Giữ nghề làm khèn như giữ hơi thở

Trong gian nhà bằng gỗ pơ mu giữa thôn Tả Cồ Ván (xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang), tiếng khèn H’Mông của nghệ nhân Mua Sính Pó lại vang lên như gọi cả núi rừng thức giấc. Ở tuổi 75, bàn tay ông vẫn rắn rỏi giữ nhịp dao, gọt những ống trúc già thành từng thanh âm của núi, âm sắc của bản làng. Bên bếp lửa đỏ, ông khẽ lầm rầm câu nói bằng tiếng của dân tộc mình, âm thanh trầm khan như phát ra từ đá: “Cây khèn là máu thịt, là cuộc đời người H’Mông”.
0:00 / 0:00
0:00
Nghe kể chuyện khèn bên bếp lửa.
Nghe kể chuyện khèn bên bếp lửa.

Giữa những sườn đá tai mèo xám lạnh và lớp mây trắng bảng lảng trôi ngang trời Hố Quáng Phìn (huyện Đồng Văn, Hà Giang), tiếng khèn H’Mông vẫn vọng lên - khi rộn rã như suối chảy, lúc trầm sâu như tiếng núi vọng về. Trong âm thanh ấy là linh hồn của người H’Mông - những con người bền bỉ sống trên đá, dựng bản dưới trời cao, nỗ lực gìn giữ bản sắc của mình.

Một thời khèn làm xong gác vào xó bếp

Nghệ nhân Mua Sính Pó (sinh năm 1950) cùng nhiều nghệ nhân khác như ông Giàng Dũng Sò (sinh năm 1951), ông Lầu Sính Dia (sinh năm 1959) là những người cao tuổi nhất ở xã Hố Quáng Phìn hiện giờ còn đang giữ nghề chế tác khèn H’Mông. Từ khi 12 - 13 tuổi, những “trai H’Mông” trẻ đã được cha truyền cho bộ dao, cái đục và bí quyết chọn trúc, nghe âm, gắn đồng. Cây khèn H’Mông nhìn đơn sơ chỉ làm từ mấy thanh trúc già, gỗ thông đá, lưỡi đồng đỏ, nhưng để thành hình phải qua hàng chục công đoạn. “Khèn đúng chất là phải trầm như đá, réo rắt như gió, ngân như núi vọng. Làm không khéo, khèn chỉ còn là đồ trang trí, treo trên tường cho đẹp”, ông Mua Sính Pó nói rồi đưa khèn lên thử tiếng.

Cây khèn đi theo người H’Mông từ khi lọt lòng đến lúc về với tổ tiên. Vì thế, đàn ông H’Mông từ nhỏ đã phải biết thổi khèn, múa khèn. Nhưng để làm ra một cây khèn hay thì không phải ai cũng làm được. Ông Pó chậm rãi kể: “Có một thời, tiếng khèn thưa vắng. Trai trẻ không mặn mà với việc học múa, học thổi. Người ta cũng không mua khèn nhiều như trước. Nhiều người trong bản gác dao, bỏ đục”.

Nghề làm khèn mai một vào giai đoạn 2010 - 2015, khi làn sóng đô thị hóa cùng cuộc mưu sinh khắc nghiệt đẩy lớp trẻ rời bản, còn những đôi tay tạc khèn gạo cội thì dần xế bóng. Làng nghề xuống dốc nhưng chưa kịp có cơ chế bảo tồn bài bản, lâu dài. Hệ quả là số lượng người biết làm khèn giảm sút báo động, có thời điểm cả làng chỉ còn 2, 3 người lay lay lắt giữ nghề.

Chủ tịch UBND xã Hố Quáng Phìn, anh Vàng Mí Và, chia sẻ: “Sự mai một của nghề bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Ngoài việc đầu ra chững lại, thì nguyên liệu làm khèn là trúc, gỗ thông cũng là vấn đề lớn. Chúng tôi phải mua nguyên liệu tỉnh khác về, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi đó, giá bán mỗi cây khèn chỉ từ 400.000 đến 500.000 đồng, quá thấp so với công sức và thời gian bỏ ra, khiến nhiều người không thể duy trì nghề”. Từng là niềm tự hào, nhưng khi ấy nghề làm khèn không còn là chỗ dựa về kinh tế cho bà con nữa.

Bắt đá cất lời khèn

Trong quãng thời gian khó khăn đó, những nghệ nhân lớn tuổi như ông Mua Sính Pó, ông Giàng Dũng Sò, ông Lầu Sính Dia cùng một số nghệ nhân khác vẫn bền bỉ làm khèn. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, nhiều hộ dân đã tự khai hoang, cải tạo đất trên những triền núi đá để trồng trúc. Nghệ nhân Giàng Dũng Sò cho biết: “Cây trúc ở cao nguyên đá tuy chậm lớn hơn những vùng khác nhưng thân dày chắc, rất hợp để làm khèn. Có trúc mới làm được khèn”.

Ông Lầu Sính Dia thì tâm niệm: “Làm khèn ngoài việc để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình thì còn để cho thế hệ trẻ người H’Mông biết mình là ai”. Mỗi chiều, tiếng khèn vẫn vang lên từ nhà ông Pó, ông Sò, ông Dia. Lũ trẻ ngồi vây quanh, học thổi từng làn hơi đầu tiên. Sau đó tập cầm dao, cầm đục làm ra những chiếc khèn cho chính mình. “Dạy cho tụi nhỏ làm được một cây khèn không dễ. Nhưng dạy chúng yêu khèn, hiểu vì sao phải giữ, thì mới lâu bền. Tôi không lấy tiền, chỉ cần chúng nó đừng quên”, ông Dia nói.

Đầu ra sản phẩm từng là nút thắt khiến nhiều hộ làm khèn chùn bước. Để tháo gỡ, nhiều người liên kết thành các nhóm thợ, cùng nhau chia sẻ kỹ thuật, mang sản phẩm xuống chợ phiên giới thiệu, kết nối thị trường. Năm 2014, thôn Tả Cồ Ván được công nhận là làng nghề truyền thống chế tác khèn H’Mông - dấu mốc mở ra hướng đi mới. Các chính sách hỗ trợ từ tỉnh và xã dần được triển khai như: Cung cấp dụng cụ, vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật, xúc tiến quảng bá.

Làng nghề khởi sắc. Các thế hệ thợ trẻ dần trưởng thành. Mua Mí Nô (sinh năm 2000), là một trong những thợ trẻ làm việc chăm chỉ. Có tháng Nô làm được 10 - 12 cây khèn, thu nhập gần 30 triệu đồng - con số từng là giấc mơ ở mảnh đất quanh năm nghèo khó.

Khèn H’Mông từ làng bản ra thế giới

Không chỉ hồi sinh trong cộng đồng, khèn H’Mông đang từng bước vượt ra khỏi bản làng, bước vào đời sống hiện đại. Để phát huy tốt danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu do UNESCO công nhận vào năm 2010, tỉnh Hà Giang đã chú trọng phát triển du lịch gắn liền với văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa H’Mông và cây khèn.

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: “Tiếng khèn giờ đây đã trở thành một điểm nhấn đặc sắc tại các lễ hội truyền thống của người H’Mông, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước”. Các tour du lịch trải nghiệm được đưa vào khai thác, mang đến cho du khách cơ hội tự tay học làm khèn, lắng nghe những màn trình diễn khèn độc đáo. Sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và du lịch đã tạo nên một sức hút mạnh mẽ cho du lịch Hà Giang.

Giờ đây, về Hố Quáng Phìn, không khó để bắt gặp hình ảnh những người đàn ông H’Mông vui vẻ chế tác khèn. Âm thanh làng nghề rộn rã trở lại, đưa cây khèn đi đến khắp các miền núi cao có người H’Mông sinh sống. Khèn không còn là vật trưng bày. Nó là niềm tự hào, là tài sản tinh thần và sinh kế của người H’Mông. Sự hồi sinh của làng nghề không chỉ là kết quả từ quyết tâm bám nghề của người H’Mông, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của cộng đồng trong công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tỉnh Hà Giang đã triển khai Đề án 09-ĐA/TU năm 2017 về bảo tồn văn hóa H’Mông đến năm 2030. Đặc biệt, năm 2024, xã Hố Quáng Phìn bắt đầu thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng làng nghề khèn H’Mông”, tập trung vào truyền dạy, quảng bá và gắn làng nghề với du lịch cộng đồng.

Hiện toàn xã Hố Quáng Phìn có 37 hộ thường xuyên làm khèn, mỗi tháng làm hơn 300 cây, giá bán từ 800 nghìn đồng đến 4,5 triệu đồng/cây. Sau khi trừ chi phí, nghề khèn mang lại hơn 455 triệu đồng doanh thu mỗi tháng - một con số không nhỏ với vùng đất từng đói nghèo quanh năm.