Gian nan cuộc chiến bảo vệ rừng ở Lâm Đồng

Lâm Đồng hiện có 539.403ha đất rừng, tỷ lệ che phủ đạt 55%, cao hơn bình quân của cả nước. Tuy nhiên, với 60% tổng diện tích đất tự nhiên được quy hoạch làm đất sản xuất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn rộng lớn khiến công tác bảo vệ rừng vẫn luôn là một cuộc chiến gian nan ở mảnh đất cao nguyên này.
0:00 / 0:00
0:00
Khu đất rừng ở xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm bị gia đình ông Nguyễn Đức Dạo lấn chiếm.
Khu đất rừng ở xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm bị gia đình ông Nguyễn Đức Dạo lấn chiếm.

Kỳ 1: Những khoảnh rừng bị đốn hạ

Hàng trăm ha rừng thông bị xẻ thịt, chia phần, trở thành các vườn cây công nghiệp, cây ăn quả của cá nhân; nhiều cây rừng bị chặt hạ để chiếm đất; nhiều diện tích nhà màng, nhà kính vẫn tồn tại nhiều năm trên đất lâm nghiệp… Một vài lát cắt được phóng viên Thời Nay ghi nhận trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho thấy, đâu đó vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý dẫn đến nhiều vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp chưa được xử lý dứt điểm.

Ngang nhiên phá rừng

Đi sâu vào những cánh rừng ở xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm), phóng viên dễ dàng tìm thấy những dấu vết chặt hạ, “bức tử” cây thông. Một số khoảnh đất rừng sau đó nhanh chóng được thay thế bằng vườn cây ăn quả, thậm chí cả nhà vườn, trang trại, ao cá… của một số cá nhân. Nhiều năm qua, khu vực này là điểm nóng về tình trạng phá rừng để lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Dù không có giấy tờ chứng minh được Nhà nước giao quản lý nhưng gần chục năm nay, hộ gia đình ông Phạm Tấn Hùng, người dân thôn 4, xã Lộc Phú vẫn ngang nhiên khai thác đất rừng. Đáng chú ý, khu đất bị ông Hùng lấn chiếm đến nay vẫn chưa bị chính quyền địa phương đưa vào danh sách buộc yêu cầu tháo dỡ. Lý giải cho hành vi của mình, ông Hùng cho biết: Trước đây đất này chỉ trồng cây tạp nên tôi trồng xen vào đó

cà-phê và một số cây ăn quả… Mãi đến năm 2013 tôi mới đào thêm ao để tưới tiêu cho vườn, kết hợp nuôi cá. Còn chuồng trại phía sau thì mới được cơi nới xây thêm thôi!

Cách đó không xa, nằm giữa rừng cộng đồng xã Lộc Phú là ngôi nhà và trang trại của gia đình ông Nguyễn Đức Dạo đã được dựng hàng rào lưới kiên cố. Đi sâu vào bên trong, phóng viên phát hiện hàng loạt gốc thông bị chặt hạ hoặc đang chết từ từ do bị xiết thân, đốt cháy... Cá biệt, vào chiều 8/7/2022, ông Lê Văn Ba (người dân thôn 4) phát hiện nhiều cây thông tại khu đất gia đình ông Nguyễn Đức Dạo lấn chiếm bị đốn hạ nên đã trình báo Ủy ban nhân dân (UBND) xã Lộc Phú và Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm. Trong quá trình ghi hình làm bằng chứng, ông Ba đã bị hành hung gây thương tích 12%. Kiểm tra hiện trường vụ việc, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm xác định có tám cây thông ba lá khá lớn đã bị cưa hạ, cắt khúc, để lại tại hiện trường 60 lóng gỗ. Ngoài ra, còn có 20 cây thông đã bị ken gốc, trong đó nhiều cây đã chết khô.

“Năm 2019, khu đất này đã bị thu hồi và giao lại cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà sau đó gia đình ông Dạo vẫn ngang nhiên làm nhà, dựng hàng rào lưới kiên cố, chặt phá rừng thông để lấn chiếm đất? Tất cả những việc làm đó tôi đều có hình ảnh, video làm bằng chứng nhưng việc xử lý kéo dài quá lâu?”- ông Lê Văn Ba đặt câu hỏi.

Theo quyết định ngày 25/9/2013 của UBND huyện Bảo Lâm về việc Phê duyệt Phương án giao 231,22ha với 204,56ha đất có rừng cho nhóm cộng đồng hộ dân thôn 4, xã Lộc Phú quy định: Cộng đồng nhóm hộ thôn 4 có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn để quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng đúng mục đích. Tuy nhiên, ông Bùi Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Phú cho biết: Trong quá trình thực hiện quản lý, người dân tự phát trồng cây, chiếm đất, phá hoại rừng khiến UBND huyện Bảo Lâm buộc phải ra quyết định thu hồi và giao lại cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri. Cơi nới, xây dựng trên đất lâm nghiệp là sai, vì vậy sau kết luận thanh tra năm 2019, chúng tôi đã thu hồi, chỉ còn tồn tại một số hộ dân vẫn ở lại trên đất rừng.

Bảo Lâm là một trong những huyện có diện tích rừng lớn của tỉnh Lâm Đồng, với 82.000ha đất rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp nằm rải rác ở 10/14 đơn vị hành chính cấp xã, giáp ranh với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt trong số đó có nhiều diện tích đất rừng nằm xen kẹt với đất nông nghiệp của người dân dẫn đến các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp khó được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý quyết liệt.

Ông Trương Hoàng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Sắp tới UBND huyện sẽ cho ngành chức năng rà soát các vụ việc trên địa bàn để xử lý đúng người, đúng tội. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri thực hiện xong việc giải tỏa cây trồng, vật kiến trúc để trồng lại rừng tại tiểu khu 438A và tiểu khu 439, xã Lộc Phú... Ngoài ra, chúng tôi cũng có văn bản đề nghị Công an huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động nắm bắt tình hình, có kế hoạch, biện pháp để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật đối với những hành vi phá rừng, hủy hoại rừng, chuyển nhượng đất rừng đối với khu vực trên.

Lấn chiếm đất lâm nghiệp

Tại phường 12, thành phố Đà Lạt - khoảng 43.000m2 diện tích nhà màng, nhà kính nằm trên đất nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác cưỡng chế tháo dỡ. Ông Võ Văn Sang, Chủ tịch UBND phường 12, TP Đà Lạt cho biết: Nhiều diện tích nhà kính buộc phải tháo dỡ được bà con đã khai phá sản xuất từ lâu. Cá biệt với những diện tích đã canh tác ổn định trước năm 1993, tạm thời chúng tôi chưa xử lý mà đang tiếp tục từng bước vận động bà con nông dân trồng xen các loại cây đa mục đích để tăng che phủ, giảm ảnh hưởng của nhà kính.

Chia sẻ về những bất cập tồn tại trong công tác bảo vệ rừng, ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thừa nhận thực trạng thời gian qua, nhiều vụ phá rừng đã không được phát hiện kịp thời, đặc biệt là có những vụ việc phức tạp kéo dài, chưa được xử lý triệt để.

Theo thống kê từ các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 208 dự án vi phạm để xảy ra tình trạng mất rừng, đồng thời phát hiện, lập hồ sơ 3.019 vụ chặt phá rừng gây thiệt hại 13.175m3 gỗ trên diện tích 231ha. Đáng chú ý, trong số này, mới chỉ xác định được đối tượng vi phạm ở 1.636 vụ việc, chiếm 46%. Cũng trong thời gian trên, tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, lập hồ sơ 1.844 vụ vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 521,765ha. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, số vụ vi phạm là 214 vụ, trong đó có tới 58 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm, 20 vụ chuyển xử lý hình sự, tịch thu 306m3 gỗ.

“Tổng diện tích nhà kính, nhà lưới trên địa bàn toàn tỉnh cần giải tỏa, tháo dỡ là 118,244ha. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang lúng túng trong việc xử lý diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp từ tháng 10/1993 trở về trước do hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Trong khi đó, theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì xử lý đất lâm nghiệp thuộc ngành tài nguyên và môi trường, còn theo Nghị định 35, những diện tích khoanh nuôi, tái sinh mới do lực lượng kiểm lâm chúng tôi xử lý”, ông Tuyên cho biết.

Lâm Đồng hiện có 596.642ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên những năm qua, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng diễn ra tương đối phức tạp. Tại Nghị quyết số 10 - NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 có nhấn mạnh đến nguyên nhân về nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng chưa được sâu sát. Thực tế đó dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước trong việc bảo vệ rừng ở một số địa phương chưa cao, có nơi, có lúc còn buông lỏng. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng với chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng chưa chặt chẽ. Đặc biệt, việc điều tra, xử lý vi phạm, giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm còn thiếu kiên quyết… Đây là những bất cập cần các ngành chức năng và UBND tỉnh Lâm Đồng sớm có những giải pháp quyết liệt để giải quyết.

(Còn nữa)