Đại tá Nguyễn Xuân Thơm, nguyên Thuyền trưởng tàu 673 - một trong ba con tàu chở lực lượng đặc công giải phóng Trường Sa năm 1975 - là người có mặt trong cả hai lần đi trinh sát Trường Sa những năm 70. Đó là nhiệm vụ trinh sát tạo tiền đề cho những cuộc hành quân thắng lợi trên biển sau này.
“Chiến tranh mà, nhận nhiệm vụ là phải quyết tâm làm cho tới cùng”, ông Thơm chia sẻ về tinh thần của những người lính thời đó.
Chuyến đi đầu tiên
Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP, thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, có nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền nam bằng đường biển. Đây được xem như ngày mở đầu của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, ngày mở đầu cho những chiếc tàu không số chi viện miền nam.
Về tuyến đường đi của các con tàu này, trong cuốn Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng (*), Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ta đã sử dụng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa làm nơi tạm dừng trên “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”, dựa vào chướng ngại thiên nhiên là các bãi san hô ngầm dưới nước”. Để hành trình thuận lợi, việc trinh sát Trường Sa càng được đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhiệm vụ trinh sát Trường Sa khi đó được giao cho tàu C121, Đoàn 125 (tiền thân của Lữ đoàn 125,
Vùng 2 Hải quân). Thời điểm ấy, Thiếu úy Nguyễn Xuân Thơm mới được thăng quân hàm, vừa nhận vai trò Thuyền trưởng. Chuyến trinh sát đầu tiên, do tính chất quan trọng của nó, nên Đại úy Trần Phấn, Trưởng ban Tác chiến Đoàn 125, một người nhiều kinh nghiệm thiên văn, được điều về tăng cường làm Thuyền trưởng chính.
Việc tiến hành trinh sát các đảo Trường Sa từ sớm không đơn giản chỉ để nắm tình hình. “Nhằm tìm cách duy trì nhiệm vụ tiếp tục đưa vũ khí vào chiến trường bằng đường biển trong tình hình mới, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát có ý định sẽ sử dụng một số đảo ngoài khơi làm vị trí trung chuyển. Một trong những đảo nằm trong ý đồ chiến lược của ông là quần đảo Trường Sa” (Huyền thoại “tàu không số”, Đình Kính, NXB Chính trị Quốc gia, 2018).
Khi bắt đầu mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, ông Hai Địa Bông Văn Dĩa đã làm nên lịch sử với một chiếc ghe đi từ nam ra bắc, Bác Hồ đã khen ngợi “Đi biển kiểu ấy thì xưa nay chỉ có Christophe Colombo và chú!” (**). Còn trong những chuyến trinh sát biển sau này, những người lính cũng “mò đường” không khác Christophe là bao.
Với điều kiện thô sơ, không thiết bị định vị, con đường trên biển hoàn toàn được mở từ kinh nghiệm thiên văn, dựa vào phán đoán, dựa vào trăng sao mà tiến. Tàu C121 với 20 thủy thủ rời vịnh Hạ Long vào tháng 6/1970, theo hướng đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi định hướng về Song Tử Tây. Qua một ngày hai đêm, tàu bắt đầu trinh sát đảo đầu tiên là Song Tử Tây, dự tính sẽ tiếp tục tới Nam Yết và Sinh Tồn. Khi đó, cả 3 đảo này đều chưa có dấu hiệu của quân Việt Nam Cộng hòa. “Hôm chúng tôi đổ bộ lên đảo Song Tử Tây thì trời đã tối, tàu neo lại nghỉ qua đêm”, ông Thơm nhớ lại. Nửa đêm gió đông nam thổi mạnh, tàu bị dạt quay mũi ra ngoài, lái hướng vào bờ. Đến khi nước rút thì đuôi tàu mắc cạn, cộng thêm sóng mạnh khiến bộ phận lái bị hư hỏng nặng. Đội ngũ chỉ huy tàu đã bàn bạc và nhận định tàu không thể tiếp tục hành trình an toàn. Ngay sau đó, ông Trần Phấn báo cáo về bờ, cho tàu quay về để sửa chữa.
Nhờ chuyến trinh sát này, khi tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa vào năm 1975, ông Nguyễn Xuân Thơm đã có sự am hiểu sâu sắc về địa hình, điều kiện tự nhiên của khu vực. “Tôi biết rõ nhiều đảo Trường Sa trước năm 1975”, ông Thơm chia sẻ. “Khi nhận lệnh, tôi thấy rất tự tin. Vì tôi đã từng đi, tôi biết từng viên đá ngoài đó”, ông Thơm nhớ lại thời điểm được giao nhiệm vụ phải tiếp cận được Song Tử Tây trước ngày 14/4. Lúc đó, tinh thần giải phóng Trường Sa là: “Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây, tình hình sẽ rất phức tạp… Trên mặt trận Biển Đông, hành động cũng phải Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (***).
Ngày 13/4/1975, 5 giờ sáng, tàu 673 đã có mặt khu vực biển Song Tử Tây. Nhớ lại kinh nghiệm xương máu lần trinh sát năm 1970, nhìn hướng gió, ông đã chọn phương án đổ bộ từ hướng đông nam, tận dụng sức gió từ phía đông nam để xuồng cao su chở lính đặc công áp sát đảo. Ngày 14/4/1975, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải phóng đảo Song Tử Tây đúng như kế hoạch.
![]() |
Lần đầu đến Phan Vinh
Tới năm 1971, ông Nguyễn Xuân Thơm lại tiếp tục có mặt trên con tàu đi trinh sát Trường Sa lần 2. Trong chuyến này, ông Võ Hán, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 146 là cố vấn cho tàu.
Lần này, vấn đề không đến từ bánh lái mà do máy liên lạc không hoạt động. Khi ấy, tàu xong nhiệm vụ trinh sát ở Sơn Ca, đang thẳng tiến tới An Bang thì máy xảy ra sự cố. Việc hỏng máy liên lạc, thiết bị sống còn, lại đẩy những người lính vào tình thế cam go. Giữa lúc đang hoang mang thì tàu phát hiện ra một đảo nhỏ nằm giữa biển. Ông Thơm quyết định cho tàu ghé đảo để dựng ăng-ten liên lạc. “Chúng tôi vào đảo, dựng cột tre căng ăng-ten, rồi dùng máy quay tay để phát tín hiệu về nhà. May là liên lạc được, chúng tôi báo cáo tình hình rồi xuống tàu tiếp tục hành trình”, ông Thơm kể. Hòn đảo giống như một ốc đảo hiện lên giữa biển khơi kịp thời, làm cầu nối về đất liền cho những người thủy thủ. Mãi tới khi trở về, họ mới biết đó là vị trí đảo Hòn Sập.
Theo như ông Nguyễn Xuân Thơm, từ năm 1971, trong hành trình trinh sát Trường Sa, Hòn Sập đã là một điểm kết nối của nhiều hành trình tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Với tàu C121 ngày hôm đó, Hòn Sập giống như một tín hiệu tốt lành, để họ hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 1978, Hòn Sập được đổi tên thành Phan Vinh, để tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh - cái tên huyền thoại gắn với đoàn tàu không số và con đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày 1/3/1968, Thuyền trưởng tàu C235 Nguyễn Phan Vinh đã anh dũng hy sinh trên vùng biển Hòn Hèo (Khánh Hòa), sau khi bị địch phát hiện.
Hành trình tiếp theo trong chuyến trinh sát lần thứ 2 của tàu C121 là tới An Bang. Theo trí nhớ của ông Thơm, đó là đảo gian nan nhất, cả lúc lên đảo và xuống tàu. An Bang có vị trí khá đặc biệt, có một hàng rào đá san hô dựng quanh đảo, như một bức tường tự nhiên. Sau này, đảo lò vôi An Bang trở thành một điểm đến khó quên của những người tới đảo. Bởi xuồng có động cơ không thể tiếp cận đảo. Cách duy nhất là để xuồng máy chạy vào mép xanh (bãi san hô), sau đó chuyển qua xuồng không động cơ để bộ đội lội nước kéo dây đưa người và hàng lên đảo an toàn.
Đó là chuyện sau này, khi địa hình An Bang đã được Hải quân nhân dân Việt Nam quen thuộc. Còn năm 1971, lần đầu đến An Bang, tàu C121 mất rất nhiều thời gian vẫn chưa thể neo vì vướng hàng rào đá san hô. Với quyết tâm phải nắm được địa hình đảo, tàu C121 cố gắng áp sát, thả neo sát đá. Tới khi lên được đảo, ông Nguyễn Xuân Thơm kể, ông đã bỏ qua bước xin ý kiến cấp trên để chôn một lá cờ Việt Nam ngay giữa hòn đảo: “Tôi muốn xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hòn đảo này”. Nói cắm cờ thì nhẹ nhàng thế, nhưng sau khi rút về tàu, thì con tàu không thể nhổ neo được do neo mắc kẹt dưới đá. Đài liên lạc đang báo sắp có một cơn bão cấp 12 kéo đến, không thể trì hoãn giờ khởi hành thêm được nữa. Ông Thơm đưa ra quyết định táo bạo: Bỏ luôn cả dây neo và neo, tháo ma ní (chốt nối) để tàu thoát ra. “Đúng là bão đổ bộ, đuổi sát sau lưng. Tôi phải lái tàu chạy về phía Hoàng Sa tránh bão”, ông Thơm nhớ lại tình thế nguy hiểm. Tàu sau đó tránh bão số 12 tại khu vực đảo Tuyên Đức của quần đảo Hoàng Sa.
Những chuyến trinh sát đầy gian nan này không chỉ hỗ trợ cho tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển thời điểm đó, mà còn đặt nền móng quan trọng cho sự hiểu biết và kiểm soát vùng biển Trường Sa của quân đội ta trong những năm sau đó. Ngoài Song Tử Tây, Đại tá Nguyễn Xuân Thơm cũng đảm trách chỉ huy tàu đưa quân đổ bộ giải phóng đảo Nam Yết và đảo Trường Sa tháng 4/1975. “Ngày 7/5, tàu về tới Sài Gòn tôi mới đọc báo Quân đội nhân dân thấy có tên tôi và tin về giải phóng Trường Sa. Lúc đó tôi vui lắm. Mình tự hào, mình mừng vì mình góp phần vào cuộc giải phóng của đất nước,” ông Thơm xúc động kể lại.
Sau năm 1975, Đại tá Nguyễn Xuân Thơm tiếp tục được giao nhiệm vụ mới: Đưa lực lượng của Lữ đoàn 126 hành quân lên tuyến biên giới Tân Châu - Hồng Ngự (biên giới Campuchia), nơi Khmer Đỏ đang gây hấn. Trong thời gian tham gia Chiến dịch biên giới Tây Nam, gia đình tưởng ông đã hy sinh: “Gia đình tôi lập bàn thờ cho tôi. Đến khi tôi về mới gỡ bàn thờ xuống”.
(*)(**)(***) Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Phạm Chí Nhân thể hiện, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021).