Gìn giữ di sản nghệ thuật đồng bào Khmer Nam Bộ

Đoàn văn công Khmer tỉnh Trà Vinh được thành lập vào tháng 4/1963 tại căn cứ ấp Cây Xanh, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè (tiền thân của Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh), là đoàn nghệ thuật Khmer cách mạng đầu tiên ở vùng đất Nam Bộ. Đến nay, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, đã thực hiện hàng nghìn chương trình nghệ thuật đặc sắc tại các sự kiện, lễ, Tết.
0:00 / 0:00
0:00
Vở diễn Dù kê “Hoàng tử Vê Son Đo” với cảnh trí sân khấu đẹp, tráng lệ, trang phục rực rỡ.
Vở diễn Dù kê “Hoàng tử Vê Son Đo” với cảnh trí sân khấu đẹp, tráng lệ, trang phục rực rỡ.

Theo ông Trần Văn Đài, Trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, đáp ứng nhu cầu văn hóa, nghệ thuật của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ dân tộc Kinh, Khmer vùng giải phóng. Lúc đó, Đoàn văn công Khmer tỉnh thu hút 40 diễn viên nam, nữ là con, em đồng bào Khmer có năng khiếu và đam mê nghệ thuật dân tộc. Ra mắt khán giả tại ấp Rùm Sóc, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè vào ngày 14/4/1963, với nhiều tiết mục ca hát, trong đó có vở Dù kê “Nghĩa tình trong giông tố” của soạn giả Thanh Lam.

Những ngày, tháng khốc liệt của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, các nghệ nhân, nghệ sĩ trong đoàn không chỉ mang lời ca tiếng hát cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng bào, mà còn trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng ở vùng bị địch kiểm soát.

Nhiều cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của đoàn đã anh dũng hy sinh. Vì thế, đoàn đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Tỉnh đội Trà Vinh tôn vinh là một điển hình trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trong lực lượng vũ trang. Sau khi miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, các nghệ nhân, nghệ sĩ vẫn kiên trì gắn bó với đoàn, giữ lửa nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer. Giai đoạn sau này, đoàn cũng từng bước thích nghi với cơ chế thị trường, tổ chức biểu diễn có thu để cải thiện đời sống, đồng thời đảm nhận nhiều suất diễn phục vụ chính trị và đối ngoại văn hóa.

Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, hiện có 40 biên chế, với nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, hằng năm biểu diễn gần 100 suất trong và ngoài nước. Trong đó, khoảng 30 suất phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các địa phương trong tỉnh và các sự kiện, lễ, Tết của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Tháng 4/2025, tại chùa Khmer ấp Long Trường, xã Tân Hiệp, Ban chỉ đạo Tết Quân-Dân huyện Trà Cú tổ chức chương trình Tết Quân-Dân, gắn với Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2025 của đồng bào Khmer Nam Bộ. Tân Hiệp là xã có đồng bào Khmer chiếm 81,2% so với dân số toàn xã. Đây là dịp để các cấp ủy, chính quyền của huyện Trà Cú thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo tại địa phương, góp phần chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân, thắt chặt thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại đây, các tiết mục kịch múa, ca múa nhạc đặc sắc của Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả với vở diễn Dù kê “Hoàng tử Vê Son Đo”. Anh Thạch Thanh Sang, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải phấn khởi: Sau những ngày làm phụ hồ vất vả, chúng tôi đến chùa Khmer ấp Long Trường xem các nghệ nhân, nghệ sĩ diễn vở “Hoàng tử Vê Son Đo”. Với vở diễn này, chúng tôi sẽ rất khó quên các hình tượng sân khấu yêu thích của mình. Nhất là, Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Thị Hà, trong vai Hoàng hậu Seanh Chhey xinh đẹp, hiền thục. Đây cũng là một trong những nghệ sĩ rất tài năng, thể hiện xuất sắc tâm lý tình cảm, tính cách nhân vật.

Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sung, Trưởng Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh cho biết, bản thân tôi và các nghệ sĩ cảm thấy ấm áp bởi tình cảm mộc mạc, chân thành của khán giả dành cho đoàn, như tiếp thêm ngọn lửa đam mê trong mỗi người nghệ sĩ. Mỗi đêm diễn là một kỷ niệm khó quên, từ ánh mắt chăm chú theo dõi các tiết mục, những tràng pháo tay vang dội, đến giọt nước mắt lưu luyến khi chia tay, nghệ sĩ chúng tôi tự nhủ với lòng là phải tiếp tục học tập, tiếp nối và duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Năm 2000, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”. Tiếp đến, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh biểu diễn sân khấu Dù kê phục vụ khán giả liên tục trong những tháng mùa khô tại các chùa Khmer, phum, sóc của các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, các nước láng giềng Campuchia, Lào.

Việc trao truyền, phổ biến rộng rãi các loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê, kịch múa và ca múa nhạc của Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã góp phần bảo tồn, lan tỏa di sản nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam Bộ.