Thói quen đọc sách giấy đang đứng trước nhiều thách thức khi mạng xã hội và internet khiến không ít người dần xa rời sách in, chuyển sang đọc trực tuyến. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đưa ra một số nguyên nhân phổ biến: Sách giấy không phải mua bằng tiền, lưu trữ phức tạp và cồng kềnh, bảo quản khó, không thuận tiện để đọc mọi nơi mọi chỗ như đọc mạng. Sách giấy bị lẫn lộn giá trị rất nhiều, hình thức sách đẹp hấp dẫn nhưng có khi nội dung chẳng có gì, khiến người đọc mất lòng tin. Thời gian con người vốn hữu hạn, con người dùng thời gian để hưởng thụ nhiều cái khác nên không còn thời gian cho sách.
Sự chuyển dịch này ảnh hưởng trực tiếp đến nhà văn, nhà thơ - những người viết vì đam mê, nhưng lại gặp khó khăn trong việc sống bằng nghề: Viết để nuôi sống tầm hồn, nhưng không thể nuôi sống chính mình. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, đây cũng là vấn đề nan giải đối với những nhà văn, nhà thơ khi kinh phí lại là thứ cản trở nghệ thuật văn chương.
Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết trong cách vận hành giữa nhà thơ, nhà xuất bản và nhà in cũng khiến sách giấy khó đến gần hơn với công chúng. PGS, TS nhà văn Vũ Nho cho rằng, hầu hết các nhà văn vẫn đi theo lối mòn cũ là tự viết, tự in, tự truyền thông và tự bán khiến hiệu quả đạt được không cao. Đó là lý do nên có thêm sự hợp tác với nhà phát hành, họ sẽ là người đưa ra các chiến dịch truyền thông, tổ chức phân phối, giúp sách đến đúng đối tượng độc giả.
Tọa đàm cũng chỉ ra nhiều tồn tại lâu nay nhưng chưa có giải pháp triệt để: Sách giả tràn lan trên thị trường, gây thiệt hại kinh tế cho tác giả và nhà xuất bản, làm mất niềm tin của độc giả; mẫu mã, bao bì nhiều cuốn sách còn sơ sài, thiếu đầu tư về mỹ thuật, khiến người mua dễ bỏ qua ngay từ ánh nhìn đầu tiên; thủ tục xin giấy phép xuất bản vẫn còn rườm rà làm nản lòng những đơn vị xuất bản nhỏ... Những bất cập này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường liên kết, phối hợp hiệu quả giữa nhà văn, nhà xuất bản và nhà in để giải quyết triệt để các nút thắt trong chuỗi giá trị xuất bản.