Giao thông kết nối thành hình rõ nét
Nhận thức rõ về cơ hội “trăm năm có một” để Đồng Nai bứt phá khi sân bay Long Thành hoàn thành (dự kiến tháng 9/2026) nên những phần việc liên quan sân bay Long Thành và các tuyến giao thông kết nối thuộc về trách nhiệm của địa phương đã được lãnh đạo tỉnh hành động quyết liệt, khẩn trương. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chăm lo chỗ ở mới cho người dân, từ đó giải phóng mặt bằng thành công, phục vụ quỹ đất sạch cho các công trình giao thông.
Bám sát định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai tháng 9/2024, tỉnh chú trọng phát huy mạnh mẽ tinh thần tiên phong phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, nhất là hạ tầng giao thông.
Đồng Nai sở hữu đầy đủ 5 phương thức giao thông gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế và đường hàng không. Đáng chú ý, diện mạo mới của hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, nhất là khu vực phụ cận sân bay Long Thành, đang thay đổi hết sức nhanh chóng. Đầu tiên phải kể đến hai tuyến đường T1 và T2 có vai trò kết nối với các trục giao thông chính trong khu vực để kết nối giao thông cho sân bay Long Thành. Tuyến T1 sẽ kết nối với Quốc lộ 51 và các tuyến đường tỉnh 25B, 25C, sau đó kết nối với cao tốc Bến Lức-Long Thành và đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh đang được đầu tư xây dựng.
Trong lúc 2 tuyến đường T1, T2 đang được Trung ương cho thi công cấp bách, quan sát từ vị trí sân bay Long Thành tỏa ra khu vực chung quanh cho thấy, thời gian gần đây, có thêm nhiều dự án mới được khởi động để gắn kết đồng bộ. Đầu tháng 1 vừa qua, tỉnh Đồng Nai chính thức động thổ 2 dự án: Nâng cấp đường tỉnh 25B đoạn từ trung tâm huyện Nhơn Trạch đến Quốc lộ 51 và Xây dựng đường tỉnh 25C đoạn từ Quốc lộ 51 đến Hương lộ 19. Cả hai tuyến đường này sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025, đưa vào khai thác trong năm 2026, có vai trò kết nối sân bay Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, đồng thời, chia sẻ áp lực giao thông cho tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai Ngô Thế Ân cho biết, hiện nay, các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị để thi công những khu vực có mặt bằng của 2 dự án trên. Ngay sau khởi công, nhà thầu đang thi công bóc tách lớp hữu cơ tại Dự án nâng cấp đường tỉnh 25B.
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Tại các dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà thầu vẫn duy trì mạch thi công xuyên suốt để có thể cơ bản hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ trong năm 2026. Từ ngày 15/1, đơn vị thi công dự án thành phần 1 đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tiến hành thi công thảm bê-tông nhựa đầu tiên.
Phó Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu Ninh Thế Thương chia sẻ: “Thời tiết mùa khô rất thuận lợi cho việc trải thảm bê-tông nhựa nên chúng tôi huy động nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ. Công tác vệ sinh thổi bụi, sau đó là thảm sẽ không bị gián đoạn, bảo đảm chất lượng công trình”.
Riêng những vướng mắc mặt bằng liên quan khoảng 600 hộ dân thuộc địa phận thành phố Biên Hòa, dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Vũ Hồng Văn ra “tối hậu thư” cho cơ quan chức năng phải hoàn thành trong tháng 3/2025. Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho biết, qua 5 ngày thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, vận động đã có hơn 150 hộ dân cam kết bàn giao mặt bằng. “Cả hệ thống chính trị thành phố dốc sức 10 ngày (từ 17-26/2) tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng. Trường hợp sau khi thực hiện các quy định pháp luật, người dân vẫn cố tình không bàn giao mặt bằng, chính quyền sẽ xây dựng kế hoạch cưỡng chế”, đồng chí Hồ Văn Nam cho biết.
Tỉnh Đồng Nai cũng đang chuẩn bị thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường tỉnh 769E (đoạn từ sân bay Long Thành đến đường tỉnh 770B) nhằm kết nối sân bay với tuyến đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, hình thành thêm hướng kết nối phía bắc sân bay, chia sẻ mật độ phương tiện đi lại với khu vực phía nam dự kiến sẽ tăng cao khi sân bay đưa vào khai thác. Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, các dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 770B và nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh 769, 773 sẽ được triển khai để hiện thực hóa mục tiêu lan tỏa động lực phát triển của sân bay Long Thành. Hiện nay, đã có 2 dự án được khởi động với bước giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thường xuyên yêu cầu các nhà thầu xây dựng lại đường găng tiến độ để điều hành làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm, bố trí thi công trên đại công trường một cách khoa học. Vừa qua, 2 đoạn tuyến dài gần 10 km của đường cao tốc Bến Lức-Long Thành đã chính thức được thông xe. Các vướng mắc của dự án cũng đã được tháo gỡ để có thể hoàn thành trong năm 2026.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, để mạng lưới giao thông hoàn thiện thật sự hiện đại, địa phương tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống hướng, tuyến giao thông kết nối sân bay cho sát hợp với thực tế lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải trong tương lai để đưa ra những đề xuất, kiến nghị cần thiết với Trung ương. Cùng với mạng lưới giao thông kết nối từ các cảng chân rết trong vùng đến sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai kiến nghị cấp bách mở rộng đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh kết nối sân bay để giải quyết giao thông cho toàn vùng; kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Đồng Nai; triển khai dự án tuyến đường sắt kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh với sân bay. Đồng Nai cũng đề nghị các địa phương phối hợp sớm hoàn thành xây dựng các dự án: Đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành và đường Vành đai 4-Thành phố Hồ Chí Minh.
Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông chuẩn bị hoàn thành và khởi công mới sau này, hứa hẹn đưa Đồng Nai, vùng Đông Nam Bộ bứt tốc mạnh mẽ; trong đó, rõ nhất là hình thành một mạng lưới giao thông liên kết liền mạch, phá vỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông kết nối, để góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số.
Trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Đồng Nai xác định điểm nhấn lấy sân bay Long Thành làm trung tâm động lực mới cho phát triển đột phá, đưa tỉnh trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistics, gắn với mô hình đô thị sân bay. Các huyện, thành phố trong tỉnh đã dành quỹ đất dọc trục hành lang cao tốc để sẵn sàng đưa vào diện đấu giá, tạo thêm nguồn lực thúc đẩy khát vọng vươn lên.