Khó triển khai cho thuê vỉa hè ở Hà Nội

Trong bối cảnh đô thị phát triển, cho thuê vỉa hè Hà Nội nhằm tạo nguồn thu là một chủ trương đang được quan tâm nghiên cứu. Nhưng điều này đang gặp phải rào cản là thực trạng vỉa hè hẹp, bị lấn chiếm và quy hoạch không đồng bộ.
Một đoạn vỉa hè phố Hàng Bông. Ảnh: SONG ANH
Một đoạn vỉa hè phố Hàng Bông. Ảnh: SONG ANH

Lộn xộn như... vỉa hè phố cổ

Trên nhiều tuyến phố như Hàng Gai, Hàng Mã và Hàng Buồm, vỉa hè đang bị lấn chiếm do hoạt động kinh doanh của các hộ dân. Dạo qua các tuyến phố cổ, không khó bắt gặp hình ảnh các cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ ăn, quán cà-phê và những tiểu thương bán hàng rong đặt các quầy hàng xâm chiếm các vỉa hè, lấn chiếm làn đường dành cho người đi bộ.

Điều này ảnh hưởng đến an toàn giao thông, giảm chất lượng không gian công cộng, từ đó ảnh hưởng đến mỹ quan và cả môi trường khu vực phố cổ. Các tuyến hè phố vốn là nơi giao thoa giữa không gian sinh hoạt của người dân và du khách, nay bị đe dọa vì quá tải hoạt động kinh doanh, khiến người dân buộc phải chen lấn dưới lòng đường.

TP Hà Nội đã chủ trương dẹp các hàng rong, chợ tạm, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan mật thiết đến sinh kế của nhiều người dân, nên hiện tại chủ trương này vẫn chưa thể thành công. Trong bối cảnh đó, việc cân bằng giữa nét văn minh thanh lịch, thúc đẩy văn hóa du lịch và bảo đảm sinh kế cho người dân đã trở thành một bài toán lớn. Đề xuất cho thuê vỉa hè Hà Nội là một hướng tiếp cận mới. Nếu được quản lý bài bản, mô hình này có thể tạo ra nguồn bổ sung cho ngân sách thành phố, đồng thời vẫn kích hoạt hoạt động kinh doanh, đặc biệt tại các khu trung tâm và phố cổ.

Hiện tại, quận Hoàn Kiếm là địa bàn đầu tiên thí điểm cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021. Ban đầu, việc thí điểm được thực hiện tại 4 địa điểm: 30A và 94 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu và 15 Ngô Quyền, chủ yếu phục vụ các hoạt động kinh doanh cà-phê, giải khát và đồ ăn nhanh. Mức phí cho thuê vỉa hè tại các địa điểm này được quy định là 45 nghìn đồng/m²/tháng, với thời gian cấp phép sử dụng tạm thời mỗi lần là 6 tháng. Các hàng quán được sử dụng không gian để kinh doanh, và phải bảo đảm đáp ứng diện tích 1,5 m còn lại để bố trí khu vực cho người đi bộ.

Hài hòa lợi ích mới bền

Hiện, Sở Xây dựng đã hoàn thành dự thảo đề án, theo khảo sát có 273 tuyến phố đủ điều kiện, tiêu chí sử dụng tạm thời một phần hè phố để kinh doanh và trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, đề xuất này đang gặp nhiều vướng mắc.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện đề án cho thuê vỉa hè ở Hà Nội chính là các vướng mắc liên quan đến pháp luật. Cụ thể, tại Điều 8 và Điều 36 Luật Giao thông đường bộ quy định không được sử dụng vỉa hè, lòng đường vào mục đích ngoài giao thông.

Bên cạnh đó, những đề án trước đây thường chỉ mang lại lợi ích cho một phía. Thí dụ, người quản lý vỉa hè có thể quản lý dễ dàng hơn hoặc những người thuê vỉa hè hưởng lợi, nhưng quyền lợi của các bên liên quan khác hầu như không được xem xét đầy đủ. Vì vậy, sự thành công của đề án lần này phụ thuộc vào việc đánh giá toàn diện các yếu tố, cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích và bất lợi của tất cả các bên liên quan.

Ngoài ra, đề án cũng đưa ra 6 tiêu chí quan trọng, trong đó yêu cầu vỉa hè đủ điều kiện phải có chiều rộng tối thiểu 3 m (1,5 m dành riêng cho người đi bộ) và phải bảo đảm các yếu tố an toàn, vệ sinh, chỗ đỗ xe cho khách cũng như có sự tham gia ý kiến của người dân. Tuy nhiên, mức giá thuê hiện nay từ 20-40 nghìn đồng/m²/tháng là quá thấp so chi phí xây dựng và giá đất thực tế, dẫn đến nguy cơ biến vỉa hè thành “chợ tạm” với hoạt động kinh doanh tràn lan.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội cho rằng cần bổ sung các quy định cụ thể để bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp, tránh trường hợp lấn chiếm không gian công cộng gây ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt hằng ngày. Mô hình cho thuê vỉa hè tại Hà Nội hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế và góp phần cải thiện cảnh quan đô thị, nhưng thành công của nó phụ thuộc lớn vào việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng, quy hoạch đồng bộ và phân phối hợp lý giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng.

Hà Nội có khoảng 1.100 tuyến đường, tương ứng với số lượng lòng đường trên địa bàn thành phố. Theo một khảo sát tại hơn 120 tuyến phố, có đến hơn 92% xuất hiện tình trạng lấn chiếm vỉa hè, chủ yếu để phục vụ các hoạt động kinh doanh quán ăn, cà-phê, cửa hàng bán quần áo, đồ lưu niệm...