“Bàn tay có ngón dài ngón ngắn”
Gọi là quán cà-phê, nhưng nó hoạt động như mô hình quán ăn và siêu thị tiện lợi. Ở đó ngoài cà-phê, đồ uống còn có nhiều món ăn truyền thống của người Pakistan, đôi lúc có cả đồ Âu như pizza, spaghetti, hamburger. Có một quầy nho nhỏ bán cả sữa, trứng, bánh kẹo, hoa quả và các đồ dùng hằng ngày. Đứng nói chuyện với Musa một lúc, tôi nhận ra không chỉ có du khách mà rất nhiều người trong vùng cũng ghé qua mua đồ. “Khách đến vì tò mò cũng nhiều. Người ta hay hỏi phụ nữ làm chủ thì có gì khó khăn không”, Musa thừa nhận.
![]() |
Quán cà-phê vì sự phát triển phụ nữ |
Một nhóm phụ nữ làm chủ một cửa hàng, ở một quốc gia Hồi giáo với nhiều đạo luật hà khắc dành cho phụ nữ - hẳn nhiên gây sự chú ý cho những du khách lần đầu đến đây. Một nhóm phụ nữ tự kinh doanh, có thể không quá bất ngờ ở vùng Hunza, nhưng cũng sẽ là điều hiếm gặp ở các quốc gia Hồi giáo. Hơn thế, đây là mô hình kinh doanh hoàn toàn tự thân, không hề có sự hỗ trợ hay hướng dẫn từ bất cứ tổ chức hay dự án nào.
Musa nói bà không gặp quá nhiều khó khăn khi khởi nghiệp. Mọi việc bắt đầu khi con trai Musa, lúc còn là một cậu nhóc mới 10 tuổi, đi học về đã đặt những câu hỏi về việc tại sao mẹ không được ra ngoài làm việc, tại sao mẹ không thể có sự nghiệp của riêng mình. Khi cậu bé lớn hơn, cậu lại hỏi bố mình câu đó. Vậy là một cuộc họp gia đình đã được tổ chức. Ở Pakistan, người phụ nữ muốn ra ngoài làm việc cần có sự đồng ý của tất cả những người đàn ông trong nhà. Chồng Musa làm nông, nhưng ông ủng hộ vợ đứng ra khởi nghiệp, ông còn đưa tiền cho bà góp vốn mở cửa hàng.
Nhưng để một phụ nữ tự mình mở một nhà hàng là điều không thể vì có nhiều ràng buộc luật lệ từ cộng đồng. Lúc đó Aziza, một người đàn ông trong làng cũng đang có ý định mở nhà hàng kinh doanh trên phố du lịch Karimabad. Con phố luôn đông đúc vào mỗi cuối tuần, với rất nhiều du khách tứ phương. Aziza đã đứng ra kêu gọi, và có 5 người phụ nữ - trong đó có Musa - hưởng ứng. Vậy là một quán cà-phê-nhà hàng ra đời năm 2022. Aziza, người đàn ông duy nhất là chủ quán, nói việc đầu tư này là “rất bình thường”. Hầu hết thời gian ông sẽ không có mặt ở cửa hàng, việc bán hàng, làm đồ ăn đều do những người phụ nữ. Mặc dù bỏ vốn nhiều nhất, Aziza nói ông tôn trọng quyết định của các cộng sự.
![]() |
Musa (đứng giữa) cùng một cộng sự và con trai. |
Hunza là một vùng đất cởi mở, thậm chí có thể xem như tư tưởng tiến bộ bậc nhất Pakistan. Ryad - một người Hunza, người dẫn đường cho chúng tôi - không giấu niềm tự hào khi Hunza là vùng đất mà 100% trẻ em gái được đến trường và có thể đi học cùng trường các học sinh nam. Phụ nữ ở đây có được các quyền lợi như nam giới. Mặc dù vậy, cần phải hiểu, ở một quốc gia Hồi giáo như Pakistan, việc phụ nữ tự khởi nghiệp, tự kinh doanh hoàn toàn không phải là việc phổ biến. Ngay cả ở những thành phố lớn, vẫn nhiều gia đình không cho phép phụ nữ ra ngoài đường nếu không có người đàn ông trong nhà đi cùng. Dọc những cung đường Pakistan, đôi khi chúng tôi vẫn gặp những người phụ nữ giặt đồ bên bờ suối, cách đó không xa là một người đàn ông đứng canh chừng.
Bởi thế, dù chỉ là một quán cà-phê bé nhỏ, nhưng tấm biển “Vì sự phát triển phụ nữ” dường như nổi bật và đầy kiêu hãnh giữa thung lũng này. Khách vào cửa hàng có lúc đông lúc vắng, nhưng nguồn thu nhập là một khoản đáng kể đóng góp cho cả gia đình. Musa nói công việc ở quán ăn bận rộn, mỗi ngày đều phải tới sớm mở cửa hàng, tối muộn mới về nhà, những người phụ nữ sẽ chia nhau các ngày trong tuần để có thể cân đối thời gian giữa gia đình và công việc. Họ cũng học thêm tiếng Anh để giao tiếp với khách du lịch. “Giới luật không ngăn cản phụ nữ, bàn tay có ngón dài ngón ngắn, chúng tôi cũng sẽ có người có tư tưởng tiến bộ, có người bảo thủ”, Aziza giải thích.
Ước mơ từ những tấm thảm
Khalida ở làng Gulmit, vùng thượng Hunza là một câu chuyện khác. Ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, những ngôi làng ở thượng Hunza khô cằn hơn. Công việc làm nông cũng mất nhiều sức hơn. Cơ hội việc làm cho các thanh niên ở đây không nhiều. Ryad nói đa phần các thanh niên sẽ tìm kiếm cơ hội việc làm ở các thành phố lớn, trong làng phần nhiều là người già, phụ nữ và trẻ nhỏ - đấy dường như là dấu hỏi rất chung trên toàn thế giới.
![]() |
Khalida trong xưởng dệt thảm. |
Làng Gulmit nằm dưới chân núi Karakoram, đường vào làng phải đi qua ngọn núi thiêng Rapakoshi huyền thoại quanh năm phủ tuyết. Khalida - người phụ nữ 42 tuổi này đứng ra nhận trách nhiệm nuôi cả gia đình khi hai người em trai đều tàn tật, mất khả năng lao động và người bố - một cựu tài xế xe tải đường dài lớn tuổi không còn đủ sức trên mỗi cung đường. Thời điểm năm 2007, cuộc sống của một gia đình 7 người lớn chỉ trông chờ vào vài vụ mùa trên vùng đất ở độ cao hơn 2.645m so với mực nước biển khiến thu nhập của họ hết sức bấp bênh. Nhận nuôi dưỡng cả gia đình - nghĩa là Khalida không lấy chồng, điều đó gần như một tuyên bố bất thành văn. Giữa quãng thời gian khó khăn đó, một tổ chức từ Italia đến và hỗ trợ Khalida học dệt thảm.
Dệt thảm là nghề truyền thống của làng Gulmit, có điều, những người phụ nữ ở đây thường chỉ dệt các tấm thảm hoa văn cố định, ít kiểu dáng và dùng trong gia đình. Một giáo viên từ Afghanistan được mời về dạy cho hơn 26 phụ nữ trong làng. Không có bất cứ một người đàn ông nào tham gia công việc kinh doanh này. Cuối cùng, từ khóa học đó, có 20 phụ nữ - 20 cuộc đời - lập nên một xưởng dệt thảm. Có người phải gánh cả gia đình như Khalida, có người để nuôi chồng và cậu con trai đi học, có người có bố mẹ già, có người để phụ giúp gia đình, có người chỉ vì muốn được đi làm… Họ có thể nhớ từng đường dệt, từng họa tiết, nhớ tất cả các sản phẩm họ làm ra để kể cho mỗi vị khách. Có thể đó là lý do khiến thảm ở xưởng dệt làng Gulmit luôn đắt hơn nhiều lần so với ở chợ. Những người phụ nữ dệt thảm và dệt cả những câu chuyện, những giấc mơ về những người phụ nữ tạo dựng nên cuộc đời mình dưới chân dãy núi Karakoram.
Khalida nói cuộc sống hiện tại rất vui, chị thấy mình có ích, thấy mỗi ngày có thể dệt thảm, bán thảm và tiếp tục nuôi cả gia đình. Những cậu em trai của Khalida đã lớn và cũng nhờ tiền bán thảm của người chị mà họ có thể theo học những nghề nghiệp phù hợp, có thể kiếm ra tiền để phụ giúp Khalida. Gia đình từ 7 người, giờ nhân khẩu đã lên gấp đôi và hầu như kinh tế chính vẫn là từ Khalida.
Người khai sinh ra đất nước Pakistan, Muhammad Ali Jinnah từng nói: “Việc phụ nữ bị đóng khung trong bốn bức tường thực sự là một tội ác chống lại loài người”. Thế nhưng, trong những câu chuyện về Pakistan, bóng dáng của luật lệ hà khắc, những ràng buộc nữ giới luôn khiến người ta phải cảm thán. Và cũng ở đó, những nỗ lực tranh đấu vẫn chưa hề dừng lại. Tôi hỏi Musa và Khalida, rằng có biết Malala Yousafzai - cô gái truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ các quốc gia Hồi giáo không - họ đều không biết. Nói chính xác hơn, tin tức là một điều gì đó khá xa vời với những người ở dưới chân dãy núi Karakoram này. Nhưng Musa, hay Khalida đều tự có những bước đi của cuộc đời họ, theo một cách riêng, họ tự là nguồn cảm hứng của riêng mình.
![]() |
Làng Gulmit |
Box:
Pakistan đã tham gia Công ước về Loại bỏ tất cả mọi hành vi phân biệt với phụ nữ (CEDAW) và cam kết thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Benazir Bhutto (1952-2007) là Thủ tướng của Pakistan từ 1988-1990 và là nữ Thủ tướng Hồi giáo đầu tiên trên thế giới. Pakistan cũng là một trong các quốc gia đầu tiên bổ nhiệm các nữ đại sứ. 60 ghế Quốc hội Pakistan dành cho nữ giới.
Hãng hàng không Quốc gia Pakistan (PIA) sử dụng nữ phi công nhiều hơn bất cứ hãng hàng không nào trên thế giới. Ayesha Rabia Naveed là nữ phi công lái máy bay phản lực đầu tiên của PIA.
Malala Yousafzai đến từ vùng Swat của Pakistan, nơi có nhiều đạo luật cực đoan dành cho nữ giới. Cô gái sinh năm 1997 đã đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi cơ bản của phụ nữ, kể cả khi bị Taliban bắn bị thương khi mới 15 tuổi, Malala Yousafzai giành giải Nobel Hòa bình năm 2014.