Người cựu chiến binh viết tiếp câu chuyện hữu nghị Việt-Trung

Ở tuổi 81, ông Trương Văn Bân, cựu chiến binh Trung Quốc từng tham gia giúp Việt Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ vẫn tràn đầy năng lượng tích cực cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ trong thúc đẩy hợp tác, giao lưu nhân dân, để phát huy giá trị của sự đoàn kết giữa hai dân tộc trong kháng chiến, viết tiếp câu chuyện về “mối tình thắm thiết Việt-Hoa” thời hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trương Văn Bân và các cựu chiến binh Trung Quốc tại hoạt động tri ân của Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức tháng 12/2024 tại Bắc Kinh. Ảnh | NVCC
Ông Trương Văn Bân và các cựu chiến binh Trung Quốc tại hoạt động tri ân của Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức tháng 12/2024 tại Bắc Kinh. Ảnh | NVCC

Những ký ức hào hùng

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có mối tình hữu nghị truyền thống lâu đời, nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, hỗ trợ và ủng hộ lẫn nhau cả về vật chất và tinh thần trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những năm tháng Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung Quốc đã cung cấp viện trợ lớn về kinh tế, trang thiết bị quân sự, nhu yếu phẩm, đồng thời, cử hàng chục nghìn lượt bộ đội pháo cao xạ, công trình xây dựng, đường sắt... sang giúp đỡ Việt Nam. Tháng 1 năm 1968, chàng thanh niên Trương Văn Bân khi đó mới chỉ 24 tuổi, là một chiến sĩ pháo cao xạ, mang theo nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, hăng hái vượt Hoàng Hà, Trường Giang, qua Hữu Nghị Quan, đến chiến trường Việt Nam đầy khói lửa. “Chúng tôi sang giúp Việt Nam với khí thế hừng hực và tinh thần đấu tranh cách mạng không quản ngại gian khổ, hy sinh, cùng với bộ đội Việt Nam kề vai sát cánh, anh dũng chiến đấu”, ông Trương Văn Bân bộc bạch.

Trong ký ức của chiến sĩ trẻ năm xưa, một trong những nhiệm vụ quan trọng của bộ đội Trung Quốc sang giúp Việt Nam lúc đó là cùng tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền bắc. Đơn vị của ông Trương Văn Bân là một tiểu đoàn pháo cao xạ, với nhiệm vụ túc trực 24/7 để bảo vệ bầu trời, nếu phát hiện máy bay Mỹ thì kịp thời cảnh báo và sẵn sàng chiến đấu, đáp trả khi cần thiết. Trận địa pháo và nơi ở trên một ngọn đồi cao, các chiến sĩ ăn ở và chiến đấu trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Thời điểm đó, cứ khoảng 3 đến 5 ngày lại có máy bay địch bay qua do thám. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông là lần máy bay địch ném 2 quả bom xuống vị trí trận địa của đơn vị, tuy nhiên do phát hiện sớm bằng ra-đa nên các chiến sĩ không bị thương vong. Ngoài ra, nhiệm vụ hỗ trợ bảo vệ tài sản của nhân dân Việt Nam cũng hết sức quan trọng. Một ngày hè năm 1968, mưa lớn nhiều ngày làm một nhà máy sản xuất thuốc lá lớn ở thành phố Lạng Sơn bị nhấn chìm trong biển nước. Theo đề nghị của chính quyền địa phương, đơn vị của ông Trương Văn Bân đã khẩn trương tập hợp, cơ động đến nhà máy, hỗ trợ di chuyển cả trăm kg thuốc lá đến vị trí an toàn. Liên tục hơn 3 tiếng đồng hồ ứng cứu toàn bộ vật tư của nhà máy, mồ hôi và nước mưa quyện vào nhau khiến ai cũng ướt như chuột lột, nhưng họ đều cảm thấy vui vì đã làm được một việc tốt giúp đỡ Việt Nam.

Ông Trương Văn Bân cho rằng, sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ thể hiện tình đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa, mà còn là sự hòa quyện giữa lý tưởng quốc tế và tinh thần yêu nước. Đồng thời, đó cũng là cách Trung Quốc góp phần bảo vệ an ninh của chính mình, ngăn ngọn lửa chiến tranh lan đến biên giới. Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam và cả thế giới, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, niềm tự hào và sự gắn kết của toàn thể dân tộc Việt Nam. Sự kiện này cũng góp phần thay đổi cục diện chính trị ở Đông Nam Á, cổ vũ các quốc gia đang phát triển đấu tranh giành độc lập, tự chủ và giải phóng dân tộc, tạo ra trào lưu chống thực dân, đế quốc trên toàn cầu. Nếu như trong chiến tranh, Việt Nam nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế, thì sau khi giành chiến thắng, Việt Nam kiên trì phát triển hòa bình, đổi mới và mở cửa hội nhập, từ đó tạo ra những kỳ tích về phát triển kinh tế, trở thành hình mẫu thành công của các nước đang phát triển.

Trao truyền và lan tỏa

Tuy thời gian sang giúp đỡ không dài, chỉ hơn 1 năm 1 tháng, nhưng tình yêu và sự gắn bó với đất nước và con người Việt Nam đã nảy nở trong những năm tháng đó và kéo dài mãi cho tới ngày hôm nay. Sau khi về nghỉ hưu, ông Trương Văn Bân đã từ chối những lời mời công việc lương cao, để cùng con cháu “toàn tâm toàn ý” tham gia thúc đẩy sự nghiệp hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam.

Người cựu chiến binh viết tiếp câu chuyện hữu nghị Việt-Trung ảnh 1

Ông Trương Văn Bân làm báo cáo viên giới thiệu cho thiếu nhi Trung Quốc về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Việt Nam. Ảnh | NVCC

Chia sẻ về những việc làm thầm lặng nhưng cũng rất ý nghĩa trong những năm qua, cựu chiến binh Trương Văn Bân cho biết, ông đã từng 4 lần liên hệ với đồng đội cũ, người nhà của liệt sĩ, các chuyên gia từng giúp Việt Nam, tổ chức thành các đoàn thiện nguyện sang thăm lại chiến trường xưa và triển khai nhiều hoạt động hữu nghị tại Việt Nam. Họ đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Bảo tàng Quân sự và Tượng đài liệt sĩ, thăm và tảo mộ cho những đồng đội đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam. Ông và đoàn cũng đã thăm hỏi, tặng quà những người bạn Việt Nam đang trông coi những khu nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc. Điều làm ông cảm động là, người dân nơi có những nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc đều rất trân trọng sự hy sinh, mất mát của những gia đình liệt sĩ và cựu chiến binh Trung Quốc; phần mộ của các liệt sĩ được chăm nom chu đáo, để họ có thể an giấc nghìn thu trên mảnh đất quê hương thứ hai. Ông cũng có dịp gặp gỡ những nhân sĩ hữu nghị Việt-Trung, ôn lại truyền thống quan hệ hai nước, cùng bàn bạc những cách thức tiếp tục thúc đẩy giao lưu, lan tỏa tình hữu nghị giữa các tầng lớp nhân dân, nhất là trao truyền sứ mệnh lớn lao này cho thế hệ trẻ.

Những năm gần đây, ông Trương Văn Bân thường xuyên được mời đến các cơ quan, đơn vị bộ đội, trường học, nhà máy, khu dân cư ở các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Giang Tây (Trung Quốc) để nói chuyện về những ký ức tham gia giúp Việt Nam chống đế quốc Mỹ và tình hữu nghị Trung-Việt. Dù đã tuổi cao, từ nhà ở thành phố Bao Đầu, khu tự trị Nội Mông phải di chuyển hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km, nhưng ông vẫn không quản ngại đường xa, dành những khoảng thời gian quý báu lúc tuổi già để tuyên truyền cho người dân, nhất là các bạn học sinh, sinh viên Trung Quốc về sự đoàn kết trong chiến đấu giữa hai dân tộc cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn và phát huy tình hữu nghị Trung-Việt trong bối cảnh hiện nay.

Điều cảm động là, dưới sự ảnh hưởng của ông Trương Văn Bân, hai thế hệ kế cận trong gia đình là con trai và cháu nội đều tích cực tham gia các hoạt động hữu nghị và rất yêu mến Việt Nam. Trong những lần cùng đồng đội sang Việt Nam tìm lại chiến trường xưa, con trai ông là anh Trương Ngọc Trụ sẵn sàng gác lại công việc tại Bắc Kinh để làm “tình nguyện viên”, chăm sóc việc ăn uống, đi lại, sức khỏe cho những người cựu chiến binh đều đã qua tuổi xưa nay hiếm. Tại các cuộc gặp gỡ của cựu chiến binh Trung Quốc từng giúp Việt Nam, cháu nội ông là Trương Hiên Vũ thường cùng với bạn học biểu diễn các tiết mục văn nghệ, đeo khăn quàng đỏ và dâng những lời chúc tốt đẹp lên những bậc tiền bối đã có công vun đắp cho tình hữu nghị Trung-Việt.

Vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng 12/2024, tại Bắc Kinh, Bộ Quốc phòng Việt Nam long trọng tổ chức hoạt động tri ân những người bạn Trung Quốc đã từng giúp cách mạng Việt Nam; đồng thời, mời ông Trương Văn Bân và các cựu chiến binh, chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm quy mô lớn, với sự tiếp đón chu đáo, thịnh tình. Đây là sự động viên, cổ vũ lớn lao, cũng là nguồn động lực thôi thúc ông tiếp tục những công việc đầy ý nghĩa của mình. “Những cựu chiến binh giúp Việt Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ là sợi dây và nhịp cầu kết nối tình hữu nghị Trung-Việt. Chúng tôi tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn sẵn sàng phát huy vai trò trong tuyên truyền ý nghĩa lịch sử, sự đoàn kết trong kháng chiến và tình hữu nghị Trung-Việt, tổ chức các cựu chiến binh tham gia các hoạt động hữu nghị, thúc đẩy sự trao đổi, hợp tác, giao lưu giữa nhân dân hai nước” - cựu chiến binh Trương Văn Bân xúc động chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Văn Hoàn, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Trung Quốc: Với nhiệt huyết và tình cảm chân thành với đất nước và con người Việt Nam, cựu chiến binh Trương Văn Bân đã phát huy vai trò nòng cốt trong liên hệ, kết nối các cựu chiến binh, chuyên gia Trung Quốc từng giúp cách mạng Việt Nam, tổ chức nhiều hoạt động hữu nghị ý nghĩa, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước, lan tỏa và trao truyền tình hữu nghị cho thế hệ trẻ.