Hiện đại hóa hào khí Bạch Đằng mừng kỷ niệm

“Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30/4/1975”, triển lãm điêu khắc - sắp đặt của họa sĩ Lê Hữu Hiếu đang diễn ra trong không gian quảng trường tại trung tâm TP Hồ Chí Minh. Những sáng tạo đồ sộ của họa sĩ và ê-kíp gợi ra nhiều suy ngẫm về lịch sử hào hùng và dòng chảy bền lâu của khí phách dân tộc trong thời đại mới.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc triển lãm.
Một góc triển lãm.

1/Đón ngày vui kỷ niệm 30/4 của cả nước bằng cách riêng của mình, họa sĩ Lê Hữu Hiếu mang đến thành phố mang tên Bác một tác phẩm điêu khắc - sắp đặt hoành tráng, độc đáo về ý tưởng và kỳ công trong tạo hình, thực hiện.

Sẽ hiện diện đến 25/4, nổi bật lên trên không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, triển lãm của họa sĩ rộng 26 m và dài đến 79 m, trong đó có những khối, cụm tác phẩm mà sự liên kết như thổi về linh khí dân tộc từ thuở dựng nước, giữ nước đến thời kỳ hiện đại. Rất thú vị khi Lê Hữu Hiếu tạo nên một bãi cọc lớn gợi nhớ lại những trận thủy chiến thắng lợi trên sóng nước Bạch Đằng xưa, nhưng bị mắc lại, dốc ngược và bị cọc khoan thủng lại là một chiếc… xe tăng. Họa sĩ cho biết, đây là mô hình xe tăng M24Chaffee do Mỹ viện trợ cho Pháp năm 1953, hiện đang nằm tại cánh đồng Mường Thanh. Mô hình được làm với tỷ lệ 1-1 và nặng tới 3 tấn. Xe tăng mắc lại trên bãi cọc giữa không gian rộng có tính chất quảng trường của TP Hồ Chí Minh, hình ảnh đó được thể hiện đã nói lên nhiều điều.

Hiện đại hóa hào khí Bạch Đằng mừng kỷ niệm ảnh 1

Cộng hưởng với ý đồ chủ đạo đó, trên những chiếc cọc, họa sĩ mời các chuyên gia thư pháp Nhân Mỹ học đường (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) tư vấn và thực hiện các dòng thư pháp Hán Nôm với tác phẩm “Hịch tướng sĩ” của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo. Những dòng chữ đỏ viết bằng sơn son, cọc được phủ sơn mài, trên đầu cọc còn ghi hai chữ “Sát Thát”. Những bức tượng khổng lồ nối liền bãi cọc, tạo thế liên tiếp, trùng điệp như sức mạnh núi sông, con người. Trong không khí hào hùng đó, họa sĩ không quên gợi nhớ những điều bi tráng, mất mát khi tạo hình nhiều tượng lại như... thiếu một chân, thay vào đó là những chiếc thang lớn mang dáng dấp chiếc nạng.

2/Chia sẻ về cụm tác phẩm điêu khắc - sắp đặt Bạch Đằng, cố vấn nghệ thuật Đỗ Tú Anh cho rằng, ở đây có sự nhuần nhuyễn của kỹ thuật kết cấu, của vật liệu, và của khao khát hướng đến sự vĩ đại. Nghệ sĩ sử dụng phong cách ước lệ đối với những nhân vật trong tác phẩm để ngợi ca mọi anh hùng của kỳ tích Bạch Đằng. Hình tượng tối giản dù họ là nông dân, chiến sĩ, hay bá quan văn võ, tất cả được tôn cao, vững chãi, với tạo hình vai, lưng vuông vức, mạnh mẽ như những thân cây cổ thụ mọc lên từ đất.

Cũng trong cụm tác phẩm Bạch Đằng, một hình tượng với cách gọi quen thuộc nhưng được tạo hình lạ, vừa lạ lại vừa thân thuộc, đó là tác phẩm “Thần bảo hộ”. Cố vấn Tú Anh lý giải, không phải là một vị thần cụ thể nào, họa sĩ ngưỡng vọng mong muốn thân thương của người Việt là được trời đất dung dưỡng, bảo vệ.

Hiện đại hóa hào khí Bạch Đằng mừng kỷ niệm ảnh 2

Đông đảo công chúng đã đến với không gian triển lãm trên phố đi bộ.

Tạo ra tác phẩm này, họa sĩ cùng ê-kíp ngâm các thanh gỗ mít trong bùn rồi xẻ ra, hong đốt và sơn đen bóng với ý tưởng tượng trưng cho sức mạnh hữu cơ mà như sắt thép của người Việt Nam. Khối tượng cao 6 m là kết quả của cách sắp xếp, dẫn dắt giữa những thanh gỗ gây ấn tượng ở việc không mang một hình hài con người cụ thể, nhưng dáng dấp và một số mảng họa văn, họa tiết đắp kèm gợi nhớ đến những pho tượng hộ pháp, kim cương hay tượng đài nơi mà nhiều thế hệ người đã gửi gắm niềm kính ngưỡng, coi đó như chỗ dựa quan trọng cho cõi đời.

Phần trưng bày liền đó lại tạo nên một cảm giác vàng son của những tranh sơn mài trừu tượng, với bức tranh mang tên “Hịch tướng sĩ” dài 9,5 m, cao 3,8 m và dày tới 10 cm. Tính hoành tráng, vẻ đồ sộ và chiều sâu lịch sử của khối tác phẩm làm toát lên tinh thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” mạnh mẽ.

Tổng thể triển lãm còn truyền tải một tinh thần quy tụ đáng quý của họa sĩ Lê Hữu Hiếu khi tạo nên khối tác phẩm của mình, anh khai thác nhiều chất liệu, vật liệu, cách làm từ các nghề truyền thống như sơn mài, gốm, đúc kim loại… Và như thế, chuyện kể văn hóa và lịch sử song hành, hòa quyện trong triển lãm của anh, trở thành niềm tự hào truyền thống trong niềm tự hào hòa bình, thống nhất của dân tộc.