Làng nghề tìm hướng đi mới

Làng nghề gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, thuộc thị xã An Nhơn (Bình Định) không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn đang kết hợp du lịch, mở ra cơ hội phát triển bền vững.Với lịch sử lâu đời và kỹ thuật chế tác gỗ tinh xảo, làng nghề có những bước chuyển mình trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trải nghiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Thắng thường giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên mạng xã hội nhằm tăng tương tác với khách hàng.
Anh Thắng thường giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên mạng xã hội nhằm tăng tương tác với khách hàng.

TĂNG TÍNH TRẢI NGHIỆM

Những năm gần đây, xu hướng du lịch trải nghiệm ngày càng phát triển, làng gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất và chứng kiến các nghệ nhân tạo ra những tác phẩm độc đáo. Để phù hợp với nhu cầu du khách, nghệ nhân làng nghề đã thiết kế, điều chỉnh các mặt hàng nội thất truyền thống sang sản phẩm lưu niệm, như: Tượng gỗ, tranh khảm, hộp đựng trang sức… Không chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm, các cơ sở chế tác còn mở lớp hướng dẫn du khách tự tay chạm khắc lên gỗ, tạo nên kỷ niệm riêng biệt trong hành trình khám phá làng nghề.

Chủ cơ sở sản xuất Phạm Gia (thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu) Bùi Quang Thắng cho biết: “Việc tổ chức trải nghiệm thực tế sẽ giúp du khách hiểu sâu hơn về quy trình sản xuất. Ngoài tham quan và mua sản phẩm, khách có thể trực tiếp tham gia sản xuất cùng nghệ nhân để tạo ra một món đồ đơn giản, như: Hộp tăm, ống đựng bút hoặc tranh khắc gỗ… giúp họ cảm nhận rõ hơn giá trị của nghề truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang đẩy mạnh tiếp cận thị trường bằng công nghệ số, nhất là thông qua các kênh mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử, các kênh livestream giới thiệu sản phẩm để mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng, đồng thời quảng bá làng nghề đến nhiều địa phương. Đối với các hoạt động trải nghiệm, sắp tới chúng tôi có thể tổ chức hướng dẫn trực tiếp tái hiện lại quy trình sản xuất thủ công thời xưa kết hợp với công nghệ hiện đại để nâng cao giá trị trải nghiệm và tạo điểm nhấn độc đáo”.

Tương tự, chủ cơ sở sản xuất Trường Thịnh (thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu) Ngô Xuân Thảo cho biết, bình thường cơ sở vẫn duy trì hoạt động sản xuất hằng ngày, nhưng khi có khách đến tham quan sẽ dành thời gian giới thiệu về nguyên liệu gỗ, quy trình chế tác cũng như các công đoạn sản xuất từ sơ chế đến hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh đó còn phát triển thêm các mẫu mã đa dạng nhằm giúp du khách trải nghiệm chế tác, tạo ra sản phẩm riêng dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. Quá trình trải nghiệm được thiết kế linh hoạt để du khách có thể thực hiện những công đoạn dễ hoặc hoàn thiện một sản phẩm nhỏ trong khoảng 30 đến 60 phút; những ai có kinh nghiệm về nghề gỗ có thể thử sức với công đoạn khó hơn như điêu khắc chi tiết.

Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã An Nhơn Đặng Trung Hiếu thông tin, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, thị xã An Nhơn đã ban hành hai đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, gồm làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu và làng nghề mai cảnh Nhơn An. Trong đó, nghề tiện gỗ mỹ nghệ ở Nhơn Hậu có nhiều lợi thế phát triển du lịch cho nên thị xã quyết định đưa vào đề án để tổ chức sản xuất theo quy mô hàng hóa, hướng tới nâng cao tính chuyên nghiệp và tăng hiệu quả kinh tế. Đây được xem là bước đi quan trọng để đưa các làng nghề vào chuỗi giá trị du lịch, giúp nâng cao thu nhập cho người dân và tạo ra những điểm đến hấp dẫn.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN LÂU DÀI

Một thách thức khi phát triển du lịch làng nghề là nhiều địa phương chưa biết cách tiếp cận du khách thông qua các sản phẩm. Nhiều nơi mới dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm và bán hàng lưu niệm, trong khi nhu cầu lưu trú, ăn nghỉ, trải nghiệm thực tế lại ngày càng tăng nhưng không đáp ứng được. Do vậy, thay vì chỉ dẫn khách đi tham quan hoặc mua sản phẩm, du lịch làng nghề cần thiết kế những hoạt động tương tác sâu hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Bình Định Nguyễn Phạm Kiên Trung cho biết, muốn phát triển du lịch làng nghề, các địa phương cần có sự quy hoạch rõ ràng để nâng cấp hạ tầng phục vụ du khách. Trước hết phải tạo điều kiện để khách có thể đến và trải nghiệm thuận tiện nhất từ đường sá đến các khu dịch vụ cơ bản, tất cả phải đồng bộ để tạo sự thoải mái. Điều làm nên sự hấp dẫn của du lịch làng nghề không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở cách du khách trải nghiệm. Nếu có thể tự tay chạm khắc hay tạo ra một sản phẩm nhỏ mang về làm kỷ niệm, lần sau khách sẽ muốn quay trở lại.

Nhằm hút khách đến với làng nghề, sự kết nối với các tổ chức du lịch, công ty lữ hành để xây dựng mô hình tour chuyên biệt là rất cần thiết. Đánh giá về vấn đề này, ông Trung chia sẻ, Hiệp hội Du lịch luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong tham mưu, tư vấn để tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường; có thể giúp làng nghề quy hoạch sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp du lịch để tạo ra những tour trải nghiệm hấp dẫn, đồng thời hỗ trợ trong công tác quảng bá và nâng cao chất lượng phục vụ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Hậu Giả Văn Thọ cho biết, để phục vụ khách du lịch tốt hơn, địa phương đã đầu tư vào hệ thống đường sá, bãi đỗ xe, bảo đảm việc di chuyển thuận lợi. Khu nhà trưng bày sản phẩm đã được xây dựng để du khách có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm gỗ mỹ nghệ tinh xảo và mua sắm. Trong quy hoạch lâu dài, địa phương cũng có kế hoạch tập trung sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, phục vụ tốt hơn cho khách du lịch và các đoàn tham quan bao gồm cả học sinh, khách nước ngoài. Mặc dù làng nghề có tiềm năng lớn, nhưng vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết như nguồn nguyên liệu gỗ nhóm 1 đang khan hiếm, cần có giải pháp hỗ trợ từ nhà nước để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu ổn định. Ngoài ra, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn sản xuất cũng cần được lưu tâm thực hiện để bảo đảm an toàn cho khách tham quan.