Bản sắc

Cung điện Topkapi: KHO BÁU CỦA CÁC SULTAN

Là nơi các Sultan Thổ Nhĩ Kỳ ngự trị suốt 400 năm, Cung điện Topkapi lưu giữ một kho tàng vật phẩm vô giá của đế chế Ottoman - một trong số ít những đế quốc cường thịnh và tồn tại lâu nhất trong lịch sử nhân loại. Ðược chuyển đổi công năng thành viện bảo tàng từ năm 1924, Topkapi đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách bậc nhất Istanbul, nơi hậu thế được thỏa sức chiêm ngưỡng kho báu mà các vị vua lừng lẫy từng sở hữu, suốt chiều dài lịch sử 624 năm vung lưỡi kiếm cong Yatagan dọc ngang chinh phạt khắp ba châu lục Á - Âu - Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Con dao găm “Topkapi Emerald” nổi tiếng, với phần chuôi gắn ba viên ngọc lục bảo Columbia cỡ lớn và phần vỏ bằng vàng nạm đá quý.
Con dao găm “Topkapi Emerald” nổi tiếng, với phần chuôi gắn ba viên ngọc lục bảo Columbia cỡ lớn và phần vỏ bằng vàng nạm đá quý.

Kiệt tác kiến trúc mang phong cách Ottoman và Baroque

Nếu say mê lịch sử thế giới cổ và trung đại, Istanbul là địa danh mà bạn sẽ bắt gặp nhiều lần. Bởi nó từng mang cái tên cực kỳ nổi tiếng Constantinopolis, từng là nơi tiếp nhận và giao thoa, chắt lọc tinh hoa của rất nhiều nền văn minh vĩ đại. Và cũng từng là trung tâm của nhiều đế chế hùng mạnh bậc nhất thế giới như Seljuk hay La Mã, như Byzantine hay Ottoman…

Trong khi các đế chế khác nhanh chóng lụi tàn vì không cai quản nổi một diện tích lãnh thổ quá rộng lớn, đa dạng sắc tộc cùng tôn giáo, văn hóa thì Ottoman có thể giữ vững trong hơn sáu thế kỷ. Nhà nước theo chính thể quân chủ chuyên chế, các Sultan nắm giữ quyền lực tối cao. Các đời vua luôn đề cao sứ mạng thống nhất các quốc gia, dân tộc khác về cùng một tôn giáo, để trở thành đế chế của đức tin. Vào thời hoàng kim, lãnh thổ Ottoman trải rộng trên cả ba châu lục với diện tích lên tới hơn 5,5 triệu km2 và được đánh giá là một thực thể chính trị mạnh nhất thế giới. Ngày nay, đế chế này vẫn vang danh trong lịch sử nhờ hình thành lực lượng quân đội thiện chiến, hùng mạnh, đa sắc tộc; nhờ xác lập một nền nghệ thuật tinh tế cùng những tuyệt tác kiến trúc có ảnh hưởng rất lớn đến Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung.

Được Sultan Mehmet II ra lệnh khởi công từ năm 1466, Cung điện Topkapi hoàn tất sau đó 12 năm, ngay trên những tàn tích còn sót lại của triều đại Byzantine. Được bao quanh bởi biển Marmara, eo biển Bosphorus và mũi Sừng vàng, Topkapi như một thành phố thu nhỏ, nơi các vị Sultan trị vì và nghỉ ngơi. Vẻ xa hoa, lộng lẫy của quần thể kiến trúc trải rộng trên diện tích 700 nghìn m2 này phản chiếu thời kỳ cực thịnh cả về văn hóa-kinh tế-quân sự của đế chế này, khi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ được mở rộng từ Đông Nam Âu đến Trung Á rồi vùng Trung Đông. Được thay đổi, cải tạo và mở rộng nhiều lần trong suốt bốn thế kỷ tồn tại, Topkapi đã chứng kiến cả vinh quang tột cùng lẫn bi kịch đau khổ nhất trong những trang sử Ottoman.

Khởi đầu bằng phong cách kiến trúc đặc trưng Ottoman, yếu tố Baroque được bổ sung và làm nên vẻ đẹp độc đáo cho Topkapi từ thế kỷ 18 đến 19. Không chỉ là nơi ở của các vị quân vương, đây còn là trung tâm hành chính và giáo dục của nhà nước. Khu phức hợp rộng lớn pha trộn hài hòa nhiều phong cách Ba Tư, Hồi giáo và châu Âu với đặc trưng mái vòm được trang trí công phu, đá cẩm thạch chế tác tinh xảo và những khoảng sân vườn trang nhã rợp màu xanh cây lá, rực rỡ sắc hoa.

Cung điện Topkapi: KHO BÁU CỦA CÁC SULTAN ảnh 1

Từ trái qua phải: Bộ giáp trụ của Sultan Mustafa III, với trình độ chế tác đỉnh cao. Ba chiếc chân nến bằng vàng được chế tác vô cùng tinh xảo. Lính gác Cung điện trong bộ trang phục truyền thống cổ xưa.

Dành cả ngày khám phá Topkapi vẫn không đủ. Vì chỉ tính riêng khu vực hậu cung, nơi các Sultan vui vầy yến tiệc, đàn ca cùng biết bao cung tần, mỹ nữ cũng đã có tới hơn 400 phòng. Trầm trồ thán phục những bức tường ghép gốm kỳ công, say mê nhìn ngắm những tác phẩm thư pháp bay bổng, lạc bước trong Thư viện của Sultan với kho sách lịch sử - văn học lên tới hai vạn bản thảo quý hiếm hay ghé mắt vào từng không gian riêng tư - nơi thái hậu, hoàng hậu cùng các gia đình hoàng gia từng sinh sống là một trải nghiệm khó quên đối với mọi du khách từng ghé thăm mê cung sang trọng, với điểm nhấn gồm Sân Thái hậu, phòng tắm của Quốc vương cùng phòng riêng của nhiều hoàng tử. Đây cũng là khu vực cấm tuyệt đối đàn ông, con trai của Sultan bắt buộc phải rời khỏi đây khi tròn 16 tuổi.

Đó là còn chưa kể tới ba cổng chính cùng bốn khoảng sân rộng mênh mông, nơi các công trình Tháp Công lý - Xưởng đúc tiền Hoàng gia - Nhà thờ Byzantine Hagia Irene - Nhà thờ Hồi giáo Besir Aga - Phòng Hội đồng Hoàng gia - Cổng Felicity - Vườn Hoàng gia - Phòng Mái vòm… tọa lạc. Tất cả đều chung một cái đích phô trương và khẳng định uy quyền tối thượng, đều phô diễn sự giàu có tột đỉnh của một đế quốc hùng mạnh và thiện chiến hàng đầu.

Không phải ngẫu nhiên mà Topkapi luôn nằm trong danh sách những cung điện hoàng gia đẹp nhất thế giới, sánh ngang cùng những tên tuổi phô diễn vẻ lộng lẫy, tráng lệ bậc nhất như Versailles (Pháp) hay Buckingham (Vương quốc Anh), Cung điện Mùa đông (Liên bang Nga) hay Tử Cấm Thành (Trung Quốc)… Và càng không phải ngẫu nhiên khi Topkapi luôn giữ vị trí đứng đầu trong nhóm bảo tàng nổi tiếng nhất Thổ Nhĩ Kỳ (vượt trên cả những cái tên như Hagia Sophia, Mevlana hay Troy…), luôn đông nghịt du khách tham quan dù giá vé vào cửa rất cao (2000 TL, tức là khoảng 1.400.000 VNĐ/người).

Sánh vai cùng những thánh đường lộng lẫy như Hagia Sophia, Blue Mosque hay cung điện Dolmabahce, vẻ đẹp kiến trúc của Topkapi Palace đã góp phần không nhỏ mang lại danh hiệu Di sản văn hóa thế giới cho Quần thể di tích lịch sử Istanbul từ năm 1985.

Choáng ngợp trước kho tàng di sản vô giá

Là bảo tàng quốc gia đầu tiên của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, Topkapi không mở cửa toàn bộ mà chỉ hé lộ một phần không gian cho người yêu văn hóa - lịch sử chiêm ngưỡng. Đón trung bình ba triệu khách tham quan mỗi năm nên chỗ nào trong cung điện này cũng đông nghịt người. Bởi thế, chúng tôi được khuyến nghị nên ưu tiên nhìn ngắm nhiều nhất có thể những di sản vật thể đặc biệt giá trị từ các nền văn minh mà 36 đời hoàng đế Ottoman đã kiếm tìm, thu thập về đây. Từ kho bạc tới kho vũ khí, từ bộ sưu tập gốm sứ tinh xảo tới phòng triển lãm chân dung các vị Sultan, từ tập hợp đồng hồ cổ phong phú bậc nhất thế giới tới căn phòng thánh tích đạo Hồi hay nơi trưng bày trang phục hoàng gia, chỉ thưởng lãm theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” cũng mất tới vài ba giờ.

Điểm nhấn gây ấn tượng mạnh nhất chắc chắn thuộc về “kho bạc cung điện Topkapi”, niềm hãnh diện của các Sultan với rất nhiều hiện vật tinh xảo thể hiện bàn tay chế tác đỉnh cao của những nghệ nhân bậc thầy. Số lượng lớn vàng bạc được lưu trữ trong các bình lớn là nguyên nhân của nhiều “vấn đề nội bộ” xuất hiện trong những năm tồn tại cuối cùng của đế chế.

Cung điện Topkapi: KHO BÁU CỦA CÁC SULTAN ảnh 2

Đồ dùng trong hậu cung được làm từ những khối ngọc tuyệt đẹp.

Không thể bỏ qua con dao găm “Topkapi Emerald”, với phần chuôi gắn ba viên ngọc lục bảo Columbia cỡ lớn và phần vỏ bằng vàng nạm đá quý. Đây cũng là thỏi nam châm hút khách đến với bảo tàng hấp dẫn này, khi nó trở thành đối tượng săn lùng của một băng nhóm trộm cắp đình đám trong Topkapi - bộ phim bom tấn Hollywood chuyển thể từ tiểu thuyết The Light of Day của nhà văn Eric Ambler vào năm 1964.

Không thể không nhắc tới Bộ giáp trụ của Sultan Mustafa III, được chế tác đặc biệt tinh xảo bằng vàng cùng nhiều loại đá quý hay chiếc nôi bằng vàng tuyệt đẹp dành cho hoàng tử sơ sinh. Cũng không thể bỏ qua bộ sưu tập kinh Qu’ran cùng trang sức, vũ khí, đồ dùng trong cung cấm… được chế tác kỳ công mang vẻ đẹp vương giả gây choáng ngợp.

Tỏa ánh sáng rực rỡ ở một góc phòng là viên kim cương nổi tiếng thế giới “Spoonmaker” với trọng lượng 86 carat, được bao quanh bởi 49 viên nhỏ hơn. Rồi đôi chân nến bằng vàng nguyên khối, mỗi chân nặng tới 48 kg được khảm tới 6666 viên kim cương. Hay “ngai vàng Chim công” màu xanh lá cây và đỏ, khảm ngọc lục bảo cùng ngọc trai của Sultan Mahmud I được xếp vào hàng kiệt tác của nghề thủ công Ấn Độ. Chiếc rương từng đựng áo choàng của nhà tiên tri Muhammad cùng ngai vàng khảm đá quý nặng tới 350 kg của Sultan Murat III đã hoàn tất danh sách “bảo vật quốc gia” mà Topkapi vinh dự sở hữu. Giá trị của chúng khó có thể ước lượng, điều đó lý giải vì sao mọi du khách đều phải trải qua vòng kiểm tra an ninh nghiêm ngặt của lực lượng quân đội súng ống đầy mình trước khi đặt chân vào cung điện.

Cung điện Topkapi: KHO BÁU CỦA CÁC SULTAN ảnh 3

Viên kim cương nổi tiếng thế giới “Spoonmaker” với trọng lượng 86 carat, được bao quanh bởi 49 viên nhỏ hơn là bảo vật đắt giá nhất mà Topkapi may mắn sở hữu.

Bước vào thế giới đồng hồ vô cùng phong phú, ngắm những cỗ máy thời gian đủ mọi kích cỡ, chủng loại, quốc tịch và đa dạng chất liệu, phương cách tạo hình là một trải nghiệm đặc biệt thú vị. Lần đầu trong đời, tôi được chứng kiến chiếc đồng hồ có kích thước khổng lồ cao 3,5m và rộng 1m, bên trong chứa hẳn một cây đàn organ.

Phô diễn vẻ đẹp rực rỡ, mỏng mảnh và khiến du khách không ngớt trầm trồ là bộ sưu tập đồ gốm sứ, thủy tinh hoành tráng. Hơn 10 nghìn bát đĩa, lọ bình Trung Quốc cùng 700 món đồ Nhật Bản đọ sắc cùng tập hợp thủy tinh - đồ gốm đủ mọi sắc màu đến từ châu Âu, Trung Đông đã giúp Topkapi trở thành nơi sở hữu kho báu gốm sứ giá trị hàng đầu thế giới.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra những giá trị cốt lõi làm nên sức mạnh Ottoman, từ bá chủ thế giới bằng sức mạnh tri thức đến đoàn kết vì một đức tin đế chế được chọn, từ chí hướng lớn của bộ tộc du mục Tây Đột Quyết (Gokturk) đến quyết tâm mở rộng lãnh thổ nhằm truyền bá đạo Hồi ra khắp toàn cầu. Đọc sử và hiểu sử không dễ, nhưng lang thang trong những không gian hoàng tộc trưng bày hàng hàng lớp lớp những tác phẩm nghệ thuật Hồi giáo vắt qua bảy thế kỷ, ngắm nhìn chân dung sơn dầu của 36 đời Sultan, trầm trồ trước những bộ trang phục độc đáo mang quyền uy của các đời quân vương…, du khách sẽ giải mã được một phần câu hỏi, vì sao Ottoman trở thành một đế chế huyền thoại.