Giữ lấy Căn cứ kháng chiến Đầm Đen

Đáp lại lời hiệu triệu của Vua Hàm Nghi với ngọn cờ Cần Vương, Tham tán Lê Đình Dật đã về quê hương trung du, dấy binh tụ nghĩa, lập căn cứ nơi núi rừng, vượt sông Hồng, sông Lô, tổ chức các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp.

Bia di tích tại Đền thờ Tham tán Lê Đình Dật.
Bia di tích tại Đền thờ Tham tán Lê Đình Dật.

Hào khí Đầm Đen

Lần theo những tư liệu được ghi chép trong “Lý lịch di tích địa điểm lịch sử Đầm Đen” (Biên soạn năm 2002) cùng những lời kể của con cháu dòng họ Lê ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, đi qua con đường làng để đến thôn Phi Đình, khu 4, xã Lang Sơn (Hạ Hòa, Phú Thọ), chúng tôi đến Căn cứ Đầm Đen.

Giữa một vùng tre nứa um tùm hoà vào mầu xanh của cây lá ngút ngàn, một khung cảnh đầm nước rộng lớn hiện ra dưới chân một ngọn đồi cao, bao bọc chung quanh là những triền đồi trùng điệp. Ít ai biết vào thế kỷ XIX, địa điểm này lại là một căn cứ kháng chiến chống Pháp oanh liệt. Tham tán Lê Đình Dật người xã Lang Sơn, tổng Ấm Hạ, Hạ Hòa, Phú Thọ (không rõ năm sinh). Khi Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, ông rời kinh thành, trở về quê hương cùng quan tuần phủ là Nguyễn Quang Bích và các sĩ phu khác tổ chức cuộc kháng chiến ở vùng trung du Phú Thọ. Sau những trận chiến ác liệt bảo vệ thành Sơn Tây, Tán Dật cùng Bố Giáp, Lãnh Mai rút về xây dựng căn cứ ở Thanh Mai, Thạch Bơn (huyện Lâm Thao)…

Sau những trận tấn công vào căn cứ không thành công, thực dân Pháp mở một trận quyết định đánh vào Đầm Đen nhằm san phẳng chiến lũy này. Cuộc chiến diễn ra ác liệt tại gò Bồ Đề (còn gọi là gò Cao) nằm giữa vùng căn cứ. Do tương quan lực lượng và vũ khí, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, không thể cầm cự được. Tán Dật cho quân rút theo đường về núi Gia Điền rồi sang Bằng Doãn (Đoan Hùng). Tại đây, ông lại tiếp tục xây dựng căn cứ giữa vùng đầm gò thuộc thôn Cổ Tích. Cách đây vài chục năm, người ta vẫn còn thấy bức thành đất dày tới 1,22 m trên đỉnh gò Tròn.

Đầu năm 1893, thực dân Pháp đánh tới đây, trận chiến bảo vệ căn cứ diễn ra ác liệt. Biết không thể cầm cự được, Tán Dật đành giải tán binh sĩ rồi vờ ra xin hàng. Nhưng sau đó, ông đã uống thuốc độc tự tử. Trước khi chết ông còn nói: “Ta nhất định không chịu nhìn thấy mặt thằng Tây”.

141a.jpg
Tác giả bài viết và đoàn giáo viên đến tìm hiểu địa điểm di tích Căn cứ Đầm Đen.

Sự tri ân và mong mỏi của hậu thế

Ngày 25/10/2002, Căn cứ Đầm Đen (Lang Sơn) đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận, xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tại xã Tiên Lương (Cẩm Khê, Phú Thọ), Tham tán Lê Đình Dật được xếp vào hàng quan văn, được phối thờ tại đền Tiên Động, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thờ Nguyễn Quang Bích. Năm 2001, dòng họ Lê đã xây dựng ngôi đền thờ quan Tán Dật tại vị trí khuôn viên nhà chút trưởng Lê Xuân Đài, khu 5, xã Hà Lương (Hạ Hòa). Năm 2023, ngôi đền được xây mới trên nền cũ khang trang trên đỉnh gò Chùa. Ông Lê Xuân Đài (92 tuổi, chút của Tham tán Lê Đình Dật) chia sẻ: “Nhân dân và dòng họ Lê luôn tưởng nhớ, tri ân công đức của quan Tán Dật bằng những việc làm cụ thể như xây cất lăng mộ của cụ được khang trang, hương khói phụng thờ cụ, giáo dục cho các thế hệ con cháu luôn noi gương cụ mà học hành thành tài”.

Tuy nhiên, điểm nhấn quan trọng để minh chứng cho quần thể di tích Căn cứ Đầm Đen thì cho đến nay vẫn chưa được tôn tạo đúng với giá trị và tầm vóc lịch sử. Tại địa điểm di tích, dấu tích còn lại có lẽ chỉ tồn tại qua những yếu tố tự nhiên như đầm nước, gò đồi, tre nứa, cây lá. Toàn bộ diện tích đất và vùng Đầm Đen của căn cứ đã thuộc sở hữu của các hộ dân trong vùng. Đến nay, chưa có biển chỉ dẫn di tích, chưa có văn bia di tích hay công trình lưu niệm nào tại địa điểm Đầm Đen. Duy nhất chỉ có tấm bằng công nhận di tích hiện được lưu giữ tại đền thờ của dòng họ tại xã Hà Lương (cách địa điểm di tích hơn 10 km). Các hoạt động tri ân công lao của Tham tán Lê Đình Dật những năm qua đều do con cháu trong dòng họ Lê tổ chức. Điều đó cho thấy, Căn cứ Đầm Đen bấy lâu nay chỉ được nhắc tới qua tư liệu và lời kể của người đời sau.

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Lang Sơn (Hạ Hòa, Phú Thọ) và con cháu dòng họ Lê trong nhiều năm qua luôn mong mỏi Căn cứ Đầm Đen sẽ được quy hoạch, tôn tạo cả về yếu tố tự nhiên và lịch sử theo Luật Di sản văn hóa để di tích Đầm Đen xứng đáng với tầm vóc và giá trị lịch sử vốn có. Đồng chí Lê Xuân Tá - Bí thư Đảng ủy xã Lang Sơn cho biết: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân rất mong mỏi được sự quan tâm của các cơ quan chức năng trong việc tôn tạo khu di tích Đầm Đen để nơi đây trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước của quê hương”. Ông Phùng Đức Hạnh - Khu 4, xã Lang Sơn mong mỏi: “Từ nhỏ, tôi được nghe kể về công lao của cụ Lê Đình Dật và Căn cứ Đầm Đen ở quê mình nên tôi và người dân quanh vùng ngày đêm mong mỏi di tích được xây dựng thành một khu lưu niệm cụ để nhân dân được đến thăm và tưởng nhớ cụ”.

Mong rằng di tích lịch sử Đầm Đen sẽ được tôn tạo, xây dựng khang trang, xứng đáng với tầm vóc và giá trị lịch sử. Có được điều đó, nơi đây sẽ là điểm nhấn để lưu giữ những tư liệu lịch sử về cuộc khởi nghĩa Đầm Đen và công trạng của Tham tán Lê Đình Dật. Và ý nghĩa hơn, nơi đây sẽ trở thành điểm đến trong hành trình về “địa chỉ đỏ” của thế hệ hôm nay và mai sau.

back to top