Khai thác tiềm năng
Sóc Trăng có bờ biển dài 72 km, với ba cửa sông chính: Ðịnh An, Trần Ðề, Mỹ Thanh đổ ra Biển Ðông. Vùng biển Sóc Trăng có nhiều ngư trường với nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú. Hằng năm, nước biển xâm lấn tạo thành một vùng nước mặn-lợ, chưa kể hàng nghìn ha đất bãi bồi ven sông, biển, là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Ðến nay, toàn tỉnh có 1.119 tàu, thuyền đánh bắt hải sản với tổng công suất 88.869 CV, trong đó 220 tàu đánh bắt xa bờ.
Nếu so với cách đây ba năm, số tàu, thuyền tăng gần 120 chiếc, đặc biệt tàu công suất từ 380 CV trở lên năm 2005 không có chiếc nào, đến nay đã có gần 50 chiếc. Sản lượng khai thác thủy sản tăng đáng kể, bình quân mỗi năm đạt 28 - 30 nghìn tấn. Ngoài các nghề cào đôi, lưới vây, lưới đèn, nhiều ngư dân chuyển hướng sang nghề câu mực xuất khẩu, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Việc nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú đang phát triển mạnh ở các huyện ven biển trong tỉnh. Ðến nay, tỉnh đã đầu tư gần 1.300 tỷ đồng cho 40 dự án phát triển nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình thủy lợi phục vụ 60 nghìn ha nuôi tôm, cá các loại. Hàng nghìn ha đất hoang hóa ở Long Phú và dọc bờ sông Mỹ Thanh đã trở thành những vuông tôm công nghiệp, bán công nghiệp.
Hơn 20 nghìn ha đất nhiễm mặn, trồng lúa kém hiệu quả ở xã Vĩnh Hiệp, Khánh Hòa, Hòa Ðông, Lai Hòa, Vĩnh Tân... (Vĩnh Châu) đã chuyển sang nuôi tôm. Mạng lưới dịch vụ kinh doanh giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản phát triển mạnh với gần 800 đại lý. Năm 2005, tỉnh chỉ có khoảng 40 nghìn ha nuôi tôm sú chính vụ, đến nay tăng lên 48.148 ha. Các mô hình nuôi tôm ngày càng đa dạng, trong đó diện tích nuôi công nghiệp, bán công nghiệp chiếm 26.610 ha, còn lại nuôi theo hình thức quảng canh (tôm-lúa, tôm-rừng) với số lượng thả nuôi hơn sáu tỷ con giống/năm. Công nghệ nuôi được cải tiến theo hướng thân thiện với môi trường, nhất là nuôi tôm bằng công nghệ sinh học.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 80% số hộ nuôi tôm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào vụ nuôi. Năm 2008, Sóc Trăng đạt sản lượng gần 54 nghìn tấn tôm, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, đem lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Ngoài con tôm sú nước lợ, phong trào nuôi cá nước ngọt, tôm càng xanh cũng tăng nhanh ở các huyện Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Kế Sách, Cù Lao Dung. Ðến nay, tỉnh đã có 11.390 ha, trong đó có 224 ha diện tích nuôi cá tra với sản lượng đạt 44.800 tấn.
Chưa đầu tư đúng mức
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với ngành thủy sản Sóc Trăng là thiếu cơ sở vật chất-kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, chưa đầu tư đúng mức, nhất là hệ thống chế biến đông lạnh, cho nên chưa tạo được những sản phẩm có giá trị cao. Mặt khác, tình trạng ngư dân khai thác bừa bãi, không theo mùa vụ, trong khi nguồn tài nguyên ven bờ đang cạn kiệt dần.
Thực hiện Chương trình đánh bắt xa bờ tuy có mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng nhiều tàu, thuyền do trang bị thiếu đồng bộ, nên hiệu quả đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nguồn lực đầu tư. Việc chuyển đổi nghề cho lực lượng tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ khó khăn. Tình trạng đánh bắt ven bờ hủy diệt nguồn lợi thủy sản chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Công tác tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhiều hạn chế, hệ thống cảng cá chưa hoàn chỉnh. Cả tỉnh chỉ có một cảng cá Trần Ðề, trong khi số lượng tàu, thuyền rất lớn. Hiện tượng tranh mua tranh bán phức tạp, ngư dân thường bị ép giá do phụ thuộc các chủ vựa. Các cơ sở thu mua, chế biến trong khu vực cảng chưa nhiều, năng lực hạn chế, chưa đủ đối trọng để có thể cạnh tranh với các chủ vựa.
Khâu bảo quản sản phẩm sau khai thác chưa cao dẫn đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu bị giảm sút. Nghề cá ở Kinh Ba, Trung Bình, Vĩnh Châu phát triển mạnh nhưng chưa có cơ sở chế biến tại chỗ, công tác tiếp thị chưa được chú trọng nên không tạo được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù sản lượng khai thác có tăng, nhưng khâu tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do giá sản phẩm sụt giảm mạnh, nhiều ngư dân thua lỗ.
Phong trào nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú xuất khẩu phát triển mạnh, nhưng sản lượng vẫn ở mức thấp, chưa tương xứng tiềm năng. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm yếu kém, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Do chạy theo lợi ích trước mắt, đã có vụ sản xuất, ngư dân tự ý thả nuôi không đúng quy trình kỹ thuật làm tôm chết hàng loạt trên diện rộng với hơn 14 nghìn ha, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ðó là chưa nói đến tình trạng do trước đây nuôi trồng tràn lan, môi trường bị ô nhiễm nặng, có nơi không nuôi tôm được nữa phải chuyển sang các đối tượng nuôi khác, hoặc trồng lúa trở lại. Một trong những thử thách lớn nữa mà người nuôi trồng thủy sản phải vượt qua là giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm để nâng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Bởi hiện nay, con tôm sú đang bị tôm thẻ chân trắng cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, do tôm thẻ chân trắng dễ nuôi và có năng suất cao gấp hai lần so với tôm sú, nên giá thành sản xuất hạ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì thế con tôm sú, mặc dù có chất lượng ngon, nhưng giá bán cao nên việc tiêu thụ trở nên khó khăn, dần mất thị phần. Hơn nữa, việc vay vốn nuôi tôm cũng là bài toán nan giải đối với người nuôi tôm. Hiện nay, các ngân hàng hạn chế cho vay do nuôi tôm gặp nhiều rủi ro. Theo kết quả điều tra của ngành thủy sản, vụ tôm năm 2008, toàn tỉnh chỉ có 40% số hộ nuôi có lời, và 40% số hộ nuôi tôm bị lỗ vốn.
Giải pháp tháo gỡ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trương Minh Chánh cho biết, Sóc Trăng xác định đầu tư phát triển thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Vì vậy, tỉnh hết sức chú trọng việc phát triển một cách toàn diện, kể cả về quản lý, bảo vệ, khai thác, nuôi trồng và chế biến.
Theo đó, tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản quy mô lớn với dây chuyền hiện đại, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Quy hoạch đầu tư xây dựng các cảng cá ở vùng trọng điểm nghề cá như Ðại Ngãi, Kinh Ba, Vĩnh Châu. Cùng với việc tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để cải hoán, đóng mới phương tiện đánh bắt xa bờ, tỉnh xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá vững chắc trên biển để tiếp sức cho ngư dân. Ðã tổ chức tốt hơn công tác dự báo ngư trường, mùa vụ; sắp xếp lại hệ thống thu mua; tập huấn kỹ thuật đánh bắt và bảo quản sau khai thác...
Trước mắt, đầu tư phát triển cơ sở dịch vụ hạ tầng nghề cá như giao thông, điện, nước; thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ, gồm những con tàu làm nhiệm vụ cung ứng hậu cần và thu mua sản phẩm ngay trên biển để tránh tư thương ép giá, giúp ngư dân bám biển dài ngày hơn, giảm bớt chi phí khai thác.
Ðể đạt mục tiêu từ nay đến năm 2020 với tổng sản lượng 97,5 nghìn tấn tôm nguyên liệu, 320 nghìn tấn cá tra, 90 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản, đạt kim ngạch xuất khẩu 900 triệu USD, tỉnh ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi và hạ tầng cơ sở vùng nuôi tôm một cách đồng bộ; mở rộng khai thác nuôi trồng thủy sản, trong đó chú trọng nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp (diện tích nuôi tôm sú 35 nghìn ha, cá tra 4 nghìn ha, nghêu 2,5 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng 1,5 nghìn ha...); hình thành vùng nuôi tôm tập trung theo công nghệ cao.
Tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn, đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Ðầu tư con giống, xử lý bảo vệ môi trường, bảo đảm thời vụ, tăng cường công tác quản lý giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Hướng dẫn ngư dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình nuôi trồng thủy sản, thả nuôi mật độ thưa để tôm thu hoạch đạt kích cỡ lớn, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Thực hiện việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp chế biến với ngư dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp ngư dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: ÐỖ NAM