Bản sắc

Thư viện trong chợ Uzbekistan

Một buổi sáng nắng dịu, trong khuôn khổ chương trình Lưu trú sáng tác dành cho các văn nghệ sĩ quốc tế tại Uzbekistan năm 2025, chúng tôi - đoàn nhà văn đến từ nhiều quốc gia - được nhà thơ Azam Obidov dẫn đến thăm một nơi rất đặc biệt: một thư viện... nằm giữa chợ.

Nhà thơ Azam Obidov (trái) giới thiệu người sáng lập thư viện với các nhà thơ quốc tế.
Nhà thơ Azam Obidov (trái) giới thiệu người sáng lập thư viện với các nhà thơ quốc tế.

Chợ Roshidon thuộc huyện Rishton, vùng Ferghana - điểm đến hôm ấy - là một khu chợ rộng lớn và tấp nập, nơi người dân tụ hội từ sớm tinh mơ để trao đổi đủ loại hàng hóa: từ rau củ tươi non, gia vị rực rỡ, trái cây căng mọng, đến quần áo, đồ thủ công, chè và đặc biệt - bánh mì tròn truyền thống.

Tôi bị hút hồn bởi những sạp bánh mì tròn truyền thống Uzbek vừa mới ra lò, thơm phưng phức, nóng hôi hổi, có thể cầm nguyên cái, đứng giữa chợ đông, bẻ ăn no căng rốn mà chưa bõ thèm. Lưu ý rằng người Uzbek không bao giờ dùng dao cắt bánh mì, chỉ dùng tay bẻ bánh. Và khi đến thăm nhà hoặc trong lễ hội, người chủ sẽ để bánh trong khay hoặc giỏ đan bằng cành liễu, phủ khăn thêu, mời bạn bẻ một miếng bánh mì mới nướng và ăn ngay lập tức. Bánh có màu cánh gián óng ánh, mặt trên in hoa văn tinh xảo bằng khuôn gỗ, như thể mỗi chiếc bánh là một tác phẩm nghệ thuật. Mùi bột mì cháy cạnh quyện khói lò thơm ngậy, len vào từng nếp áo, len cả vào ký ức. Nhà thơ Irena Kobald - người bạn đến từ Australia - cũng không cưỡng nổi, mua ngay một ít chè khô tỏa hương lưu luyến được đựng trong bao bố lớn, chất cao như đụn rơm. Dù hành lý chị mang theo rất nhỏ gọn cho những chặng đường tiếp theo đi thêm hơn chục quốc gia nữa, nhưng nét hấp dẫn của chợ nơi đây là điều không thể chối từ.

Vượt qua những dãy hàng sặc sỡ, chúng tôi tới khu nhà một tầng đơn sơ, cửa mở rộng. Đó chính là thư viện đặc biệt mà Azam muốn giới thiệu. Chủ thư viện - anh Dilshod Qayum - một người đàn ông trung niên với nụ cười ấm áp thân thiện quen thuộc của người Uzbek - đứng chào chúng tôi, tay khoát rộng mời vào thư viện. Anh kể rằng thư viện này được anh dựng nên bằng tất cả tình yêu dành cho sách và cộng đồng.

3-tac-gia-bai-viet-chup-anh-cung-nguoi-sang-lap-thu-vien.jpg
Tác giả (phải) chụp ảnh cùng người sáng lập thư viện.

“Người dân có thể bận rộn với mưu sinh chợ búa, nhưng không thể thiếu tri thức”, Dilshod Qayum nói. “Sách giúp người ta nuôi dưỡng tâm hồn. Và biết đâu, từ chợ này, một nhà văn, nhà thơ sẽ ra đời thì sao?”.

Thư viện hiện có hơn 1.000 cuốn sách - từ văn học cổ điển, thơ ca, truyện thiếu nhi đến sách khoa học phổ thông - phần lớn được quyên góp bởi chính những người gắn cả đời với sách như nhà thơ Azam. Bất kỳ ai đến chợ đều có thể ghé vào, mượn sách mang về. Không có đăng ký, không cần tiền cọc và nếu lỡ quên trả cũng chẳng sao. Người này mang sách đi thì rồi sẽ có người khác mang sách đến. Chính tôi cũng tiếc là sao mình không mang một cuốn sách tiếng Việt để tặng thư viện này. Biết đâu có sinh viên nghiên cứu Việt Nam sẽ ghé qua đây và mở cuốn sách ra… Ở đây, tri thức được lan tỏa bằng sự tin tưởng và sẻ chia. Vả lại, nếu người ta bận rộn không thể thu xếp riêng một buổi đến thư viện, thì sách sẽ tìm đến họ ở chợ. Ai mà không phải đi chợ cơ chứ, tiện thì ghé vào mượn sách đọc, riết rồi thành thói quen đọc sách. Đọc sách để sống sâu hơn, sống lâu hơn, cùng sách…

anh-jorma-nha-tho-phan-lan.jpg
Nhà văn Cagnam Erkmen đến từ Thổ Nhĩ Kỳ vui thích dạo quanh ngắm nghía thư viện.

Nhà văn Cagnam Erkmen đến từ Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những thành viên của đoàn - không giấu nổi sự thích thú khi bước vào thư viện độc đáo này. Chị say sưa chụp ảnh lưu niệm trong không gian tứ bề là sách, nơi những kệ gỗ mộc chất đầy tri thức. Sau buổi thăm, chị nói với chúng tôi: “Tôi sẽ mang ý tưởng này về quê hương, để sách cũng đến với các khu chợ nông thôn, nơi con người cần tri thức không kém bất kỳ người dân ở thành phố nào”. Bắt chước chị, anh Jorma Kastinen đến từ Phần Lan cũng xem thật kỹ cách sắp xếp thư viện và đặt nhiều câu hỏi với người sáng lập thư viện giữa chợ này. “Tại sao chúng ta không tổ chức một buổi đọc thơ do chính tác giả đọc cho dân đi chợ nghe nhỉ?”, Jorma cười và nói lớn. Quả thực ý này của Jorma rất hay, nhưng có lẽ để lần sau, bởi nhà thơ Azam là người tổ chức chuyến đi này, chỉ nghĩ đến việc giao lưu với người sáng lập thư viện, mà chẳng nghĩ ra kết hợp đọc thơ luôn. “Để lần sau tôi rút kinh nghiệm, sẽ tổ chức đọc thơ tại thư viện giữa chợ này, sẽ là hoạt động thú vị và bất ngờ”, Azam mỉm cười, giơ một ngón tay cái lên, thích thú với sáng kiến của Jorma.

Trong lúc lướt mắt qua các kệ sách, tôi bất chợt dừng lại trước một chiếc đĩa gốm sắc màu lộng lẫy quyến rũ đặt hờ trên một chiếc ghế da lớn màu đen. Đó không chỉ là một món lưu niệm, mà là cả một bản đồ văn hóa đa dạng. Ở trung tâm đĩa là dòng chữ “The Silk Road - Uzbekistan” với những minh họa bắt mắt của các thành phố lịch sử: Samarkand, Bukhara, Khiva, Tashkent - mỗi nơi là một viên ngọc trên Con đường tơ lụa cổ đại. Mái vòm xanh lam, cổng vòm hoa văn, tháp minaret sặc sỡ… tất cả tái hiện những biểu tượng trứ danh của Trung Á. Viền đĩa được trang trí bằng hoa văn arabesque đỏ-vàng-lam, như vườn cổ tích đang nở hoa trên nền đất nung. Nếu túi tiền cũng như hành lý không quá hạn hẹp, tôi sẽ mua bằng được một chiếc đĩa về trưng bày ở thư phòng nhà mình tại Việt Nam. Băn khoăn mãi, tôi đành tiếc rẻ chụp một tấm hình chiếc đĩa, định bụng sẽ dùng nó làm ảnh bìa một cuốn sách viết về Uzbekistan.

4-chiec-dia-gom-hut-hon-toi.jpg
Chiếc đĩa gốm đầy mầu sắc độc đáo.

Tôi chạm tay vào chiếc đĩa - men gốm mát lạnh, hoa văn như lay động dưới ánh nắng lọt qua khung cửa. Trong không gian yên tĩnh của thư viện, chiếc đĩa ấy như một cánh cổng dẫn tôi xuyên thời gian - về những đoàn thương nhân rong ruổi, những trang sách ẩn chứa nghìn năm lịch sử, những tâm hồn chưa từng ngừng mơ mộng. Thì chúng tôi đây, đều là lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất của gốm sứ và tơ lụa đặc sắc này. Có vậy mới thấm được ý nghĩa những chuyến đi của tiền nhân, nào đâu chỉ là buôn bán hàng hóa, đó còn là phát tán tinh hoa của một vùng đất, một tộc người đi khắp nơi… Tôi tự nhủ, phải đi, phải va đập, chân đo đất đầu nghĩ suy, để các nền văn hóa khác được ngấm vào mình và từ đó mà chuyển hóa, yêu thương, thông thái, thân thiện hơn lên.

Trong thư viện, tôi còn thấy nhiều những chiếc đĩa gốm tráng men khác treo phía trên giá sách, như ngầm khoe một đặc sản không thể bỏ qua của xứ này. Trong mỗi gia đình người Uzbek, không thể thiếu những chiếc đĩa gốm tráng men với họa tiết đặc trưng, cỡ lớn, dùng để đựng cơm rang thập cẩm (Plov), món ăn quốc hồn quốc túy của người dân nơi đây, mà chúng tôi được thưởng thức nhiều lần trong chuyến đi.

Cạnh tôi, một bà cụ bán rau đang ngồi lặng lẽ đọc sách thơ. Ở góc kia, một cậu bé con của người bán quần áo đang ôm cuốn truyện tranh, miệng lẩm nhẩm đọc từng chữ. Không ai bảo ai, nhưng tất cả đều dừng lại, lắng nghe tiếng nói của sách trong lòng chợ. Chợ thu hút người dân bởi lý do cơm áo gạo tiền, nhưng sách sẽ kết nối họ trong dòng chảy sâu sắc hơn của tri thức, nơi họ biết đọc để chiêm nghiệm, nâng mình lên trong ý nghĩa sống đẹp đẽ hơn, thơ mộng hơn, nuôi dưỡng tâm hồn và an ủi trái tim.

Thư viện trong chợ không hẳn là một ý tưởng dị biệt, mà là một “phép màu” lặng lẽ. Nó chứng minh rằng tri thức không phân biệt không gian hay giai cấp. Ở đâu có người, ở đó có khát vọng học hỏi. Và đôi khi, chính giữa khu chợ đông đúc, một trang sách lật mở cũng có thể là một cánh cửa giải phóng tâm hồn.

Khi chúng tôi rời đi, tôi quay lại nhìn một lần nữa - chiếc đĩa gốm lặng lẽ trên ghế, như một biểu tượng không lời. Nắng trưa vàng như mật trên những tấm khăn trải hàng và trong lòng tôi - từ chuyến đi ấy - mang theo một kỷ niệm khó quên: một thư viện nhỏ giữa chợ Uzbekistan, nơi mà sách, bánh mì và gốm sứ cùng kể những câu chuyện của Con đường tơ lụa đang tiếp tục sống giữa đời thường.

back to top