Khơi dậy sức mạnh văn hóa:

Gợi ý về mô hình kinh tế di sản

Kinh tế di sản hiện diện rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực của đời sống con người, được phát triển trên nền tảng giá trị bền vững đến từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Thực tiễn đã cho thấy nhiều mô hình thành công trong việc kết hợp bảo tồn di sản với phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học tham quan vị trí khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: HOÀNG HOA
Các nhà khoa học tham quan vị trí khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: HOÀNG HOA

Từ thế giới…

Kinh tế di sản có một chặng đường dài như chính sự phát triển của nhân loại. Trong lịch sử, Con đường Tơ lụa là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh kinh tế của di sản. Những món hàng thông thường, khi đi qua con đường huyền thoại, đã được thổi hồn bởi những câu chuyện về các vương triều phương Đông xa xôi. Chính sự giao thoa văn hóa đã biến chúng thành những “di sản” có giá trị gấp hàng trăm lần chi phí sản xuất và vận chuyển, được giới quý tộc châu Âu săn lùng bất chấp giá cao.

Trước đó, thời đồ đá, những chiếc rìu đã là hiện thân của di sản - kết tinh tri thức và kỹ thuật lao động được truyền thừa - mang lại của cải vật chất trong công xã nguyên thủy. Vạn năm sau, những di sản này vẫn không ngừng tạo ra giá trị mới: Từ hiện vật bảo tàng đến đề tài nghiên cứu, từ nguồn cảm hứng sáng tạo đến dữ liệu cho trí tuệ nhân tạo.

Dù hoạt động kinh tế từ di sản đã tồn tại hàng thiên niên kỷ, việc nghiên cứu và định danh lại là câu chuyện của thời hiện đại. Vào thập niên 1960, khi xã hội ngày càng nhận thức rõ vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế, ngành Kinh tế Văn hóa (Cultural Economics) đã ra đời như một điều tất yếu. Các nhà kinh tế bắt đầu áp dụng công cụ phân tích kinh tế vào những lĩnh vực vốn được xem là phi thương mại: Từ đấu giá nghệ thuật đến bản quyền sáng tạo, từ hiện tượng ngôi sao đến kinh tế phúc lợi trong văn hóa. Sự ra đời của Hiệp hội Kinh tế văn hóa quốc tế (the Association for Cultural Economics International - ACEI) năm 1973, Tạp chí Kinh tế Văn hóa (Journal of Cultural Economics) năm 1977 hoạt động liên tục đến nay cùng nhiều đầu sách trong lĩnh vực này đã thể hiện nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa.

Khi các đô thị và quốc gia ngày càng nhận ra tiềm năng to lớn của di sản trong phát triển bền vững, một nhánh mới của Kinh tế Văn hóa đã dần hình thành. Khái niệm Kinh tế di sản (Heritage Economics) được phát triển trong những năm 2010 đã mở rộng tầm nhìn từ việc nghiên cứu các hoạt động văn hóa-nghệ thuật đơn lẻ sang nghiên cứu tổng thể về vai trò của di sản trong phát triển. Năm 2012, Ngân hàng Thế giới (World Bank) xuất bản cuốn “The Economics of Uniqueness: Investing in Historic City Cores and Cultural Heritage Assets for Sustainable Development” (Kinh tế của Sự độc đáo: Đầu tư vào các Khu lõi đô thị lịch sử và Di sản văn hóa cho phát triển bền vững), tập hợp nghiên cứu từ nhiều học giả hàng đầu, trong đó có học giả người Australia David Throsby - người đã phát triển khung lý thuyết về “Kinh tế di sản” (Heritage Economics). Tầm quan trọng của công trình này đối với ngành Di sản đã được khẳng định khi được ICOMOS - Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế - chính thức lưu trữ trong kho tài liệu mở của họ.

…đến Việt Nam

Ngược xuôi hành trình từ thực tiễn đến lý thuyết đang tiếp tục tiến triển không ngừng, đã trở thành một trong những câu chuyện thú vị nhất đang diễn ra: Có lẽ đây là một ngành kinh tế hiếm hoi mà Việt Nam gia nhập với tư cách khởi xướng xu hướng phát triển.

Trên thực tế, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực này từ những năm 2000 và khởi động khái niệm Kinh tế di sản tại Nghệ An từ năm 2013. Cuối năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 6103/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch hệ thống di tích tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đánh dấu lần đầu tiên khái niệm này xuất hiện trong một văn bản chính thức của Việt Nam. Ngày 8/5/2019, Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An” do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, mời nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đến hiến kế, trong đó có chủ đề “Kinh tế di sản - Một động lực tăng trưởng mới”. Tiếc rằng, Nghệ An là nơi chấp nhận tư duy khởi xướng nhưng chưa có đủ điều kiện hiện thực hóa những ý tưởng này.

Ở bình diện quốc gia, dù vấp phải những phản ứng dè dặt ban đầu, thậm chí là đề nghị “bỏ khái niệm kinh tế di sản” từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong Văn bản số 4271/BVHTTDL-DSVH ngày 6/10/2023 góp ý Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhưng dường như “con thuyền” Kinh tế di sản đã đủ vững vàng tiến về phía trước.

Thí dụ thành công ở nước ngoài

Kinh tế di sản là một hình thái kinh tế phát triển dựa trên nền tảng giá trị bền vững, với đặc tính cốt lõi là sự truyền thừa và không ngừng sáng tạo giá trị mới. Trong kỷ nguyên số, AI nổi lên như một công cụ mạnh mẽ để khai thác tiềm năng này. Với khả năng kế thừa nền tảng dữ liệu và tính chất cá thể hóa, AI đang trở thành tác nhân quan trọng làm tăng giá trị di sản từ quá khứ đến tương lai.

Kỷ nguyên số đang viết lại định nghĩa về di sản. Những gì được coi là “đồng nát số” - dữ liệu cũ, thông tin tưởng chừng vô giá trị - đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho tương lai. Google Books số hóa hàng triệu cuốn sách cũ, OpenAI biến dữ liệu internet thành nền tảng cho ChatGPT, cho thấy trong thời đại của Big Data và AI, mọi dấu vết kỹ thuật số đều có tiềm năng trở thành di sản.

“Di sản trí tuệ cá nhân” cũng đang được định hình lại. MrBeast xây dựng “đế chế” YouTube trị giá hơn 1 tỷ USD không chỉ từ nội dung giải trí, mà từ cả một di sản số về cách kể chuyện trong thời đại mới. Coursera biến những bài giảng đại học - vốn chỉ tồn tại trong không gian lớp học - thành tài sản tri thức có thể tiếp cận toàn cầu. Meta đầu tư 10 tỷ USD vào metaverse và thị trường NFT đạt 40 tỷ USD, báo hiệu một kỷ nguyên nơi di sản không còn bị giới hạn bởi tồn tại vật lý.

Nếu không gian số cho phép chúng ta tái định nghĩa di sản, thì bảo tàng Louvre Abu Dhabi là một minh chứng xuất sắc cho nghệ thuật “mượn” di sản văn hóa - một mô hình đôi bên cùng có lợi. Pháp chứng minh rằng, có thể khai thác giá trị thương mại từ di sản mà không làm tổn hại đến di sản gốc: Chỉ việc cho phép sử dụng tên “Louvre” trong 30 năm đã mang về 525 triệu USD, trong tổng thỏa thuận 1,3 tỷ USD. Với UAE, khoản đầu tư này nhanh chóng sinh lời khi bảo tàng do “Starchitect” Jean Nouvel thiết kế thu hút hơn 2 triệu lượt khách ngay năm đầu tiên, biến Abu Dhabi thành trung tâm văn hóa mới của Trung Đông.

Kinh nghiệm cũng cho thấy, chìa khóa thành công nằm ở hành động thực tiễn và nhấn mạnh sáng kiến cộng đồng, cùng tham gia, gắn với trách nhiệm và quyền lợi. Cụ thể: (1) Tạo ra các tác nhân làm biến đổi vùng; (2) Cộng đồng cùng tham gia; (3) Thuyết phục các cấp chính quyền ủng hộ; (4) Triển khai dự án với sự hỗ trợ của các chuyên gia; (5) Mỗi di sản “một” quần cư, mỗi quần cư “một” sản phẩm; (6) Tích hợp chức năng, tích hợp giá trị; (7) Mỗi di sản “một” phong cách, mỗi sản phẩm “một” chuyên gia; (8) Chương trình hoạt động phải liên tục như dòng chảy; (9) Giá trị gia tăng đến từ môi trường, thẩm mỹ; (10) Thay đổi và thích ứng không ngừng (tùy duyên và bất biến); (11) Xã hội quyết định thành công; (12) Đầu tiên là văn hóa và cuối cùng là con người.

Công nghệ làm tăng giá trị di sản bằng du lịch văn hóa: Làm biết cho đến; Làm cho đến; Làm cho tiêu thụ; Làm tăng giá trị (sản phẩm); Làm cho quay lại (cùng những người khác); và Mở rộng thị trường (phát triển thương hiệu).

Kinh tế di sản phát triển dựa trên năng lực nhận diện giá trị, hấp lực truyền thừa, chuyển hóa và làm tăng giá trị. Những kinh nghiệm thực tiễn cho thấy triển vọng phát triển Kinh tế di sản gắn với AI là không có giới hạn. Chúng tôi khẳng định rằng: Kinh tế di sản cùng với AI sẽ là tiền đề cho Việt Nam bước vào con đường “sánh vai với các cường quốc năm châu”. AI và Kinh tế di sản là một cặp đối ngẫu tạo sinh, liên kết Khoa học, Công nghệ, Chính trị, Kinh tế, Văn hóa, Lịch sử, là nghệ thuật biến giấc mơ thành hiện thực.

Một địa điểm di sản cần phát triển đồng bộ ít nhất 10 nguồn thu: (1) Vé tham quan, (2) Quản lý thương hiệu, (3) Đồ lưu niệm, (4) Dịch vụ bảo tàng, (5) Các sự kiện và hoạt động biểu diễn, (6) Công ăn việc làm từ bảo tồn bảo trì, (7) Đầu tư xây dựng mới, (8) Thu nhập từ duy trì cảnh quan, (9) Dịch vụ du lịch phụ trợ và (10) Nghiên cứu khoa học.