Mùa sưa vàng xứ Quảng

Cứ vào tháng 4, hoa sưa vàng ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) lại bung nở. Những thân cây có hoa vàng nổi bật và mùi hương bay khắp nơi đã trở thành loài hoa đặc trưng có mặt trên nhiều tuyến đường chính của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Làng sinh thái Hương Trà là nơi sở hữu quần thể sưa vàng cổ thụ quý hiếm.
Làng sinh thái Hương Trà là nơi sở hữu quần thể sưa vàng cổ thụ quý hiếm.

Rực rỡ sắc hương

Làng sinh thái Hương Trà (phường Hòa Hương) là nơi duy nhất sở hữu quần thể sưa cổ thụ hiếm có với tuổi đời trung bình hơn 100 năm, được người dân qua các thế hệ trồng, chăm sóc và phát triển. Hiện ở đây có 9 cây sưa lâu năm nhất đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là Cây di sản Việt Nam. Con đường qua làng mà người dân địa phương thường gọi với cái tên quen thuộc là “con đường hoa sưa” trở thành nét đặc trưng của làng quê Hương Trà. Cửu lý hương (tức hương bay xa 9 dặm) cũng là một tên gọi khác của hoa sưa vàng. Thông thường hoa sẽ nở rộ vào đợt thứ hai, cách đợt một khoảng 8 đến 10 ngày. Hoa có mầu vàng tươi với cuống dài, có mùi thơm. Chùm hoa tồn tại trên cành từ 3 đến 5 ngày mới rơi xuống đất tạo thành thảm hoa vàng.

Cây sưa vàng đã làm đẹp cho quê hương Hương Trà nói riêng và TP Tam Kỳ nói chung, trở thành nơi thương nhớ, đi về của bao thế hệ người dân. Đến mùa trổ bông thường có hàng nghìn lượt du khách tìm đến chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn và chụp ảnh lưu niệm. Chị Phạm Thị Lê Chi đến từ Hà Nội cho biết may mắn đã có chuyến công tác đến với làng Hương Trà đúng dịp. “Tôi nghĩ khu vực làng Hương Trà đang sở hữu đường cây di sản đẹp nhất và không nơi nào có được hàng cây có hoa thơm thế này”, chị Chi bày tỏ.

Sau hành trình khám phá Hội An, lần đầu tiên đến với Tam Kỳ, càng đặc biệt hơn gặp hoa sưa nở, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, TP Hồ Chí Minh cho biết thêm: “Hàng sưa cổ thụ đẹp một cách kỳ lạ và lôi cuốn. Tôi không chỉ ngồi thuyền ngắm hoa mà còn đi dạo dưới hàng cây và khám phá nét đẹp cổ kính của làng Hương Trà, một làng quê bình dị và xanh mát”.

Ngoài hàng sưa cổ thụ hàng trăm tuổi chạy dọc sông, từ năm 2010, TP Tam Kỳ đã có chủ trương bảo tồn, nhân giống phát triển thành cây đô thị với mong muốn tương lai xây dựng được thương hiệu “thành phố hoa sưa vàng”. Theo thống kê, hiện cây sưa được trồng nhiều trên các tuyến đường chính với tổng cộng hơn 5.000 cây.

Phát triển du lịch từ hoa

Nằm ngay ngã ba sông ở phía đông, được ôm ấp bởi các con sông Tam Kỳ - Kỳ Phú nên đất đai màu mỡ, ruộng vườn xanh tốt, trong những năm kháng chiến, vùng đất Hương Trà có phong trào cách mạng lớn mạnh và là nơi đóng căn cứ hoạt động của đội công tác nội ô thị xã Tam Kỳ. Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Hương Trà gắn liền với sự hình thành, phát triển của xã Tam Kỳ đến phủ Tam Kỳ xưa và TP Tam Kỳ ngày nay.

Theo các bậc cao niên trong làng, suốt quá trình xây dựng và phát triển, để phòng tránh thiên tai lụt bão làm sạt lở bờ sông, đe dọa đến diện tích đất ở, đất nông nghiệp, cây cối mùa màng, người dân đã chọn cây sưa. Đây là loại cây thân gỗ, không mối mọt, rễ cây cứng, cắm chắc vào đất, cành dẻo không bị gãy bởi gió bão trồng dọc bờ sông. Từ những cây sưa được trồng ngày trước đã hình thành nên con đường hoa sưa cổ thụ hàng trăm năm tuổi chạy dọc sông Tam Kỳ như hiện tại.

Hướng đến xây dựng thương hiệu “Tam Kỳ - Thành phố hoa sưa vàng” gắn với việc hình thành điểm du lịch, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Nam, từ năm 2017, Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa” được xem là một chuỗi hoạt động đặc sắc của vùng đất Tam Kỳ. Điều đặc biệt tại lễ hội năm nay, Làng du lịch sinh thái Hương Trà đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam công nhận là điểm du lịch sinh thái. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của địa phương, trở thành điểm đến trong “sổ tay” du lịch của nhiều đơn vị lữ hành.

Ngoài việc được ưa chuộng trồng làm cây bóng mát, thân cây sưa vàng còn có thể dùng làm đồ gia dụng và mỹ nghệ nhưng đang đứng trước nguy cơ bị khai thác quá mức. Hiện giáng hương ấn đã được ghi nhận trong Danh sách đỏ của IUCN - Liên minh Quốc tế bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên với cấp đánh giá “nguy cấp - EN” để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.