1/Dự án cải tạo có chiều dài khoảng 720 m, điểm đầu giao với đường Nguyễn Trãi, điểm cuối tại ngõ 162 Nguyễn Tuân. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ có mặt cắt ngang rộng 21 m, lòng đường rộng 15 m, vỉa hè mỗi bên rộng 3 m. Đây là dự án nhằm giảm ùn tắc giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Đằng sau việc mở rộng đường thường là sự xuất hiện của một vài ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” làm xấu bộ mặt đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các hộ dân cũng như vi phạm quy định xây dựng. Để ngăn chặn tình trạng khi thực hiện các dự án chỉnh trang, xây dựng hạ tầng giao thông, TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 61 ngày 27/9/2024. Trong đó Điều 15 của quyết định nêu rõ, trường hợp không đủ điều kiện tồn tại đối với đất ở là trường hợp diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới
15 m2, kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so chỉ giới xây dựng dưới 3 m. Đối với thửa đất sau thu hồi không có lối đi và có diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa cũng sẽ không được tồn tại. Đối với đất khác, thửa đất sau khi thu hồi có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 50 m2 không đủ điều kiện tồn tại. Quyết định trên được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết triệt để tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” vốn là vấn đề nóng trong quản lý đô thị suốt nhiều năm qua.
![]() |
3 ngôi nhà "siêu mỏng" đang tồn tại trên con đường Nguyễn Tuân. |
2/Được biết, ngày 13/1/2025, UBND quận Thanh Xuân có Văn bản số 92/UBND-QLĐT về việc quản lý xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng (“siêu mỏng, siêu méo”) khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch trên địa bàn quận. Theo đó, tại đường Nguyễn Tuân, UBND phường Thanh Xuân Trung sẽ là đơn vị phải chủ động rà soát, kiểm tra xử lý thửa đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng sau giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng như quản lý chặt chẽ không để các chủ sử dụng đất tự ý xây dựng công trình “siêu mỏng, siêu méo”. Đồng thời liên hệ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận và các đơn vị có liên quan khác kiên quyết dỡ bỏ toàn bộ công trình, bộ phận công trình, vật kiến trúc trên nền đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng. Cùng với đó là hướng dẫn người dân hợp thửa nếu đủ điều kiện, lập danh sách báo cáo UBND quận Thanh Xuân thu hồi diện tích còn lại sau GPMB không đủ điều kiện tồn tại.
Thế nhưng ngay sau khi hoàn thành GPMB trên tuyến phố Nguyễn Tuân đã mọc lên những ngôi nhà “siêu mỏng”, ngang nhiên tồn tại khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc. Nổi bật là các số nhà 122, 124, 126 Nguyễn Tuân diện tích sau thu hồi chỉ còn lại từ 6-8 m2, có chiều cao khoảng 2 tầng, lợp mái tôn, đã làm cửa xếp khóa kín. Cách đó không xa tại nút giao Nguyễn Tuân-Nguyễn Huy Tưởng lại có một ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” khác mà tầng 1 chỉ vừa đủ một cầu thang kiểu lắp ghép như thách thức người qua lại tuyến phố mỗi ngày.
![]() |
Nhà "siêu mỏng, siêu méo" chỉ đủ 1 cầu thang lắp ghép. |
Qua trao đổi, ông Bùi Đắc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân, đơn vị chủ đầu tư cho biết, việc thu hồi đất các hộ dân đã được thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Hiện các cơ quan chức năng đang rà soát, lên danh sách, sơ bộ có khoảng từ 5-7 ngôi nhà có diện tích sau GPMB không đủ điều kiện tồn tại theo quy định. Đối với các trường hợp phải thu hồi sẽ thực hiện theo quy định, đơn giá Nhà nước, người dân không thể lợi dụng tình hình để xây dựng trái phép đòi đền bù. Ông Hùng cũng cam kết không để nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại khi dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân hoàn thành xong trong tháng 9 tới.
Với việc ban hành Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND, hành lang pháp lý về việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” đã được củng cố. Tuy nhiên theo một số chuyên gia đô thị, cần tiếp tục bổ sung các giải pháp xử lý cụ thể và đột phá. Ngoài ra, cũng cần căn cứ điều kiện thực tiễn, phân vùng với các khu vực để đưa ra các tiêu chí, quy định cụ thể về nhà “siêu mỏng, siêu méo”, trên cơ sở đó có giải pháp xử lý thích ứng với từng khu vực cũng như chính sách đền bù và hỗ trợ đặc biệt.