Bình luận

Thời khắc khó đoán định

Cuộc chiến tranh 12 ngày giữa Israel và Iran - đúng vậy, phải gọi đúng tên nó là một cuộc chiến tranh - đã hé lộ những điều mà trước đây thế giới chưa từng biết, cũng như những hệ lụy chưa từng có.

Lực lượng cứu hộ tại một khu dân cư ở Ramat Gan (Israel), sau cuộc tấn công bằng tên lửa từ Iran vào Israel, ngày 14/6. Ảnh | REUTERS
Lực lượng cứu hộ tại một khu dân cư ở Ramat Gan (Israel), sau cuộc tấn công bằng tên lửa từ Iran vào Israel, ngày 14/6. Ảnh | REUTERS

Sư tử trỗi dậy

Rạng sáng ngày 13/6/2025, Israel bất thần mở chiến dịch Sư tử trỗi dậy, huy động hơn 200 chiến đấu cơ đồng loạt tập kích vào các mục tiêu nằm ở nhiều khu vực rộng lớn tập trung ở miền bắc Iran. Bằng việc sử dụng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 cùng các loại máy bay F-15, F-16 kết hợp với việc bí mật đưa các đơn vị luồn sâu vào trong lãnh thổ Iran, áp sát tấn công trực tiếp các hệ thống tên lửa phòng không, phía Israel đã hầu như làm chủ hoàn toàn không phận, phá hủy, gây thiệt hại nặng nhiều cơ sở hạt nhân, nhà máy sản xuất tên lửa đạn đạo của Tehran.

Một mục tiêu quan trọng khác chính là các chỉ huy quân sự, các nhà khoa học hàng đầu của Iran, những người mà Tel Aviv cho rằng đóng vai trò thiết yếu trong việc thực hiện chương trình hạt nhân có thể đe dọa đến sự sống còn của Israel. Hàng loạt tướng lĩnh cấp cao đã bị thiệt mạng, trong đó có Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tướng Hosein Salami; Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, tướng Mohammed Bagheri… Israel còn nhắm mục tiêu vào các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, hạ sát cựu giám đốc chương trình hạt nhân của Iran, nhà khoa học Fereidoun Abbasi và nhiều chuyên gia vật lý, hóa học, vật lý hạt nhân…

Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cũng là một trong những mục tiêu bị nhắm đến. Ngay lập tức, Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei được đưa đến một nơi trú ẩn bí mật nằm sâu dưới lòng đất, hạn chế mọi liên lạc với ngay cả những phụ tá thân cận nhất và tuyệt đối tránh sử dụng các hình thức liên lạc bằng thiết bị điện tử.

Có thể nói là với sự giúp đỡ của các cơ quan tình báo, Israel đã thành công trong việc tiêu diệt các chỉ huy quân sự, quan chức tình báo cấp cao cũng như các nhà khoa học hàng đầu Iran, những người đóng vai trò hàng đầu trong chương trình hạt nhân của Tehran. Đây là kiểu tấn công mà Israel đã tiến hành rất thành công trong thời gian gần đây, đặc biệt là nhắm vào Hamas ở Dải Gaza và Hezbollah ở Lebanon, tiêu diệt nhiều chỉ huy cấp cao của hai lực lượng này.

Nhát búa lúc nửa đêm

Kể từ khi Israel tấn công phủ đầu Iran ngày 13/6 rồi sau đó Tehran trả đũa bằng chiến dịch Lời hứa đích thực 3, bắn hàng trăm tên lửa vào nhiều vùng ở Israel, đã xuất hiện những lời đồn đoán rằng Washington sẽ can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ đồng minh Tel Aviv trong xung đột Israel - Iran. Đến ngày 19/6, ngay trước ngày các bộ trưởng ngoại giao châu Âu và đồng nhiệm Iran họp tại Thụy Sĩ tìm giải pháp ngoại giao, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra một tuyên bố, theo đó, ông sẽ đưa ra quyết định hành động (quân sự) hay không “trong vòng hai tuần tới”, căn cứ vào “các tiến triển trong đàm phán có thể (giữa Mỹ) với Iran trong tương lai gần”.

Trong khi các nhà ngoại giao châu Âu và rất có thể cả Tehran, đều cho rằng có ít nhất hai tuần lễ nữa để Mỹ có một quyết định thì ngay đêm 20/6, không quân chiến lược Mỹ đã giáng Nhát búa lúc nửa đêm vào các cơ sở hạt nhân chủ chốt của Iran.

Bảy chiếc máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 Spirit đã ném 14 quả bom xuống hai cơ sở hạt nhân của Iran là Fordow và Natanz, trong khi căn cứ thứ ba, Isfahan, bị tàu ngầm Mỹ phóng 20 tên lửa Tomahawk tấn công. Trong số ba cơ sở này, Fordow là mục tiêu mà Israel đã xác định không thể phá hủy do lẽ nó nằm rất sâu trong lòng một ngọn núi đá.

Có thể thấy là sau khi Israel tấn công phủ đầu và phần nào thành công trong việc xuyên thủng hệ thống phòng không, tiêu diệt phần lớn những chỉ huy cũng các khoa học gia hàng đầu Iran, phía Mỹ nhận thấy đây là thời cơ không thể tốt hơn để ra đòn đánh bồi quyết định nhằm làm tổn hại tối đa chương trình hạt nhân của Tehran. Đó là lý do chính dẫn tới quyết định mở chiến dịch Nhát búa lúc nửa đêm của Washington mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng đã “phá hủy hoàn toàn” các cơ sở hạt nhân của Iran. Có thể đoán chắc chắn một điều là chương trình hạt nhân của Iran đã bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng và Tehran sẽ phải cần một thời gian rất dài nếu có ý định phục hồi lại chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.

Bằng việc trực tiếp tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, Tổng thống Donald Trump đã phá vỡ điều cấm kị mà lâu nay ông vẫn né tránh: trực tiếp can dự vào một cuộc chiến ở bên ngoài nước Mỹ. Đây là một canh bạc chính trị đầy rủi ro, khi mà nước Mỹ có thể bị cuốn vào một cuộc chiến tranh không hồi kết mà không ai biết được sẽ dẫn tới những hậu quả gì.

iran.jpg
Một tòa nhà ở Tehran bị hư hại nặng sau đợt tấn công của Israel ngày 13/6. Ảnh | AP

Nguy cơ “trượt” khỏi các mục tiêu ban đầu

Cuộc tấn công bất ngờ của Israel nhằm vào Iran, tiếp đó là đòn đánh bồi bằng lực lượng không quân chiến lược của nước Mỹ cho thấy một đặc điểm nổi bật của nền chính trị quốc tế ở thời điểm hiện nay: người ta có thể diễn giải những mối đe dọa theo ý mình và dựa trên lý do về “nguy cơ đối với an ninh quốc gia”, có thể tiến hành tấn công phủ đầu để nhằm mục đích loại trừ những nguy cơ đó.

Iran luôn tuyên bố rằng chương trình hạt nhân của họ nhằm mục đích hòa bình và không đe dọa gì đến an ninh của các nước khác. Nhưng cũng không ít lần, Tehran đe dọa sẽ “hất Israel xuống Địa Trung Hải”, xóa bỏ Nhà nước Do Thái khỏi mặt địa cầu. Những tuyên bố như vậy có thể khiến Tel Aviv có lý do để tiến hành các hoạt động nhằm vào chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng nhiều quan chức hàng đầu Israel đã không chỉ một lần tuyên bố không bao giờ chấp nhận cho Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Cả Mỹ cũng vậy. Với việc sử dụng các máy bay chiến lược tàng hình B-2 Spirit trực tiếp oanh kích vào các cơ sở hạt nhân của Iran, Washington muốn “nhất tiễn hạ song điêu”: vừa phá hủy chương trình hạt nhân của nước này, loại bỏ mối nguy cơ an ninh treo lơ lửng trên đầu đồng minh Israel, vừa ép Tehran quay trở lại bàn đàm phán.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu các đợt oanh kích của Israel và Mỹ, vừa phá hủy các cơ sở vật chất như máy ly tâm, lò phản ứng, vừa sát hại các tướng lĩnh và nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, liệu đã đủ khả năng phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân của Tehran hay chưa?

Không một ai trong thời điểm hiện tại có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này.

Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth tuyên bố rằng những cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran không nhằm mục tiêu làm “thay đổi chế độ” ở Tehran. Nhưng lịch sử các cuộc can thiệp quân sự từng nhiều lần cho thấy một khi tiếng nói của bom đạn thay thế cho đối thoại thì không loại trừ khả năng từ những mục tiêu hẹp ban đầu đã trượt sang các mục tiêu rộng lớn hơn, lâu dài, phức tạp và khó giải quyết hơn. Các cuộc can thiệp của Mỹ ở Afghanistan và Iraq đã cho thấy điều đó.

Từ “sư tử trỗi dậy” đến “nhát búa” rồi “lời hứa đích thực” đều sử dụng thứ ngôn ngữ chung là tên lửa, UAV hoặc bom GBU-57, Trung Đông đang ở trong thời khắc nguy hiểm và khó đoán định nhất trong suốt lịch sử nhiều thập niên xung đột ở vùng đất này.

back to top