Di sản văn hóa
Từ bao đời nay, bánh chưng làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, Thanh Trì) đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về. Cái tên làng gắn liền với hương thơm nồng nàn của lá dong, vị béo ngậy của đậu xanh và thịt mỡ quyện hòa trong từng chiếc bánh chưng. Nghệ thuật gói bánh chưng ở đây không chỉ là một nghề thủ công mà còn là di sản văn hóa được cha ông truyền lại, mang đậm dấu ấn của một làng quê Việt Nam xưa.
Bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng bởi độ thơm dẻo, dù để nguội cũng không bị cứng. Đã có 45 năm giữ nghề truyền thống, bà Đặng Thị Thảo (60 tuổi, chủ cơ sở bánh chưng Điềm Thảo) cho biết, từ những nguyên liệu sẵn có, chỉ cần khoảng 20 giây để gói một chiếc bánh chưng vuông vắn mà không cần khuôn. Sự thuần thục ấy khiến bất cứ ai chứng kiến cũng phải trầm trồ thán phục.
"Từ khâu chọn gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ đến việc gói và luộc bánh đều đòi hỏi sự khéo léo. Gạo phải là gạo Hải Hậu (Nam Định), nhân đỗ ngậy và thơm từ An Khê (Gia Lai). Mỗi nguyên liệu đều được lựa chọn kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng tốt nhất. Chính vì vậy, bánh chưng Tranh Khúc luôn có hương vị đặc trưng, thơm ngon và đậm đà rất riêng", bà Thảo cho biết.
Trong vụ Tết, mỗi ngày tại hộ sản xuất Điềm Thảo cung cấp ra thị trường khoảng hơn 1.000 chiếc bánh chưng. 14 nhân công chia nhau các công đoạn từ chuẩn bị lá, nguyên liệu rồi gói, luộc, vớt bánh đều là những anh em trong gia đình. Dây chuyền sản xuất hoàn toàn bằng sức người, bảo đảm bánh nào cũng thơm dẻo, chất lượng như nhau.
Điểm đến hấp dẫn
Trong khi nhiều làng nghề truyền thống đang dần mai một, bánh chưng Tranh Khúc lại chứng kiến một sự hồi sinh đáng kinh ngạc. Người dân nơi đây không chỉ giữ gìn nghề truyền thống mà còn tìm ra những cách thức mới để phát triển sản phẩm, khiến bánh chưng vốn đã gần gũi nay lại càng phổ biến hơn trong đời sống hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Văn Mão cho biết, làng nghề Tranh Khúc luôn được thành phố và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. UBND xã cùng phòng y tế thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho bà con, bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở từng hộ gia đình sản xuất. Hương vị quê nhà được gói trọn trong từng chiếc bánh chưng trở thành sứ giả văn hóa, mang hương vị truyền thống đến mọi miền Tổ quốc.
“Nằm trên “Con đường di sản Nam Thăng Long” (Thường Tín - Phú Xuyên - Thanh Trì), xã Duyên Hà đang trong quá trình xây dựng các quy chế, thiết kế tour du lịch làm nông nghiệp trên địa bàn xã, kết hợp du lịch tâm linh và du lịch trải nghiệm làm bánh chưng”, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Văn Mão chia sẻ.
Kết hợp giữa việc giới thiệu sản phẩm truyền thống và tổ chức các hoạt động trải nghiệm hiện đại, mô hình du lịch này hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị và độc đáo. Đây là một cách làm hay để quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Làng nghề Tranh Khúc đã khéo léo kết hợp giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại. Bánh chưng vẫn giữ nguyên hương vị thơm ngon đặc trưng, nhưng lại được khoác lên mình một chiếc áo mới, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay. Điều này đã tạo nên một nét độc đáo riêng cho làng nghề và sản phẩm của làng.
Người Tranh Khúc tin rằng, hương vị đặc biệt của bánh chưng không chỉ đến từ bàn tay khéo léo của người làm bánh mà còn từ sự ưu đãi của thiên nhiên. Bí quyết để bánh chưng Tranh Khúc không thể lẫn vào đâu được chính là nguồn nước giếng làng trong veo, mang đến một hương vị thanh mát, khó tả. Chính vì vậy, người dân Tranh Khúc luôn gìn giữ nguồn nước quý giá này như một báu vật.