Lâm Sơn có mười thôn: Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Phú, Lâm Quý, Tầm Ngân 1, Tầm Ngân 2, thôn Gòn 1, thôn Gòn 2, Tân Bình và Lập Lá với tổng dân số toàn xã là hơn ba nghìn hộ, với gần 15 nghìn người. Diện tích tự nhiên là 15 nghìn ha (chủ yếu là đất rừng), trong đó có 1 nghìn 217 ha đất trồng lúa mỗi năm ba vụ, năng suất bình quân 50 tạ/ha/vụ và hơn hai nghìn ha trồng cây lâu năm và các loại cây màu ngắn ngày khác như mì, mía... Phó Chủ tịch Mặt trận xã Trần Văn Hân, phấn khởi khoe: Vụ thu hoạch trái cây miền Tây Nam Bộ năm nay, nông dân trúng lắm, có hộ lãi hàng trăm triệu đồng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Thắc mắc vì sao Lâm Sơn lại trồng được các loại cây này, ông Hân giải thích: Là vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Ðồng, địa hình của xã nằm ở độ cao khoảng 600 m so với mặt nước biển, cộng với diện tích tự nhiên chủ yếu là rừng, cho nên Lâm Sơn có ảnh hưởng một phần khí hậu mát mẻ của cao nguyên, không chịu nắng nóng như các vùng khác ở Ninh Thuận. Vì vậy, thổ nhưỡng ở đây thích hợp trồng những giống cây ăn trái của những tỉnh khác hơn là trồng các loại cây đu đủ, dừa có nguồn gốc địa phương.
Hơn mười năm qua, người dân Lâm Sơn đã trồng nhiều sầu riêng, măng cụt, bưởi, chôm chôm... nhưng chủ yếu mang tính tự phát, tức là nông dân trồng xen với các loại cây màu ngắn ngày như: đậu xanh, bắp, chuối trên đất rẫy được khai hoang. Bà con gọi là "vườn tạp", hiệu quả sản xuất có chuyển biến nhưng chưa cao. Năm 2000, xã đề ra chủ trương chuyển đổi "vườn tạp" thành "vườn tập trung". Ðến nay, hàng trăm hộ đã và đang chuyển sang mô hình mới. Nông dân mạnh dạn cải tạo diện tích, phá bỏ những loại cây bản địa năng suất kém, giá trị kinh tế thấp để đầu tư vốn chuyển sang trồng sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít ruột đỏ, xoài... mang lại thu nhập cao. Một trong những người tiên phong của việc chuyển đổi này cách đây hơn chục năm là hộ ông Phan Viết Khanh, ở thôn Lâm Phú, đầu tư mô hình vườn - ao - chuồng với diện tích khoảng năm ha. Qua thực tế, thấy được hiệu quả kinh tế, nông dân Lâm Sơn đã nhân rộng và phát triển "vườn tập trung". Ðến nay, có hàng chục hộ thành lập trang trại trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Bé ở thôn Tầm Ngân 2 phấn khởi nói: "Mấy năm trước, cây lớn chưa đều, nên thu nhập cũng bình thường. Năm nay, mấy chục cây sầu riêng hạt lép được trồng năm 2005 đồng loạt cho trái, có trái nặng gần năm kg. Ước thu hoạch khoảng năm tạ. Với giá bán cho thương lái từ 20 đến 25 nghìn đồng/kg, tôi thu hơn chục triệu đồng. Nếu cộng với tiền bán chôm chôm, mít ruột đỏ... thu lãi khoảng 30 triệu đồng".
Ghé trang trại rộng 3,5 ha của ông Nguyễn Hồng Sâm gần đó, gia đình cho biết, đã thu hoạch khoảng 70% số lượng trái sầu riêng, mít ruột đỏ, thu nhập ban đầu khoảng 90 triệu đồng. Hộ ông Phạm Viết Mộc ở thôn Lâm Bình, đang thu hoạch ba sào chôm chôm giữa mùa, thu nhập 12 triệu đồng hay hộ ông Trần Văn Anh ở thôn Lâm Quý, lãi từ 50 cây sầu riêng, 50 cây măng cụt, 100 cây chôm chôm hơn 30 triệu đồng. Cá biệt là hộ anh Nguyễn Văn Cường ở thôn Lâm Bình. Thu nhập từ ba ha trồng sầu riêng và măng cụt được hơn 100 triệu đồng. Anh Cường nói vui: Ban đêm thú vị lắm! Ðầu đêm tha hồ tận hưởng hương thơm của sầu riêng chín lan tỏa khắp vườn. Giữa đêm tới sáng không ngủ được, vì phải đi từng gốc cây để thu gom trái. Cứ nghe một tiếng "bịch" (trái sầu riêng chín tự rụng), là mình có 100 nghìn đồng.
Cán bộ kinh tế - kế hoạch xã Nguyễn Thành Tín cho biết thêm, từ hiệu quả mang lại, xã được tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận để thực hiện đề án phát triển vùng cây ăn trái đặc sản Lâm Sơn khoảng 200 ha. Trước mắt, trong năm 2012, xã tập trung cho 15 hộ ở thôn Gòn 2 triển khai trồng năm ha. Số diện tích còn lại sẽ được 150 hộ thực hiện đến năm 2015.
Anh Tín nói chắc nịch: Nơi đây sẽ trù phú khi đề án "vùng cây ăn trái đặc sản" mang thương hiệu Lâm Sơn hoàn thành. Nếu ghép bốn từ cuối trong tên gọi của bốn thôn chủ lực là: Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Phú, Lâm Quý lại với nhau thành bốn chữ "hòa bình - phú quý", anh sẽ thấy vùng đất này hội tụ những điều tốt đẹp nhất. Ðây là câu nói thường ngày cũng như tâm ý của người dân Lâm Sơn đang hướng về sự vươn lên, trong đó mô hình phát triển "vườn tập trung" là một trong những nguồn kinh tế chủ lực để Lâm Sơn thoát nghèo bền vững.