Việt Nam đang có chiến lược phát triển bền vững ngành cà-phê, tập trung vào việc duy trì chất lượng hơn là mở rộng diện tích. Chính phủ cũng khuyến khích các hộ trồng cà-phê xen canh với các cây khác để cải thiện thu nhập và duy trì cân bằng hệ sinh thái.
Rừng mất, đất không khỏe
Vào tháng 3, ngồi uống cà-phê ở thành phố Kon Tum sẽ được “thưởng thức” khói phá rừng, đốt rẫy mờ mịt tầng mây. “Với lượng nước chủ yếu đến từ mưa, sự mất đi của rừng, Tây Nguyên không thể giữ nước cho mùa khô. Các con sông, hồ chứa nước cạn kiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp”, kỹ sư thủy lợi Phan Đình Tấn, một người từng làm công tác thủy lợi tại tỉnh Đắk Nông, cho hay.
Được đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà-phê, cái giá phải trả cho chỗ đứng này cũng vô cùng khốc liệt. Cô Hà Thị Phương, giáo viên môn Địa lý, Trường PTTH Nông Cống 1 (Nông Cống, Thanh Hóa), kể rằng: “Năm 1991, tôi dạy học sinh rằng, Tây Nguyên còn nhiều rừng. Nhưng, năm vừa qua, lên Tây Nguyên và đi chơi nhiều nơi, tôi thấy rằng nhận định này đã cũ”. Giải thích về lời giảng của mình năm xưa, cô Phương cho hay: “Khi còn là sinh viên, chúng tôi được đi thực tế Tây Nguyên, thấy rừng Tây Nguyên trù phú. Bây giờ đi từ Kon Tum về Pleiku, những cánh rừng từng thấy đã thành những ngọn núi cao trơ trọi”.
Đi trong mùa khô Tây Nguyên nhiều lần nhưng lần nào cũng vậy, tôi chưa ra khỏi cảm xúc của một nhà văn từng viết “nắng xanh, gió đỏ”! Đó là cái nắng rất nhẹ, không gay gắt như nắng miền trung, miền bắc và gió qua triền đất bazan vởn lên trong mắt mầu đỏ, bụi đất bám vào quần áo nhuốm mầu đỏ chăng? Lấy rừng để trồng cà-phê, nhưng cuối cùng cà-phê lại hứng chịu hậu quả từ phá rừng.
“Hạn hán làm suy yếu cây trồng. Thiếu nước khiến cây cà-phê quay quắt, tỷ lệ đậu quả thấp. Hoa và quả non dễ bị rụng khi gặp thời tiết khô hạn kéo dài và giảm chất lượng của hạt cà-phê”, kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Tuyền, Công ty Nông nghiệp Ứng dụng Bảo Lộc (Lâm Đồng), cho biết.
Có sinh kế của gia đình gắn chặt với cây cà-phê, anh Cao Văn Đoàn, thôn 7, xã Ia Tơi (Ia H’Drai, Kon Tum), chia sẻ: “Khô hạn khiến rệp sáp hoành hành cây cà-phê. Rệp hút chất dinh dưỡng từ cây, làm suy yếu cây và lây lan các bệnh hại khác”.
Mất rừng dẫn đến tình trạng nhiều vùng trên Tây Nguyên bị ảnh hưởng “hoang mạc hóa” đất trồng. Đất không khỏe, cây nông nghiệp cũng không được khỏe.
![]() |
Mô hình độc canh vẫn khá phổ biến ở Tây Nguyên. |
Trên đồi cà-phê thời Pháp
Những đồn điền cà-phê ở Thanh Hóa trước đây có khá nhiều và trồng theo mạch đất đỏ bazan. Chỗ nào có đất đỏ, chỗ đó có đồn điền. Sau này, những đồn điền này chuyển đổi thành những nông trường trồng chè búp. Rồi chuyển thành những đồi sắn, bạch đàn, mía và bây giờ là đồi keo! Những đồi cà-phê ngày xưa ấy không có cơ hội trở lại, cho dù giá cà-phê có tăng cao. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những sườn đồi đất đỏ bazan trồng cà-phê thuộc xã Hải Vân (huyện Như Thanh, Thanh Hóa). Những năm 80 thế kỷ trước, sau chiến tranh, mọi thứ còn hoang sơ. Lũ trẻ chúng tôi chân đất, quần áo lấm lem, chăn trâu trên đồi đất đỏ bazan.
Trên những sườn đồi ấy, còn sót lại những lô cà-phê của các chủ đồn điền thời Pháp thuộc. Cây cà-phê cao gấp đôi người lớn, thường gọi là cà-phê mít, lá xanh thẫm, quả chín đỏ au, rụng đầy gốc. Điều khiến chúng tôi tò mò là những hố sâu nằm rải rác trên khắp các lô cà-phê.
Tôi nhớ rõ trên đỉnh đồi còn một hố sâu khá nguyên vẹn, chung quanh là những bụi hoa mẫu đơn chen lẫn bụi sim, có lẽ cái hố này không bị đất bồi, sạt lở, bởi nó nằm ở vị trí cao nhất của quả đồi. Hố có kích thước khá lớn, sâu khoảng 1,5 m, dài khoảng 2 m và rộng khoảng 1 m. Và trên sườn đồi, nhiều dấu vết hố đào là phần lõm xuống, cỏ dại bao phủ. Ông Đào Xuân Lộc, từng là công nhân đồn điền, nay thường trú tại xã Xuân Quỳ, huyện Như Xuân, giải thích: “Đây là một kỹ thuật canh tác khá phổ biến trong các đồn điền thời Pháp. Họ làm vậy, họ đào hố giúp cải thiện không khí vào đất, tăng khả năng thấm nước, giữ nước và dinh dưỡng khi mưa lớn nước trôi, tạo môi trường thuận lợi cho cây trồng phát triển”.
Đó là kỹ thuật canh tác cà-phê của người Pháp mà nay, tôi không còn nhìn thấy ở những vùng trồng cà-phê trên đất Tây Nguyên.
Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức: Thời tiết khắc nghiệt, giá cả thị trường không ổn định, đất đai thoái hóa và nguy cơ cao về xói mòn, sạt lở đất do chịu tác động của biến đổi khí hậu. Để giải quyết những khó khăn ấy, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chuyển đổi từ canh tác độc canh sang mô hình nông - lâm kết hợp với các loài cây thân gỗ bản địa như lát hoa, bồ kết, bồ hòn, muồng đen, cà-phê mít… Những tán cây che bóng không chỉ bảo vệ đất, giảm xói mòn mà còn cải thiện chất lượng hạt cà-phê, duy trì năng suất ổn định, nâng giá trị thương hiệu, đồng thời giúp người dân tăng thu nhập và tham gia vào chuỗi liên kết thị trường bền vững.
Những năm 90, nhiều người quê tôi đã bán rẻ nhà cửa, đất đai vào Tây Nguyên phát rẫy trồng cà-phê. Nhiều lần, vào Tây Nguyên, gặp người quê hỏi họ sao không về quê, cũng có đất đỏ, có thể trồng cà-phê? Họ lắc đầu cho rằng, đất ở quê đã cũ (tức là đã bị khai thác trồng trọt hơn 100 năm trước), thứ nữa là không có thị trường thu mua. Nhưng bây giờ, các tiểu thương lại không nghĩ vậy. Chị Cao Thị Sen, một người buôn bán cà-phê ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), phản biện: “Tôi bán cà-phê rang xay về Thanh Hóa khá nhiều. Cứ có cà-phê là có thị trường”.
Hương thơm của cà phê chè (Arabica) so với cà-phê vối (Robusta) khác nhau. Cà-phê chè có mùi quả mọng (cam, quýt), mùi socola, hạt dẻ và caramel... theo cách ví von là thơm đa tầng. Cà-phê vối có mùi hương gỗ, mùi đất, mùi socola đen… mạnh mẽ, đặc trưng hơn, đắng hơn, đôi khi được coi là “thô” hơn so với Arabica.
Về trồng cà-phê Arabica, hiện nay, tại tỉnh Quảng Trị khoảng 5.000 ha, Sơn La khoảng 15.000 ha, Điện Biên và Yên Bái khoảng 3.000 ha. Tuy nhiên, ở Nghệ An và Thanh Hóa chỉ khoảng vài trăm ha theo dạng thu nhập phụ.
Hướng Hóa (Quảng Trị) đã làm tốt việc nâng tầm giá trị thương hiệu vùng trùng, thậm chí tốt hơn cả thủ phủ cà-phê Tây Nguyên. Người Hướng Hóa trồng cà-phê dưới tán cây rừng, thu hoạch cà-phê bằng cách nhặt từng quả chín chứ không tuốt nguyên cành như trên Tây Nguyên. Chiêm ngưỡng vườn cà-phê Pun tại thôn Cổ Nhồi, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị), mới thấy cách làm cân bằng sinh thái trong vườn có rừng và trong rừng có vườn.
Việc trồng cà-phê ở Tây Nguyên lâu nay cơ bản là thiếu “tình thương” với cây khác, thiếu sự nâng niu đất đai mà cứ ào phân đạm, đẫm thuốc trừ sâu, tưới tất tay nguồn nước…
(Còn nữa)