Sôi nổi phong trào “Bình dân học vụ số” ở cơ sở
Tại phường An Phú, thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương), những ngày qua, các bạn đoàn viên, thanh niên và đội ngũ tình nguyện viên của phường đã nhiệt tình hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng “Bình Dương số”, thiết lập tài khoản định danh điện tử, cài đặt chữ ký số cá nhân phục vụ giao dịch số và các tiện ích khác trên điện thoại thông minh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1959) ở khu phố 3, phường An Phú chia sẻ: “Thời gian gần đây, chúng ta nghe rất nhiều đến việc đi khám bệnh, nộp hồ sơ xin việc, rồi đóng tiền điện, tiền học của con cháu... tất cả đều đang dần chuyển sang làm thủ tục qua mạng, qua điện thoại. Có thể với người trẻ tuổi thì đây là vấn đề đơn giản, nhưng với nhiều người dân, nhất là người lớn tuổi, lao động phổ thông thì thật sự mới lạ, thậm chí gây lo lắng. Chính vì vậy, khi được hướng dẫn chuyển đổi số qua phong trào “Bình dân học vụ số”, người dân được làm quen và sử dụng công nghệ thực hiện các thủ tục hành chính đã thấy được sự tối ưu của các ứng dụng này, thuận tiện và giảm bớt thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian tối đa”.
Bà Trần Thị Mỹ Dung, Phó Bí thư Chi bộ khu phố 3, phường An Phú cho biết: Dùng công nghệ giờ đây không còn là chuyện của lớp trẻ, mà người lớn tuổi, người buôn bán nhỏ, công nhân, nông dân cũng cần biết để cuộc sống thuận tiện và chủ động.
Đặc biệt, phong trào “Bình Dân học vụ số” tại địa phương đang hướng đến việc “học nhanh, học dễ, học đâu làm đó”. Không có gì phải ngại vì sẽ có người hướng dẫn tận tình, từng bước một, mỗi buổi học chỉ khoảng 30 phút; học bằng hình ảnh, video minh họa giúp họ có thể áp dụng được ngay.
Tại khu phố, phong trào “Bình dân học vụ số” đang diễn ra sôi nổi với định kỳ hằng tuần có các buổi học cộng đồng. Các Tổ dân phố phối hợp Tổ công nghệ số cộng đồng, Đoàn thanh niên, doanh nghiệp công nghệ số, Hội Phụ nữ và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cử hội viên có hiểu biết công nghệ hướng dẫn người dân, nhất là người cao tuổi, lao động phổ thông biết sử dụng các nền tảng, dịch vụ số, internet để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán số, nhất là an toàn số và chăm sóc sức khỏe trực tuyến…
Nhờ được học rất cụ thể mà nhiều người đã biết cách sử dụng điện thoại thông minh, cách cài đặt, dùng ứng dụng như VNeID, tra cứu thông tin, biết ký số, giao dịch và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bà con cũng đã biết cách thanh toán điện tử như đóng tiền điện, nước, học phí hay nhận tiền trợ cấp từ Nhà nước. Tất cả đều có thể làm ngay trên điện thoại, không cần chen chúc xếp hàng như trước đây.
Trung tá Phạm Duy Khánh, Phó Trưởng Công an phường An Phú khẳng định: Ngoài những tiện ích trên, thông qua “Bình dân học vụ số” tại cơ sở cũng giúp hướng dẫn người dân cách bảo vệ thông tin trên không gian mạng như không bấm vào đường link lạ, không nghe lời dụ dỗ chuyển tiền và cần biết báo công an khi thấy có dấu hiệu lừa đảo. Những kiến thức này thật sự cần thiết trong cuộc sống hôm nay.
Triển khai nhanh, kết nối rộng, ứng dụng thông minh
Nếu phong trào “Bình dân học vụ” trong những năm đầu khi đất nước mới độc lập, vào năm 1945 là để “ai cũng biết đọc, biết viết” nhằm xóa “giặc dốt”, thì “Bình dân học vụ số” hôm nay là nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số; mọi người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày nhằm nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang lại.
Thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”, ngày 22/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Kế hoạch quán triệt, tuyên truyền và triển khai phong trào trên địa bàn tỉnh Bình Dương với mục tiêu toàn diện, sâu rộng đến tận khu, ấp, tổ dân phố và hộ gia đình; tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng, tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi số.
Đồng chí Bùi Thanh Nhân, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Đọc và viết hôm nay không dừng lại ở con chữ trên trang giấy, mà là đọc dữ liệu, viết tương lai bằng công nghệ số. Thực tế, khoảng cách “số” giữa nông thôn và đô thị, giữa người dân trong tỉnh và người dân ngoài tỉnh đến sinh sống còn lớn.
Nếu không bắc cầu tri thức nhanh chóng, một bộ phận nhân dân có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Chính vì vậy, phát động phong trào “Bình dân học vụ số” đồng bộ tại Bình Dương là một hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc vì mục đích “xóa mù số toàn dân trong kỷ nguyên số” đến tất cả các tầng lớp nhân dân.
Với phương châm “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”, bằng hành động “Triển khai nhanh, kết nối rộng, ứng dụng thông minh”, thực hiện tốt phong trào “Bình dân học vụ số” đạt mục đích, yêu cầu đề ra; khẳng định niềm tin và khát vọng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.