“Hư não”

Ukraine dùng tên lửa tầm xa của phương Tây đánh sâu vào hậu phương của Nga và Moscow ngay lập tức dùng tên lửa đạn đạo tầm trung để trả đũa. Israel tả xung hữu đột hết chiến với Hamas ở miền nam lại đánh Hezbollah ở mặt bắc, chưa kể đấu tên lửa trực tiếp với Iran trong khi cũng nhằm vào các mục tiêu của lực lượng Houthi mãi tận Yemen. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bất thần tuyên bố lệnh thiết quân luật vào lúc gần nửa đêm để rồi chỉ 6 tiếng sau đó phải bãi bỏ chính lệnh của mình, mở ra một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng trên chính trường Hàn Quốc. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi không ngờ, chính quyền Syria của Tổng thống Syria Bashar al Assad sụp đổ và quân nổi dậy nhanh chóng làm chủ thủ đô Damascus…
0:00 / 0:00
0:00
Một hệ thống tên lửa Patriot.
Một hệ thống tên lửa Patriot.

Yên Ba

Ukraine dùng tên lửa tầm xa của phương Tây đánh sâu vào hậu phương của Nga và Moscow ngay lập tức dùng tên lửa đạn đạo tầm trung để trả đũa. Israel tả xung hữu đột hết chiến với Hamas ở miền nam lại đánh Hezbollah ở mặt bắc, chưa kể đấu tên lửa trực tiếp với Iran trong khi cũng nhằm vào các mục tiêu của lực lượng Houthi mãi tận Yemen. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bất thần tuyên bố lệnh thiết quân luật vào lúc gần nửa đêm để rồi chỉ 6 tiếng sau đó phải bãi bỏ chính lệnh của mình, mở ra một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng trên chính trường Hàn Quốc. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi không ngờ, chính quyền Syria của Tổng thống Syria Bashar al Assad sụp đổ và quân nổi dậy nhanh chóng làm chủ thủ đô Damascus…

Những sự kiện đó trong đời sống chính trị quốc tế cho thấy năm 2024 vừa trôi qua là một năm cực kỳ biến động…

“Chiến tranh thế giới thứ ba?”

Gần ba năm trước đây, khi Liên bang Nga bất thần phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine với một trong những mục tiêu chính yếu là ngăn cản nước này gia nhập NATO, ít ai có thể hình dung ra cuộc chiến này lại có thể dẫn tới những hệ lụy kinh thiên động địa về mặt địa chính trị, làm thay đổi diện mạo đời sống chính trị châu Âu đến tận gốc rễ. Thụy Điển, nước có lịch sử 200 năm thi hành chính sách trung lập và Phần Lan, có 80 năm trung lập, bất thần nhanh chóng gia nhập NATO khiến Nga không kịp trở tay.

Trong khi ấy, dù cả Nga lẫn Triều Tiên đều không khẳng định cũng như không phủ định, thông tin các binh sỹ Triều Tiên xuất hiện và tham chiến trên chiến trường Ukraine đã khiến cho phương Tây sửng sốt.

Nhiều chuyên gia và nhà phân tích bình luận quân sự đã cảnh báo rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài trong gần ba năm qua có thể dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới thứ ba trong lịch sử loài người. Khi nói đến một cuộc “chiến tranh thế giới thứ ba” như vậy, người ta dễ hình dung đến hình mẫu của hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, là nơi đụng độ của hai lực lượng quân sự được phân chia rõ ràng thuộc hai khối nước, hai liên minh.

Nhưng, hãy nhìn vào cuộc xung đột Nga-Ukraine trong gần ba năm qua. Trên chiến trường xuất hiện UAV của Thổ Nhĩ Kỳ. Có xe tăng M1 Abrams của Mỹ, Challenger của Anh, Leopard 2 của Đức. Có hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ, tên lửa hành trình SCALP-EG của Pháp, Storm Shadow của Anh. Mới nhất là tên lửa đạn đạo ATACMS tầm bắn 300km do Mỹ sản xuất.

Và đương nhiên rồi, Ukraine không thể điều khiển vận hành các hệ thống vũ khí hiện đại được viện trợ trong điều kiện tác chiến thực địa nếu không có sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia quân sự hàng đầu NATO.

Phía Ukraine cũng nhận các thông tin trinh sát, tình báo điện tử, xác định vị trí mục tiêu của đối phương, thông qua hệ thống vệ tinh dày đặc của các nước NATO, trước hết là của Mỹ và Anh.

Ngoài các siêu cường phương Tây, những nước đã cam kết và thực tế đã tiến hành viện trợ quân sự cho Ukraine có Albania, Ba Lan, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Thụy Điển, Australia, Áo… Vũ khí của nhiều nước trong số các quốc gia này đã được sử dụng trên chiến trường Ukraine.

Ở chiều ngược lại, Nga và Belarus bất ngờ ký hiệp ước bảo đảm an ninh giữa hai nước, đứng chung trong một Nhà nước Liên minh; một cuộc tấn công vào nước này cũng có nghĩa là tấn công vào nước kia và ngược lại. Rồi binh sĩ Triều Tiên sát cánh với quân Nga trên chiến trường Kursk...

Ở đây, dường như những ký ức kinh khủng về cuộc thế chiến hai với 60 triệu người thiệt mạng, một nửa trong số đó là thường dân, đã bị căn bệnh lu mờ, để cả hai phía lao vào một cuộc “thế chiến thứ ba” chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Những “lằn ranh đỏ” liên tục bị phớt lờ

Có một khái niệm xuất hiện ngay từ ngày đầu của cuộc xung đột và cho tới những ngày đầu năm 2025 này vẫn tiếp tục được sử dụng trong các phân tích về cuộc chiến Nga-Ukraine, đó là “lằn ranh đỏ”.

Khi Mỹ cung cấp Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao HIMARS cho Kiev để quân Ukraine có thể tấn công sâu vào phía sau hệ thống phòng ngự của Nga, người ta đã nói đó là “lằn ranh đỏ”. Sau đó, khi xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ, Challenger 2 của Anh và Leopard 2 của Đức trực tiếp tham chiến trên chiến trường, người ta lại nói đến một “lằn ranh đỏ” mới đã bị phương Tây vượt qua.

“Lằn ranh đỏ” tiếp tục xuất hiện khi Mỹ cho phép các đồng minh châu Âu cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại F-16 cho Kiev, đồng thời cấp tập huấn luyện cho phi công Ukraine sử dụng loại máy bay chiến đấu hiện đại này.

“Hư não” ảnh 1

Lính Nga bắn lựu pháo về phía các vị trí của Ukraine tại vùng Kursk. Ảnh | Sergey Bobylev / Sputnik

Tiếp đó, với sự cho phép của Mỹ - tất nhiên - Ukraine đã thực hiện đợt tiến công bất ngờ trên quy mô lớn xuyên biên giới vào khu vực Kursk của Nga, chiếm được một vùng rộng lớn lên đến hàng nghìn km2, báo hiệu lần đầu tiên lãnh thổ Nga bị một lực lượng nước ngoài chiếm giữ kể từ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.

Liệu đây có phải là “lằn ranh đỏ” cuối cùng đối với người Nga? Không phải!

Vấn đề nằm ở chỗ không một ai biết đâu là “lằn ranh đỏ” cuối cùng của người Nga. Ngay từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Moscow đã duy trì tình trạng mù mờ chiến lược về “lằn ranh đỏ”; không ai dám chắc người Nga sẽ phản ứng như thế nào, đi xa đến đâu nếu một “lằn ranh đỏ” tối hậu nào đó bị vượt qua!

Cho đến khi chính quyền Mỹ của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden “bật đèn xanh” cho phép Kiev sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa ATACMS lần đầu tiên tấn công sâu vào lãnh thổ Nga thì phản ứng của Moscow mới khiến phương Tây rúng động. Trong một động thái được coi là hành động trả đũa gay gắt, phía Nga đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine.

Đây là loại tên lửa siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đạt tốc độ gấp 11 lần tốc độ âm thanh khi lao xuống mục tiêu; Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố rằng ở thời điểm hiện tại, không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên thế giới có khả năng đánh chặn được.

Mặc dù khi tấn công Dnipro, tên lửa Oreshnik của Nga chỉ mang các đầu đạn thông thường nhưng với việc lấy ra từ kho vũ khí chiến lược một loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để tấn công một cơ sở quân sự của Ukraine, rõ ràng đây là một thông điệp sắc lạnh mà phía Nga gửi cho Mỹ và phương Tây.

Hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân

Điều khiến cho người ta càng lo ngại hơn là ở đúng thời điểm chính quyền Tổng thống J.Biden cho phép Kiev dùng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga thì Tổng thống Nga V.Putin cũng đồng thời phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi, theo đó, quy định hành động xâm lược chống lại Liên bang Nga của một quốc gia không có vũ khí hạt nhân có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân được xem là một cuộc tấn công chung của hai quốc gia này. Điều đó có nghĩa là Nga đã hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Như để đáp lại động thái cứng rắn của Nga, tờ Newsweek của Mỹ đã công bố bản đồ hậu quả vụ tấn công hạt nhân (giả định) của Mỹ vào thủ đô Triều Tiên, Nga và Trung Quốc, theo đó tại Moscow, ước chừng khoảng 1,3 triệu người có thể chết và 3,7 triệu người có thể bị thương; tại Bắc Kinh, 1,5 triệu người sẽ chết và 3,3 triệu người sẽ bị thương; tại Bình Nhưỡng, 1,3 triệu người sẽ chết và 1,1 triệu người bị thương.

Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, thế giới lại đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Có vẻ như cả hai phía không hề nhớ rằng trong lịch sử nhân loại đã từng có Hiroshima và Nagasaki, những kịch bản thảm khốc mà người Nhật Bản đã phải hứng chịu trong những ngày sau cùng của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Trong bối cảnh đó, nhắc lại lời cảnh báo “Nhân loại, hãy cảnh giác!” của Julius Fucik dường như là không đủ.

Cần ngừng lại các hành động leo thang căng thẳng, nhanh chóng tìm ra các phương thức đối thoại để tiến tới chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, trong đó có cả nguy cơ chiến tranh hạt nhân, treo lơ lửng trên đầu nhân loại. Đó là đòi hỏi cấp thiết của thời đại, để năm 2025 là một năm bình yên, con người không phải sống trong nỗi sợ hãi về một cuộc chiến hủy diệt đe dọa sự sống còn của chúng ta.