Nơi trồng, nuôi dưỡng và bảo tồn rừng…
"Rừng bách thảo", một cái tên gợi sự tò mò khi lần đầu được nghe. Băng qua cánh đồng lúa thôn Cẩm Lãnh, chúng tôi tiếp tục vượt con dốc dài chừng 1 km. Lối đi này do người dân trong vùng mở để phục vụ việc khai thác và vận chuyển cây keo.
Khu rừng bách thảo của anh Bình nằm lưng chừng ở ngọn đồi phía trên. Với tổng diện tích khoảng 20 ha, khu rừng bách thảo trải dài từ độ cao 230-500 m so với mực nước biển. Càng lên gần khu rừng, những tán thông reo xào xạc trong gió. Âm thanh thú vị này như một bản hòa ca của thiên nhiên.
Những cơn mưa đầu năm thoáng chốc phủ kín mọi tán cây càng khiến không gian thêm mát lạnh, thoáng đãng. Cánh cổng gỗ với một tấm biển ghi dòng chữ "Nơi trồng, nuôi dưỡng và bảo tồn rừng. Vì một Việt Nam xanh" đủ để hình dung được ước mơ, lòng quyết tâm gắn bó với núi rừng của anh Bình.
Những người lao động làm việc tại đây đã quen thuộc với việc đi làm từ sớm. Mỗi ngày, họ sẽ có mặt trên rừng từ 6 giờ sáng để bắt đầu dọn dẹp, phát quang cây cối và thực hiện các công việc liên quan khác. Là khu rừng bách thảo đầu tiên của Quảng Nam, việc quy hoạch đất đai theo từng khu vực chức năng, phân bố vị trí từng loại cây trồng được anh Bình đặt lên hàng đầu. Với độ dốc triền rừng ước chừng 30-450, đây được xem là một bài toán thú vị cho việc trồng cây.
Anh Bình bộc bạch: "Phát triển kinh tế bền vững từ rừng, tôi cho rằng cần có sự hài hòa giữa môi trường và kinh tế. Gắn bó với khu rừng trong ba năm qua, chúng tôi dần hiểu được những nguyên lý, quy luật cơ bản nhất của việc trồng cây. Rừng bách thảo đi theo mô hình vườn-rừng nên yếu tố rừng sẽ đóng vai trò bảo vệ nguồn gỗ quý.
Ngoài ra, rừng còn giúp chống sạt lở, xói mòn đất và giữ mạch nước. Dưới tán cây gỗ, những loài cây có giá trị kinh tế được trồng xen canh nhằm tạo nguồn thu nhập thường xuyên. Chúng tôi phải có một nguồn thu ổn định thì hành trình lan tỏa câu chuyện trồng rừng mới có thể thực hiện được".
Nhớ lại những ngày đầu tiên khảo sát, phân chia đất ở rừng bách thảo, anh Bình cân nhắc từng tầng tán thích hợp. Điều kiện thời tiết ở miền trung rất khắc nghiệt, thường xảy ra bão lũ. Vị trí khu rừng lại nằm ở vùng đón gió trực tiếp nên anh ưu tiên trồng các loại cây gỗ lâu năm như trắc, cẩm lai, giáng hương, huỳnh đàn, lim xanh, quế… để làm lớp "lá chắn" tự nhiên.
Cùng với đó, cây tre mạnh tông (loại tre có lá to, dài khoảng 30 cm) được trồng thành vòng tròn khép kín chung quanh vành đai khu rừng, vừa là hàng rào vừa ngăn gió bão. Sau ba năm phát triển, tre mạnh tông cho giá trị kinh tế cả ở đọt măng và thân cây dùng làm đồ mỹ nghệ, ván lót sàn.
Ở khu vực có độ cao xấp xỉ 500 m, đây là điều kiện tốt nhất cho nhóm cây ưa sáng. Ngược lại, khu vực ở giữa và phần dưới khu rừng, tất cả cây ưa bóng mát sẽ được trồng ở đây. Sự nương tựa của cây rừng mà anh Bình thường nhắc chính là cây vườn ngắn hạn (với các loại như cau, sầu riêng, măng cụt), cây dược liệu (với các loại đương quy, đinh lăng, sâm dây, nhàu…) sẽ sống chung, nằm dưới tán cây rừng.
Cây vườn và cây dược liệu có vòng đời phát triển ngắn nên dễ cho nguồn thu kinh tế, tạo nguồn vốn xoay vòng cho các chương trình dài hạn. Hiện tại, số lượng cau tại rừng bách thảo là 5.000 cây. Thời gian tới, anh Bình đặt mục tiêu trồng 10.000 cây cau chuyên cho quả.
Khát vọng trồng rừng của anh Bình cháy bỏng đến mức độ anh dựng lên những căn chòi vững chắc ngay tại khu rừng bách thảo. Ở đó có bếp lửa, đường ống nước, hệ thống đèn pha năng lượng mặt trời… Tất cả các điều kiện đó là để anh có thể sinh hoạt giữa rừng, nhìn ngắm từng chồi non vươn lên. "Bản thân tôi là người đi đầu về mô hình vườn-rừng ở địa phương.
Sẽ có những rủi ro và tôi sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm điều đó. Khi rừng bách thảo có nguồn thu từ các loại cây vườn, cây dược liệu dưới tán rừng thì người dân quanh đây sẽ thấy được lợi ích, dần chuyển đổi cách làm", anh Bình chia sẻ.
![]() |
Ước mơ xanh của anh Nguyễn Thanh Bình đã thành hiện thực. |
Ước mơ xanh "Một đời người một rừng cây"
Anh Lê Hồng Danh (38 tuổi, trú thôn Cẩm Lãnh) đã làm việc tại rừng bách thảo gần một năm nay. Từ nhỏ, anh dành tình cảm với núi rừng một cách say mê. Khi anh Bình ngỏ lời về làm việc cùng mình, anh liền gật đầu đồng ý. Hằng ngày, bước chân của chàng trai trẻ đều đặn đi từ ngọn đồi này sang hố sâu kia. Anh nâng niu từng chồi non đang nằm khép dưới mặt cỏ.
Đó là một trong các nguyên tắc làm việc được anh Bình đặt ra. Bởi lẽ, việc trồng cây cũng như trồng người. Mọi đức tính của con người như sự tập trung, lòng kiên trì, sự cẩn thận… sẽ tác động đến cây cối và thúc đẩy chúng vươn cao, vững chãi.
Khom lưng phát dọn khóm tre mạnh tông, anh Danh cho biết: "Hàng tre mới được trồng hơn nửa năm này phát triển rất nhanh. Không giống các loại tre khác, tre mạnh tông có tán to, mức độ chắn gió rất tốt. Cứ vài ngày thì tôi sẽ phát bớt phần lá ở gốc để thân cây tre phát triển ổn định, tránh hiện tượng "nhảy đọt măng", nghĩa là bụi tre mọc quá nhiều. Phần lá cây bị cắt bỏ sẽ được ủ thành phân hữu cơ. Trải qua vài tuần, lá sẽ hoai mục rồi trở lại cung cấp chất dinh dưỡng cho gốc cây. Đó là một trong các kỹ thuật chăm sóc cây cối của rừng bách thảo".
Một điều thú vị khác là lớp cỏ tự nhiên ở tất cả phần gốc cây sẽ không bị gãy, nhổ bỏ như thông thường. Cỏ sẽ giúp giữ độ ẩm cho đất, là môi trường sống của các loài động vật như giun đất, dế… tạo nên sự cân bằng hệ sinh thái. Như vậy, trồng rừng theo phương châm thuận theo tự nhiên, thúc đẩy cây trồng phát triển bằng phương pháp hữu cơ giúp môi trường được cân bằng, bảo đảm tính ổn định lâu dài.
Ngoài ra, anh Bình cho rằng, khi đam mê hóa thành những con số của thành quả sẽ dễ dàng lan tỏa, thôi thúc cộng đồng cùng chung tay lao động sản xuất. "Làm kinh tế có tính bền vững rất cần sự đồng lòng, chung sức của cả cộng đồng. Từng cá nhân cố gắng sẽ dẫn đến một xã hội quyết tâm đạt được mục tiêu vừa bảo vệ môi trường vừa phát triển kinh tế bền vững.
Khi phân tích sâu sắc hơn, mỗi chúng ta đều hướng đến chiều sâu của việc đi dài hơi chứ không chỉ ở một giai đoạn ngắn hạn", anh Bình nhìn nhận. Đó cũng là lý do câu chuyện trồng rừng của anh được kết hợp với hoạt động của Câu lạc bộ Đất Quảng yêu thương trong thời gian qua.
Là thành viên Ban điều hành Câu lạc bộ Đất Quảng yêu thương, anh Bình đảm nhận nhiệm vụ thúc đẩy, hướng dẫn người dân các huyện miền núi của tỉnh cùng nhau trồng cây phủ kín đồi trọc. Khi đặt chân lên những cánh rừng ở huyện Nam Trà My, ký ức tuổi thơ đi chăn bò, ngủ trưa trong rừng của anh lại ùa về.
Tuy nhiên, những dòng suối cho giọt nước mát lạnh, vài loại quả như sim, móc, trâm… ngọt lịm thuở xưa đã dần vắng bóng. Chính vì vậy, anh cùng Câu lạc bộ Đất Quảng yêu thương đã trao 4.000 cây quế và 100 cây tre mạnh tông tặng 40 hộ dân ở khu tái định cư thôn 4, xã Trà Cang (Nam Trà My). Đây là bước đi đầu tiên nhằm tạo nền tảng cho việc phục hồi những cánh rừng đã mất theo mục tiêu "trao cần câu thay cho con cá".
"Tôi còn nhớ trong buổi trao tặng cây giống, người dân ở xã Trà Cang háo hức đến độ dù trời trưa đứng bóng lúc 12 giờ, các hộ dân vẫn say sưa đi đào hố trồng cây. Bên trong suy nghĩ mỗi người đều có mong muốn được trồng cây. Nhìn những nụ cười của người dân vùng cao dưới tán rừng, tâm trạng của đoàn chúng tôi như được chữa lành. Lên vùng cao mới thấy được sự bao dung của thiên nhiên. Điều đó chính là một quy luật trong cuộc sống. Sự tái sinh của môi trường giúp cho con người được an yên", anh Bình bày tỏ.
Xin mượn vài câu trong bài hát "Một đời người một rừng cây" của nhạc sĩ Trần Long Ẩn rằng: "Cây đã mọc từ thuở nào/ Trên đồi núi thật cằn khô/ Cây có hiểu vì sao/ Chim thường kéo về làm tổ/ Và em như cụm lan mọc/ Từ những cành cổ thụ già kia/… để bao quát con đường mà Nguyễn Thanh Bình đã và đang đi. Nơi nào có cây rừng, nơi đó có tương lai. Nơi nào có niềm tin, nơi đó có bến bờ hạnh phúc.