cuối cấp nhưng không được thu tiền. Ngoài nhà trường, giáo viên muốn dạy thêm, phải đăng ký kinh doanh, giáo viên không được dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa dù ở nhà hay trung tâm.
Khi được hỏi, nhiều giáo viên đã đồng tình, một nền giáo dục không có dạy thêm, học thêm là niềm mơ ước của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, tại sao vẫn có dạy thêm, học thêm ở đất nước ta? Rất nhiều nguyên nhân đã được đưa ra như: Chính sách đãi ngộ cho nhà giáo chưa thỏa đáng, áp lực từ các kỳ thi, chương trình phổ thông đang quá tải hay kỳ vọng thành tích của nhà trường và phụ huynh... Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn, quy định về dạy thêm, học thêm đã được ban hành liệu có giảm bớt được tiêu cực hay không?
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời: “Giáo viên hưởng lương từ ngân sách, cơ sở vật chất của nhà nước, trách nhiệm để chúng ta giảng dạy rồi giáo dục học sinh của mình mà lại thu tiền là điều không đúng. Quan điểm của Bộ là không cấm hoạt động dạy thêm, học thêm, tuy nhiên phải có những quy định để chúng ta quản lý tốt việc này. Trước mắt, Bộ quy định thầy, cô giáo không được dạy thêm cho học sinh mình đã trực tiếp đứng lớp mà hãy mang hết tinh thần, trách nhiệm để dạy thật tâm huyết cho buổi chính khóa. Còn các học sinh vẫn có quyền lựa chọn nhiều thầy cô khác để có thể dạy thêm, học thêm theo đúng quy định”.
Giải pháp nào hợp lý cho chương trình học?
Nhiều ý kiến cho rằng, áp lực của các kỳ thi là lý do cơ bản dẫn đến việc nhà nhà, người người đua nhau học thêm. Chị Nguyễn Thu H. có con học lớp 6 Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) phản ánh: “Để con có thể làm tốt đề thi chọn vào các trường THCS chất lượng cao của Hà Nội thì học sinh tiểu học phải học thêm từ lớp 4, thậm chí có gia đình cho con học từ lớp 3. Bởi lẽ, tỷ lệ chọi vào các trường này rất cao và đề thi lại khó, nằm ngoài chương trình tiểu học trên lớp”.
Tại Hà Nội, để thi vào trường THPT công lập, có khu vực, các em phải “chọi” 5-7 học sinh mới đỗ. Do vậy, kiến thức cơ bản trên lớp chưa đáp ứng được mà cần phải ôn luyện thêm kiến thức nâng cao. Rồi đến năm lớp 11-12, học sinh vừa học trên lớp, vừa lo ôn thi các chứng chỉ quốc tế (SAT, IELTS), tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Mỗi kỳ thi đều có những dạng đề đặc thù, nếu không học thêm thì học sinh khó có “tấm vé” vào các trường đại học tốt.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo THPT năm 2025. Đề Ngữ văn mới không còn kiểu cứ học thuộc kiến thức trong sách giáo khoa là ăn chắc điểm mà học sinh phải mở rộng bằng cách đọc thêm sách báo, cập nhật các vấn đề thời sự, vấn đề nóng của giới trẻ, xã hội. Nhiều phụ huynh và cả giáo viên cho rằng, với dạng đề này, học sinh lại phải “nhờ” đến các thầy, cô dạy thêm để cập nhật kiến thức xã hội và cách thể hiện đề văn mới.
Bộ GD&ĐT khẳng định, chương trình học hiện nay là hợp lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với lượng kiến thức phục vụ cho các kỳ thi quan trọng thì học trên lớp vẫn chưa đủ. Chính vì vậy, dù đã nhiều lần cấm nhưng dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại, cần tìm một giải pháp phù hợp để quản lý.
“Chúng ta phải tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, cuối khóa, làm sao để học sinh bảo đảm kiến thức, không có những câu hỏi đánh đố khiến học sinh phải đi học thêm thì mới làm được”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị.