Đó là chia sẻ của NSND Tống Toàn Thắng (ảnh nhỏ) với biệt danh “Thắng trăn” nổi tiếng một thời. Hiện ở vai trò Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, nghệ sĩ đang cùng đồng nghiệp tích cực đổi mới sân khấu xiếc, thu hút và làm thay đổi cái nhìn của khán giả với môn nghệ thuật nhiều năm được xem là “thuần giải trí” này.
Phóng viên (PV): Thưa NSND Tống Toàn Thắng, thời gian qua nhiều sân khấu nghệ thuật, đặc biệt là mảng tạp kỹ, ca khúc có nhiều nét mới đặc sắc. Trong lĩnh vực sân khấu cũng có những bước đi mới của múa rối và biểu diễn xiếc với không chỉ các tiết mục mà là các “vở xiếc”, các chương trình xiếc có tính chính luận. Anh có thể lý giải về những đổi mới này cho nghề nghiệp của mình?
NSND Tống Toàn Thắng: Bắt nguồn từ yêu cầu thay đổi về tư duy trong biểu diễn, dàn dựng, nhiều năm qua chúng tôi đã có các vở diễn gây ấn tượng, tạo nên diện mạo mới cho nghệ thuật xiếc như “Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa”, “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, “Đám cưới chuột”, “Alibaba và 40 tên cướp”, “Huyền thoại xứ Ai Cập”, “Sông Trăng”, “Tấm Cám”.
Từng có những lo ngại, băn khoăn, nhưng chúng tôi đã bước qua và được chấp nhận. Trước kia, nhà hát nào chỉ biết nhà hát ấy với bộ môn nghệ thuật ấy thôi, nhưng tại sao không có lúc ta thử xóa ranh giới? Đặc thù của các loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương… thì chúng ta cần giữ gìn, bảo tồn. Nhưng bối cảnh mới cũng đòi hỏi chúng ta sáng tạo và thay đổi tư duy để cho nghệ thuật có hơi thở của ngày hôm nay. Một thí dụ là chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã có cách thổi cái mới vào các bài hát quen thuộc, nên kéo được lượng người xem rất đông. Cũng qua đó, càng thấy khán giả trẻ hiện nay là đối tượng rất lớn, rất rộng, đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt, khai thác được họ.
Chúng tôi muốn bằng ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc truyền tải những thông điệp lịch sử, các giá trị nhân văn. Khi đó, ngôn ngữ xiếc trở thành công cụ truyền tải. Chúng tôi đưa xiếc lùi xuống một chút để đưa vào đó giá trị của các loại hình nghệ thuật khác. Xiếc từng giao thoa với cải lương, từng phối hợp với nhạc rock. Liên đoàn xiếc Việt Nam cũng từng hợp tác với các nghệ sĩ ảo thuật Nhật Bản dàn dựng chương trình “Ninja Magic Show”. Sắp tới tôi sẽ làm việc với bên tuồng với mục tiêu xiếc đưa tuồng ra quốc tế. Và gợi mở với khán giả nước ngoài, rằng muốn xem tuồng truyền thống, xin mời đến Việt Nam. Một cách khái quát, đó là cách tạo dựng một hệ sinh thái nghệ thuật.

PV: Xiếc khi mang thêm khái niệm chính luận, cũng gợi đến những thách thức nhất định trong cách truyền tải. Anh có thể nói rõ thêm về điều này?
NSND Tống Toàn Thắng: Đưa đề tài chính luận vào nghệ thuật xiếc. Mọi người nghe có thể thấy lạ. Nhưng chúng tôi đã làm được các chương trình với chủ đề “Sống mãi với Điện Biên”, “Hà Nội của những giấc mơ”, “Mừng Đảng, mừng Xuân”… thu hút đông khán giả. Gần đây nhất, chào mừng kỷ niệm 30/4 giải phóng miền nam thống nhất đất nước, mọi năm chúng tôi có gala xiếc 3 miền, tạo nên không khí 3 miền thống nhất. Nhưng năm nay chúng tôi làm chương trình “Non sông ngày thống nhất” với những câu chuyện kể về lịch sử bằng ngôn ngữ xiếc. Và rất mừng là đã phát sóng truyền hình nhưng sau đó vẫn bán hết vé cho 10 buổi diễn với tổng số hơn 10 nghìn khán giả. Đó là cách dàn dựng theo chủ đề xuyên suốt, lồng ghép khéo léo để kể câu chuyện lịch sử hào hùng.
PV: Có thể thấy rằng anh rất quan tâm đến công chúng để hiểu và tìm cách đáp ứng nhu cầu của họ?
NSND Tống Toàn Thắng: Xin chia sẻ là một phần nào đó chúng tôi đã thay đổi được góc nhìn của khán giả về nghệ thuật xiếc. Mọi người vẫn mặc định qua nhiều thế hệ là xiếc chỉ dành cho trẻ em. Phải nói là chạnh lòng lắm! Tôi nhớ khi đi biểu diễn ở Liên bang Nga, thấy khán giả xếp hàng dài hàng cây số trên đồi Lê-nin để mua vé vào nhà hát xem xiếc. Và như hiện nay, không đặt trước trên online sẽ không có vé. Điều đó cho thấy nét văn hóa của nước bạn. Và có thể thấy khi đã thành văn hóa của người dân một thành phố hay một đất nước, thì sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Chúng tôi đã tìm được cách tiếp cận khán giả thuộc nhiều đối tượng. Ở Liên đoàn xiếc, chúng tôi đã mở rộng phân khúc khán giả, căn cứ từ việc nghiên cứu, “tra soát” các đối tượng khán giả chứ không nhìn chung chung một cách tổng hợp quá. Kết quả là, trước kia cho con vào rạp, nhiều phụ huynh ngồi đợi ở ngoài uống cà-phê, uống bia. Nhưng giờ đây cả bố mẹ, cả ông bà cùng vào rạp xem xiếc. Thậm chí, trước kia thì có khi đang xem, người đi ra đi vào nhốn nháo, nhưng nay khán giả vào rạp xiếc im lặng theo dõi, như xem một vở kịch. Khi hết chương trình, mọi người đứng dậy vỗ tay trong tiếng nhạc. Đó thật là điều hạnh phúc!
PV: Qua những cách thức thu hút người xem đó, phải chăng anh và các đồng nghiệp đã rút ra được những “bí quyết” nhất định. Xin anh chia sẻ!
NSND Tống Toàn Thắng: Để thay đổi góc nhìn của khán giả về môn nghệ thuật xiếc, một kinh nghiệm là, cùng với nhiệm vụ phát triển chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo như một điều chắc chắn, một nền tảng cơ bản, thì phải có cách tiếp cận mới phù hợp ngày hôm nay. Chúng tôi phải phát triển nghệ sĩ ở tầm cỡ đi thi quốc tế, đạt giải cao. Cùng với đó, phải khiến cho mọi người đến rạp không phải để xem các trò diễn, mà đến xem bằng cảm xúc. Khi khán giả ngồi trong rạp xiếc thậm chí có thể khóc, thì đó là thành công mà các nghệ sĩ đã chạm được vào cảm xúc của họ bằng nghệ thuật của mình.
Bên cạnh đó, hiện nay nghệ thuật cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ. Mà muốn vậy thì cần có sự đầu tư. Đảng và Nhà nước đang khích lệ phát triển mạnh kinh tế tư nhân. Đó là một thuận lợi cho chúng ta đẩy mạnh hợp tác, tiếp nhận đầu tư, qua đó tiếp cận được các thành tựu công nghệ để làm nghệ thuật, vượt qua sự lạc hậu với những gì đã có, tiến nhanh đến phát triển công nghiệp văn hóa.
PV: Xin cảm ơn NSND Tống Toàn Thắng!