Người truyền mộng

Họa sĩ Tô Bích Hải năm nay đã gần 80 tuổi. Sinh sống chủ yếu ở Pháp nhưng trong những năm gần đây, bà dành nhiều thời gian về Việt Nam sáng tác và làm từ thiện. Cũng là một cơ duyên với người bạn thân - họa sĩ Lê Bá Đảng, Tô Bích Hải đã có những triển lãm cá nhân tại quê nhà, mới đây là triển lãm “Nguồn cội” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây có thể coi là một cuộc tổng kết những thành quả hội họa và điêu khắc, mang đến cho người xem một Tô Bích Hải - người luôn đi giữa thực và hư.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Tô Bích Hải bên cụm tác phẩm sắp đặt “Totem”.
Họa sĩ Tô Bích Hải bên cụm tác phẩm sắp đặt “Totem”.

Đi giữa thực và hư

Thuở nhỏ, bà sống ở vùng núi phía bắc, khi lớn lên lại sống xa quê hương, theo học tại Học viện Mỹ thuật Lausanne, Thụy Sĩ và sau đó gắn bó với vùng trung đông nước Pháp. Trong tâm tưởng của bà lúc nào cũng có sự thôi thúc, níu kéo giữa quá khứ và hiện tại, giữa âm-dương, giữa phương đông-phương tây. Dường như đó là con đường để Tô Bích Hải đi sâu hơn vào tâm hồn mình, như bà từng chia sẻ: “Càng ngày mình càng đi sâu tâm hồn mình thì mình nhìn càng rõ. Có những lúc mình quên mình đi, thì tự nhiên mình có thể đi rất sâu vào tâm linh. Càng đi sâu bên trong mình, sẽ càng có thể đi xa. Lúc đầu mình nhìn thấy cái ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng sau đó, mình càng trân trọng và hiểu hơn, nhìn thấy mọi sự đều có sức sống riêng”.

Họa sĩ Lê Bá Đảng, người bạn thân thiết từng nói với họa sĩ Tô Bích Hải, rằng: Bích Hải phải trở về Việt Nam để làm triển lãm, mặc dù trước đó bà đã có rất nhiều cuộc “hội ngộ” với các nghệ sĩ ở nước ngoài. Lần đầu tiên về Việt Nam triển lãm năm 2008, bà đã tạo dấu ấn với khoảng 80 cọc gỗ “Totem” đóng bên bờ sông, gần Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế. Lần thứ hai, Tô Bích Hải đã đối thoại với “Văn tế thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du bằng loạt tranh đồ họa trên đá “Lắng nghe đá thì thầm” (2012), với cảm hứng sáng tạo từ những câu chuyện tâm linh. Trong lần triển lãm “Nguồn cội”, Tô Bích Hải dường như muốn giãi bày những suy nghĩ, chiêm nghiệm của bà về sự sống, sự sinh sôi, nảy nở, tri ân sự bao bọc, nuôi dưỡng của mẹ thiên nhiên, của quê hương- nơi chốn sinh ra mình. “Lần này tôi vẽ nhiều tranh về hoa quả, cắt làm đôi và thấy trong đó bao nhiêu hạt giống, cũng giống như bụng người phụ nữ. Tôi cảm nhận mình chỉ là một trong những hạt giống đó, đang ở dưới đất, tìm ánh sáng để nảy mầm. Những chiếc cọc gỗ đã mục thu lượm được từ vườn nho đã truyền cảm hứng sáng tạo cho tôi”, họa sĩ nói.

Người truyền mộng ảnh 1

Tranh chân dung đầy biểu cảm, thể hiện kỹ thuật tả thực tài tình của nữ họa sĩ sinh năm 1947.

Người bạn thân của họa sĩ Lê Bá Đảng

Họa sĩ Lê Bá Đảng (1939-2015) cũng từng có nhiều năm sống xa quê nhưng tâm hồn ông vẫn luôn hướng về quê nhà. Lúc sinh thời, ông từng nói “trong lao động nghệ thuật, tất cả những gì tôi làm chỉ là phản ánh tình yêu vô cùng đa dạng đó”. Có một sự đồng điệu trong sáng tạo cũng như trong cuộc sống, họa sĩ Lê Bá Đảng và Tô Bích Hải đều hướng lòng mình về quê hương thông qua các dự án nghệ thuật, để thế giới biết đến Việt Nam trong niềm kính ngưỡng.

“Không gian ký ức Lê Bá Đảng” đã được xây dựng tại làng Kim Sơn (xã Thủy Bằng, Hương Thủy, Huế), khánh thành năm 2019, là nơi đặt rất nhiều tác phẩm, đúng như mong muốn của ông lúc sinh thời. Bà Lê Cẩm Tế, chủ đầu tư dự án cho biết: Nếu không có sự giúp đỡ của họa sĩ Tô Bích Hải thì việc xây dựng không gian ký ức nghệ thuật Lê Bá Đảng sẽ rất khó thành.

“Giống như một sự sắp đặt hài hòa, ấm áp, ngôi nhà nghệ thuật của họa sĩ Tô Bích Hải ở ngay cạnh không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng. Cả hai người đều có những ý tưởng tương đồng. Tâm hồn cũng như sự cống hiến của họ cho cuộc đời thông qua nghệ thuật rất giống nhau. Và tình yêu với quê hương của họ quá lớn, quá chi tiết, đặc biệt với họa sĩ Tô Bích Hải khi làm những điều thiện cho phụ nữ, cho con trẻ”, bà Lê Cẩm Tế nói.

Năm 2015, họa sĩ Lê Bá Đảng qua đời. Bà Tô Bích Hải là người kết nối với vợ cố họa sĩ là bà Myshu để mọi người hiểu nhau nhiều hơn trong việc hoàn thiện không gian lưu niệm. Bà Lê Cẩm Tế nhớ lại: Năm 2008, khi về Huế làm sắp đặt Totem, họa sĩ Lê Bá Đảng đã khuyên Tô Bích Hải nên về Việt Nam, cụ thể là về Huế “kiếm mảnh đất nào đó làm nghệ thuật”. Về sau, như một cơ duyên, theo lời “kêu cứu” của bà Lê Cẩm Tế, nếu không mua giúp mảnh đất ấy thì có thể sau này sẽ mọc lên một nhà hàng ở đây, sẽ phá vỡ không gian lưu niệm sắp hình thành do đó, họa sĩ Tô Bích Hải đã mua mảnh đất cạnh nơi sẽ xây dựng không gian ký ức Lê Bá Đảng.

Tác phẩm trong triển lãm “Nguồn cội” sẽ được đi chu du khắp Việt Nam, có thể vào Huế, Đà Lạt (Lâm Đồng) và Thành phố Hồ Chí Minh. Họa sĩ Tô Bích Hải mong muốn chia sẻ những cảm xúc nghệ thuật cùng mọi người và bà xem đó là “định mệnh” để tiếp tục công việc sáng tạo.